Những điều cha mẹ cần 'buông bỏ' để con thành công
Cha mẹ nào cũng mong con mình lớn lên sẽ tài giỏi. Theo một nghiên cứu, đa số những đứa trẻ xuất sắc đều lớn lên trong bầu không khí gia đình tự do.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu cha mẹ khôn ngoan kìm nén những điều này, con cái sẽ có nhiều triển vọng thành công hơn ở tương lai. Cũng giống như diều có bay được lên cao hay không phụ thuộc vào việc người thả diều có chịu nới lỏng sợi chỉ ở tay hay không.
Những lời nói của cha mẹ dành cho con cái mỗi ngày chỉ có 20% nội dung khích lệ mang tính tích cực. Ảnh: chinanews
Không hối thúc, trẻ sẽ ngày càng tự giác
"Trời đất, con làm gì cũng chậm, sao mà chán thế cơ chứ"; "Sáng nào cũng để phải nhắc, lại muộn nữa rồi đấy", "Ăn thêm chút nữa đi, đừng chỉ gẩy thức ăn như vậy"... Không ít cha mẹ đã thúc giục con cái mình như vậy. Tuy nhiên, việc thúc giục đôi khi lại phản tác dụng.
Mỗi đứa trẻ đến với thế giới này đều có nhịp điệu riêng. Nếu cha mẹ luôn đòi hỏi con phải theo nhịp điệu của người lớn thì đó sẽ là một kiểu gây hại cho thể chất và tinh thần của trẻ.
Hơn nữa hành vi hối thúc kiểu này cũng khiến trẻ nghĩ rằng, đã có cha mẹ quản lý giúp thời gian thì dù làm việc gì cũng chắc chắn đúng giờ, không thể muộn được. Điều này sẽ khiến khái niệm thời gian của trẻ ngày càng yếu đi.
Tạo ranh giới giữa cha mẹ và con cái
Nhà trị liệu tâm lý người Đức nổi tiếng Bert Hellinger từng nói: "Một gia đình tốt phải có ý thức về ranh giới". Nếu gia đình thiếu ý thức về việc này, thứ chờ đợi họ phía trước là một bi kịch. Ý thức về ranh giới được hiểu là bố mẹ nên tôn trọng không gian và ý tưởng của con cái, đồng thời cho con tự do suy nghĩ và bày tỏ quan điểm cá nhân, từ đó có thể hỗ trợ con trong việc đưa ra các quyết định hợp lý nhất
Tự hỏi xem bố mẹ đã thực sự biết ranh giới giữa họ và con cái để có thể theo dõi và giám sát mà không đụng chạm đến sự riêng tư của trẻ chưa. Những cha mẹ không có ý thức về ranh giới, dưới chiêu bài suy nghĩ vì lợi ích của trẻ không chỉ xâm phạm không gian riêng tư mà xâm phạm tới quyền được suy nghĩ tự do của con cái. Đây là lý do khiến trẻ mất đi lý tưởng thực sự của chúng. Trẻ cũng không thể có một không gian độc lập riêng trên con đường trưởng thành sau này.
Khi trẻ nhận được sự tôn trọng từ bố mẹ, chúng sẽ ý thức hơn với hành động, cuộc sống của mình để hoàn thiện nhân cách và có những bước tiến dài trên quá trình phát triển bản thân.
Không đả kích sự tự tin của trẻ
Theo nghiên cứu của Đại học Iowa, Mỹ, trung bình mỗi đứa trẻ nhận được hơn 400 lời nhận xét tiêu cực mỗi tuần. Trong khi đó, những lời nói của cha mẹ dành cho con cái mỗi ngày chỉ có 20% nội dung khích lệ mang tính tích cực. Sau khi nghiên cứu này được công bố, nhiều người nói rằng, đây là một sự thật khủng khiếp.
Đòn roi, trách mắng thường được nhiều phụ huynh coi là phương pháp giáo dục nghiêm khắc để con ngoan, thành người. Tuy nhiên theo các nhà tâm lý học tại Đại học Iowa, những biện pháp trên không mang tính giáo dục, chưa nói đến ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý của trẻ. Cách nhanh nhất hủy hoại một đứa trẻ là hủy hoại lòng tự trọng và "biến" trẻ thành người vô giá trị.
Nhà giáo dục người Ý Maria Montessori từng nói: "Mọi khiếm khuyết về nhân cách đều do một hình thức ngược đãi nào đó đã trải qua trong thời thơ ấu." Những đứa trẻ thường xuyên bị đánh đòn luôn có sẵn tâm lý xẩu hổ và tội lỗi, lòng tự trọng ngày càng thấp và luôn có ý nghĩ bản thân vô dụng, không làm nổi việc gì. Một khi lối suy nghĩ này đã ăn sâu, trẻ trở nên tự ti và không dám đối mặt với thử thách một cách trực tiếp.
Cha mẹ luôn hối thúc trẻ đôi khi lại phản tác dụng. Ảnh: chinanews
Không quá kỳ vọng vào con
Trong gia đình, đứa trẻ luôn là trung tâm. Ngay từ khi được sinh ra, các bậc cha mẹ luôn đau đầu về những kế hoạch dành cho con như: học mẫu giáo, tiểu học, trung học rồi đại học ở đâu. Việc làm, kết hôn, rồi mua nhà... sau này sẽ thế nào? Quá trình này lại chứa đựng nhiều sự so sánh, nỗ lực, hy vọng rồi thất vọng, tiếc nuối... Cho đến khi trẻ trưởng thành, cha mẹ lại trông đợi sự hiếu thuận báo đáp của con cái.
Thực tế, sự kỳ vọng quá cao không chỉ gây áp lực cho cha mẹ, mà bản thân con cái cũng mỏi mệt. Nếu cha mẹ có thể nhìn vào bản chất vấn đề này và từ bỏ mọi kỳ vọng về danh tiếng, địa vị, tài sản của trẻ trong tương lai. Thay vì thế, quan tâm nhiều hơn tới sự an yên, hài lòng trong tâm hồn con và chính mình. Nếu thực hiện được, nhiệm vụ làm cha mẹ sẽ tự khắc trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Đối với phụ huynh, nên kìm nén cái tôi của bản thân, kìm nén băn khoăn, lo lắng để trẻ được sinh hoạt, học tập trong môi trường tốt nhất. Bên cạnh đó, cha mẹ cần phải có tầm nhìn dài hơn, nên quan tâm đến tính cách, kỹ năng, suy nghĩ, hành động, cách ứng xử với các tình huống xảy ra trong cuộc sống hơn là điểm số ở trường.
Nguồn https://vnexpress.net/
|