Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Kỹ năng giúp cha mẹ chăm con khi nghỉ hè ở trong nhà


 

Kỳ nghỉ hè 2021 đã bắt đầu sớm do sự bùng phát của dịch Covid-19. Làm sao để bảo vệ an toàn cho con mà vẫn dành cho con một quãng thời gian bổ ích khiến nhiều cha mẹ đau đầu.

 

 

Làm sao để bảo vệ an toàn cho con mà vẫn dành cho con một quãng thời gian bổ ích khiến nhiều cha mẹ đau đầu. (Ảnh minh họa).

Nghỉ hè mùa dịch

Chị Nguyễn Thị Hoa (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết, khi nhận tin cậu con trai học lớp 7 và cô con gái học lớp 4 được nghỉ hè từ nửa đầu tháng 5, chị vừa mừng vừa lo. Mừng vì các con được ở nhà hoàn toàn, giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Lo vì lại đối mặt với kỳ nghỉ dài cuồng chân cuồng cẳng của 2 đứa trẻ đang vô cùng thích vận động. Nửa cuối hè năm 2020 dịch cũng bùng lên nhưng hai đứa vui vẻ chấp nhận bước vào ôn tập và chuẩn bị đồ dùng, sách vở cho năm học mới vì đã được đi chơi, tham gia trại hè và về quê cả tuần với ông bà. Hơn 2 tuần qua, cả nhà đã "họp gia đình" mấy lần vì bọn trẻ đòi được làm những gì chúng thích. Mà trong 4 bức tường chỉ có 2 thứ khiến chúng vui vẻ là điện thoại và tivi.

Vợ chồng chị Hoàng Anh (Phủ Lý, Hà Nam) đã phải bàn bạc để xem ai sẽ nghỉ chăm cậu con trai 4 tuổi ở nhà. Chị cho biết, mỗi lần con trai ốm hoặc được nghỉ dài ngày, chị yên tâm vì có bà nội lên trông con giúp. Nhưng đợt này ông nội bị ngã gãy chân, bà nội phải ở nhà chăm ông, không thể bỏ mặc lợn, gà, hai vợ chồng phải tự xoay sở. Thằng nhóc 4 tuổi không thể tự chơi, tự ăn cả ngày, bắt buộc bố hoặc mẹ phải nghỉ làm. Cuối cùng, người mẹ làm văn phòng đã phải xin nghỉ không lương chăm con.

Cha mẹ nên làm gì khi con nghỉ hè trong nhà?

Cùng con xây dựng thời gian biểu và mục tiêu thực hiện trong hè. Ngoài việc nghỉ ngơi, giải trí, chơi trò chơi điện tử, ôn tập kiến thức đã học, nên cùng con xây dựng mục tiêu bảo vệ sức khỏe bằng một môn thể thao có thể tập trong nhà, học một năng khiếu trong hè, đọc sách, xem phim rồi làm review, học một kỹ năng cụ thể phù hợp như nấu ăn, thu dọn nhà cửa...

Đảm bảo an toàn: Các con hiếu động, mải chơi nên cố gắng tạo không gian an toàn cho các con ở nhà như đảm bảo bịt kín các ổ điện, có lưới an toàn ở cửa sổ, ban công, thiết bị điện có tự ngắt, hẹn giờ khi nấu ăn, có chỗ cắm nạp riêng cho thiết bị điện tử...

Lựa chọn lợi ích của điện thoại, máy tính: Đây là 2 món các con thích dùng và có thể dùng lâu nhất. Hãy tận dụng triệt để các tiện ích của các thiết bị này trong việc tìm hiểu thông tin thú vị, các bài học năng khiếu, kỹ năng phù hợp với con, đặc biệt làm phần thưởng cho con mỗi khi con thực hiện được những mục tiêu đề ra.

Thể thao trong nhà: Có nhiều môn thể thao phù hợp tập trong không gian nhỏ mà các con có thể tập đều đặn sáng chiều để hoàn thiện thể hình, nâng cao thể lực như nhảy dây, tập tạ tay, chạy tại chỗ, aerobic theo các video, các bài tập cơ theo các video, ném bóng rổ trong nhà...

Dạy kỹ năng cho con: Phù hợp nhất là kỹ năng nấu ăn, thu dọn nhà cửa.

Tự học năng khiếu: Hiện nay các môn năng khiếu từ đàn, vẽ, dựng phim, nhảy... đều có các clip dạy đơn giản, dễ hiểu theo từng bước từ cơ bản đến nâng cao phù hợp với lứa tuổi các con.

Luyện chữ đẹp bằng viết nhật ký: Chọn mua các cuốn sổ nhỏ, đẹp, có dòng kẻ để các thành viên trong nhà ghi lại nhật ký bằng tay. Đây là cách luyện chữ viết hàng ngày, cách ghi lại lịch trình mỗi ngày với cảm xúc và đặt mục tiêu cụ thể cho các ngày sau.

Cả nhà cùng làm: Chọn những điều mà mọi thành viên trong nhà có thể làm cùng nhau, thi đua với nhau để tạo không khí vui vẻ, gắn kết, chia sẻ như học 1 bài nhảy, xem phim cùng nhau, phút nói thật...

Nghỉ hè cùng nhóm bạn: 2-3 gia đình thân thiết có thể tổ chức kỳ nghỉ hè chung cho các con lần lượt ở từng nhà. Như vậy lũ trẻ có thêm bạn bè cùng chơi, cùng thi đua học hỏi mà các bố mẹ không phải lo 3 bữa ăn đều đặn và gắn chặt vào các con suốt cả mùa hè.

Nguồn Phụ Nữ Việt Nam