Quyền trẻ em đã đến lúc cần lên tiếng
126 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý; 14.920 trẻ em bị tai nạn, thương tích từ năm 2017 đến tháng 6-2021. Đó là những con số đáng báo động cho thấy còn nhiều lỗ hổng trong việc thực hiện và bảo vệ quyền của trẻ. Trên thực tế, đây mới chỉ là con số bề nổi và do đó đã đến lúc quyền trẻ em cần được quan tâm thực hiện một cách nghiêm túc.
Trẻ em tham gia ngày hội khoa học (tháng 4-2021) của Trường Tiểu học, THCS Fansipan
Có người đã từng nói, trẻ em vừa là hy vọng, vừa là lời hứa của nhân loại. Nếu xã hội vô tình hay cố ý làm tổn thương đến trẻ thì chẳng khác nào xã hội ấy đang tự chặt đứt hy vọng, tương lai của mình. Trẻ em chính là đối tượng được toàn xã hội bảo vệ. Ở Việt Nam trẻ em là đối tượng được quan tâm đặc biệt. Điều đó thể hiện ở việc, Việt Nam là nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em và Luật Trẻ em năm 2016 đã công bố 25 quyền cơ bản của trẻ em. Trong đó, những hành vi tước đoạt quyền sống; xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột, bỏ rơi, bỏ mặc... trẻ em đều là những hành vi bị nghiêm cấm. Song, thực tế đâu đó vẫn còn những hành vi vi phạm quyền trẻ em mà đau xót hơn chính là hơn nửa số hành vi gây tổn hại đến trẻ đều do người thân, thậm chí cha mẹ gây ra cho trẻ. Hơn lúc nào hết, trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em đang là vấn đề bức thiết đặt ra cần được giải quyết triệt để.
Trong tháng 5-2021, tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đã tiếp nhận trường hợp bé N.B.K. (Hậu Lộc) nhập viện trong tình trạng ốm sốt, đỉnh đầu bị tổn thương, lở loét, rỉ nước. Bé không có bố, không được hưởng bảo hiểm y tế, sống cùng mẹ có vấn đề thần kinh, không ít lần bị đòn roi nặng nề từ mẹ. Bé nhập viện nhưng mẹ đã bỏ đi, khiến việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí, người nuôi dưỡng. Có thể thấy, bé K. chính là một nạn nhân của bạo lực, xâm hại trẻ, gây tổn thương đến sức khỏe, tinh thần của trẻ - một phần của những mảng tối trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ quyền của trẻ cần được lên tiếng bảo vệ.
Thực tế trên địa bàn tỉnh, chỉ trong vài tháng đầu năm, liên tiếp những vụ đuối nước đã xảy ra. Sự ra đi của các em là điều đau xót cho gia đình. Nhưng nếu được gia đình, nhà trường giáo dục, rèn luyện, quan tâm hơn thì những việc đau lòng này có thể không xảy ra. Hay đâu đó, vì sự thiếu hiểu biết của cha mẹ, người chăm nuôi mà làm tổn hại đến trẻ. Nhiều phụ huynh còn đăng hình ảnh, thông tin của trẻ lên mạng xã hội. Hành vi này tưởng chừng vô hại nhưng đã tạo cơ hội để các đối tượng phạm tội có thể dễ dàng lấy thông tin thực hiện các chiêu trò gây ảnh hưởng đến trẻ. Đặc biệt theo Luật Trẻ em, việc công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em là hành vi bị cấm. Do đó, hơn ai hết cha mẹ hãy là người đầu tiên nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc thực hiện quyền trẻ em.
Có thể thấy, rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những tác động tiêu cực, vụ việc và hành vi xâm hại đến trẻ. Để thực hiện quyền trẻ em, cần gắn quyền trẻ em với trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình và toàn xã hội. Hãy trở thành những “chiến sĩ” tiên phong trên mặt trận bảo vệ trẻ em, lên tiếng khi phát hiện những sự việc, hiện tượng có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, đạo đức, trí tuệ và những hành vi vi phạm quyền trẻ em. Đừng vì tâm lý lo sợ, e ngại, né tránh mà bao che cho những tội ác đối với trẻ. Có như vậy, mới hy vọng xây dựng được môi trường sống lành mạnh, an toàn, một thế giới tốt đẹp hơn cho trẻ em.
Nguồn https://baomoi.com/
|