Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Điều chỉnh béo phì ở trẻ em


Con cháu năm năm 3 tuổi nhưng bé gần 40 kilogam. Bé ăn ngủ rất tốt và thậm chí thèm ăn thường xuyên.

Cháu phải làm thế nào để hạn chế thưa bác sĩ vì cháu được biết trẻ béo phì sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe và cuộc sống.

Vương Mai Anh (Thanh Hóa)

Béo phì là một bệnh phức tạp. Trẻ bị thừa cân béo phì là do chế độ ăn giàu năng lượng có nghĩa là năng lượng đưa vào cơ thể vượt quá năng lượng tiêu hao, nhất là năng lượng từ chất béo, tuy nhiên ăn nhiều chất đạm, bột đường cũng bị thừa cân béo phì vì các chất này khi vào cơ thể dư thừa đều có thể chuyển hóa thành chất béo dự trữ. Một đứa trẻ được xem là béo phì, hay nặng cân quá khi nó nặng hơn mức trung bình so với chiều cao và độ tuổi từ 20% trở lên. Béo phì ở trẻ em là yếu tố nguy cơ béo phì ở người lớn. Những người lớn bị béo phì nặng thường có tiền sử béo phì ở tuổi thiếu niên. Béo phì ở trẻ em ảnh hưởng đến sức khỏe khi trưởng thành… Vì thế, can thiệp sớm là việc làm cần thiết để ngăn ngừa các biến chứng này. Khi trẻ bắt đầu ăn bổ sung cần có khẩu phần ăn hợp lý đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm (chất bột đường, chất đạm, chất béo và chất xơ, vitamin, khoáng chất). Không ép trẻ ăn quá mức nhu cầu trẻ có thể ăn được. Đối với trẻ lớn và vị thành niên nên ăn uống hợp lý, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng để trẻ phát triển bình thường. Trước mắt, nên điều chỉnh chế độ ăn kết hợp với vận động, hoạt động thể lực.  Khi chế biến thức ăn nên làm các món hấp, luộc, hạn chế món quay, xào, rán. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả ít ngọt. Và cần có chế độ ăn điều độ, không ăn quá no, không được bỏ bữa, không để trẻ quá đói, ăn nhiều vào buổi sáng, không nên ăn vào buổi tối trước khi đi ngủ. Bạn nên khuyến khích trẻ tham gia các môn thể dục thể thao như chạy, bơi, nhảy dây, đi bộ...hạn chế xem tivi, chơi điện tử.

BS Cẩm Nga

Nguồn https://suckhoedoisong.vn