Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nghiên cứu của ĐH Y Harvard: Cột mốc quan trọng nhất trong cuộc đời đứa trẻ để phát triển não bộ, cải thiện IQ


 

Nếu cha mẹ nắm bắt được thời kỳ phát triển não bộ đỉnh cao này của trẻ, kịp thời rèn luyện, IQ sẽ được cải thiện đáng kể.

Bất kỳ cha mẹ nào cũng đều muốn con mình thông minh lanh lợi, nhưng IQ của một đứa trẻ không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào gen mà phần lớn là do quá trình được nuôi dạy như thế nào.

Theo một nghiên cứu của Đại học Y Harvard, khi một đứa trẻ vừa mới sinh ra, não bộ chỉ mới phát triển khoảng 25%, nhưng khi đến giai đoạn 3-6 tuổi, sự phát triển não bộ của trẻ có thể đạt 85% so với người lớn. Nói một cách dễ hiểu, cột mốc quan trọng nhất để phát triển não bộ của trẻ chính là trong khoảng 3-6 tuổi.

Biết được cột mốc quan trọng này rồi, cha mẹ cần phải làm gì để rèn luyện, cải thiện IQ của con mình? Sau đây là 3 gợi ý cha mẹ có thể tham khảo.

1. Tăng cường vận động

Có một số cha mẹ bao bọc con cái quá kỹ, sợ con tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhiều sẽ ham chơi, lười học... Vì vậy, họ thích giữ con ở nhà, nhưng điều này vô tình khiến đứa trẻ trở nên hướng nội, sợ giao tiếp, kỹ năng xã hội kém, EQ thấp...

Trên thực tế, nếu cha mẹ muốn con mình thông minh hơn, cách tốt nhất là khuyến khích chúng vận động nhiều. Trong giai đoạn vàng 3-6 tuổi, cha mẹ nên cho trẻ tham gia một số lớp học như bơi lội, chạy bộ, đá bóng..., phù hợp với sở thích và thể trạng của mỗi đứa trẻ.


Cha mẹ muốn con mình thông minh hơn, cách tốt nhất là khuyến khích chúng vận động nhiều. (Ảnh minh họa)

Bác sĩ John Ruddy, phó giáo sư tại Trường ĐH Y Harvard, đồng thời là chuyên gia trong lĩnh vực thần kinh học nói: "Các trò chơi và vận động thể thao sẽ giúp phát triển EQ và IQ của một đứa trẻ".

Ông lý giải rằng, tập thể dục không chỉ giúp não bộ hoạt động ở trạng thái tốt nhất mà còn có thể giải tỏa căng thẳng. Việc tập luyện hợp lý cũng có thể thúc đẩy việc kết nối các tế bào thần kinh tốt hơn. Số lượng kết nối càng nhiều thì mật độ tế bào thần kinh sẽ tăng cao, trẻ em càng thông minh.

Một nghiên cứu khác cũng chứng minh rằng, những đứa trẻ 5 tuổi yêu thích thể thao sẽ có IQ cao hơn 30% so với những đứa không chơi thể thao.

2. Khuyến khích đọc nhiều sách
Đọc sách không chỉ giúp trẻ có thêm nhiều tri thức, mà nó còn rèn luyện khả năng quan sát, trí tưởng tượng, óc sáng tạo. Khi một đứa trẻ đang học, chúng cần tập trung cao độ, mắt và não kết hợp với nhau để chuyển đổi những con chữ, hình ảnh vào não.


Đọc sách giúp phát triển não bộ của trẻ. (Ảnh minh họa)

Bạn cũng biết rằng, thông tin văn bản thường rất nhàm chán, trong khi hình ảnh và những câu chuyện xung quanh lại dễ dàng được não tiếp nhận và nhớ lâu hơn. Vì vậy, khi đọc sách, trẻ càng tập trung cao độ, càng tưởng tượng, hòa mình vào từng câu chữ, não bộ của chúng sẽ phát triển rất nhanh.

Đọc sách là cách tốt nhất để thúc đẩy sự phát triển não bộ của trẻ. So với những đứa trẻ chỉ biết xem TV và điện thoại, trẻ thích đọc sách thường có IQ cao hơn.

3. Ăn uống hợp lý và ngủ đủ giấc

Muốn não bộ phát triển một cách tối ưu nhất, điều kiện không thể thiếu chính là trẻ cần có một chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý và ngủ đủ giấc.

Về chế độ dinh dưỡng, một số cha mẹ hiểu lầm rằng, đồ ăn càng đắt tiền càng tốt. Họ không ngần ngại chi một số tiền không nhỏ để mua thực phẩm bổ dưỡng, nhưng trên thực tế, đồ ăn đắt tiền chưa chắc đã giúp phát triển trí não của trẻ.


Đối với trẻ 3-6 tuổi, chúng cần đảm bảo ngủ đủ 10-12 tiếng mỗi ngày. (Ảnh minh họa)


Một chế độ dinh dưỡng hợp lý là đa dạng các loại thực phẩm, ăn nhiều ngũ cốc, trái cây, rau, sữa, trứng, cá, thịt... Đối với trẻ nhỏ, cần hạn chế muối và dầu mỡ khi chế biến. Trong giai đoạn trẻ cần phát triển nhanh, cha mẹ nên chú trọng tới một số thực phẩm đặc biệt giàu protein và canxi như đậu phụ, sữa, cá, tôm...

Liên quan đến giấc ngủ của trẻ, các chuyên gia của Đại học Cornell đã thực hiện một nghiên cứu, theo dõi hàng nghìn trẻ em và phát hiện ra rằng, những đứa trẻ ngủ trước 9 giờ tối có khả năng đọc và tính toán tốt hơn nhiều so với những đứa ngủ muộn.

Não bộ tiêu hao 20% năng lượng của toàn bộ cơ thể, khi một đứa trẻ ngủ đủ giấc thì não bộ mới hồi phục tốt hơn. Trẻ thiếu ngủ thường có não bộ kém phát triển. Vì vậy, đối với trẻ 3-6 tuổi, chúng cần đảm bảo ngủ đủ 10-12 tiếng mỗi ngày.


Nguồn Trí Thức Trẻ