Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thầy giáo mầm non đến từng nhà đồng bào hướng dẫn phòng tránh "con Covid"


Thầy Thụn phải đi bộ đến từng nhà, hướng dẫn cụ thể từng phụ huynh, học sinh để vừa tuyên truyền giảng giải về Covid, vừa hướng dẫn các em học sinh ôn bài.

Điểm trường Sa Trầm của trường Mầm non Pa Nang (xã Pa Nang – Huyện Đakrông – Quảng Trị) nằm gọn trên mỏm đồi trên đỉnh Trường Sơn.

Thường ngày, điểm trường này vẫn vang tiếng hát ê a của lũ trẻ cùng với người thầy giáo đặc biệt của mình, thầy giáo mầm non Phạm Văn Thụn, người được ví vui là "thầy giáo mầm non đẹp trai" nhất tỉnh Quảng Trị.

Dịch Covid -19 đến khi thầy trò thầy Phạm Văn Thụn chưa kịp kết thúc năm học. Vậy là từ ngày 12/5, thầy và trò tạm thời chia tay nhau.

Dù học trò ở nhà, thầy vẫn phải đến trường giải quyết nhiều công việc còn dang dở. Một trong những công việc quan trọng trong khi học sinh tạm dừng đến trường là các thầy, các cô phải đến từng nhà học sinh tuyên truyền cho phụ huynh và hướng dẫn thêm cho học sinh phòng, chống Covid.

Xã Pa Nang nằm giáp ngay bên nước bạn Lào, dân số ở xã chủ yếu là người Vân Kiều nên cuộc sống còn khó khăn, việc tiếp cận thông tin còn hạn chế nên việc phòng dịch, chống dịch Covid -19 và chống xuất cảnh tự do sang nước bạn gặp nhiều vất vả.

Thầy trò cùng tìm hiểu về "con Covid". Ảnh: NVCC

Trao đổi qua điện thoại, thầy Phạm Văn Thụn kể thực hiện kế hoạch của nhà trường nên các thầy cô giáo ở Pa Nang phải phân chia đến từng điểm trường, gõ cửa từng nhà, tìm từng phụ huynh để tuyên truyền.

Do đặc thù vùng cao, vùng miền núi, bà con ở cách xa nhau nên thầy Thụn cũng như các cô giáo ở Pa Nang phải đi bộ đến từng nhà nói chuyện với phụ huynh.

“Ở trên này đồng bào còn tiếp cận thông tin hạn chế lắm nên phải đến từng nhà nói chuyện với từng người để họ biết thông tin. Nhiều thông tin họ chỉ nghe qua người này, người kia, thông tin không đầy đủ gây hiểu sai”, thầy Thụn kể.

“Mình là thầy giáo nên đến từng nhà nói chuyện với phụ huynh không gặp khó khăn gì.

Ngoài những thông tin tuyên truyền của Bộ Y tế về bệnh dịch mình cũng cập nhật thêm các thông tin thời sự tình hình dịch bệnh của nước ngoài trên báo để cung cấp cho bà con.

Ngoài các khuyến cáo về 5k cũng khuyên bà con không nên đi rừng vượt biên sang Lào nữa và cũng bảo người thân của gia đình bên Lào cũng đừng về Việt Nam trong giai đoạn dịch có nhiều diễn biến phức tạp như thế này”, thầy Thụn thông tin.

Bên cạnh việc tuyên truyền về bệnh dịch, các thầy cô cũng nhắn nhủ với các phụ huynh và học sinh, đặc biệt là lớp 5 tuổi ôn chữ cái trong thời gian tạm nghỉ đến trường.

Học sinh lớp 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1 nên thầy Thụn bảo phải quan tâm hơn, không lại ở nhà chạy chơi lung tung rồi quên hết cả chữ.

Khi được hỏi có vất vả không thầy Thụn bảo cũng không vất vả lắm nhưng phải cái đi bộ hơi xa. Một số nhà phụ huynh ở trong thôn xa, xe máy không lên được, các thầy phải leo bộ hết cả quả đồi mới đến được nhà.

“Khi nói xong phụ huynh cũng phản hồi lại là họ hiểu, hứa là ra đường sẽ đeo khẩu trang, giữ gìn khoảng cách và không đi sang Lào thời điểm này.

Học sinh thì khi kiểm tra lại các em vẫn nhớ chữ đấy. Mới dừng đến trường được ít ngày thôi”, thầy Thụn hồ hởi kể về công việc của mình trong những ngày học sinh tạm dừng đến trường.

Một số hình ảnh thầy Phạm Văn Thụn đi tuyên truyền phòng chống Covid-19:

Tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học. Ảnh: NVCC

Học sinh trường mầm non Pa Nang ôn bài cùng thầy giáo Phạm Văn Thụn. Ảnh: NVCC

Cùng tìm hiểu các bước 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Ảnh: NVCC

Thế nào là 5K, làm gì để giữ an toàn cho mình...Ảnh: NVCC

Cả phụ huynh và học sinh cùng tìm hiểu. Ảnh: NVCC

Vì dịch, các em phải ôn bài theo cách khá đặc biệt. ẢNh: NVCC

Phụ huynh đều hứa sẽ không tự tiện đi Lào và sẽ giữ khoảng cách, đeo khẩu trang khi ra ngoài. Ảnh: NVCC

Nguồn https://giaoduc.net.vn