Xã hội đồng lòng - Giáo dục mầm non khởi sắc
Mô hình “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” được Nghệ An coi là điểm tựa, nền tảng để nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ.
Trẻ làm quen với tiếng Anh được đưa vào triển khai ở nhiều trường. Ảnh: TG
Báo Giáo dục và Thời đại có cuộc trao đổi với GS.TS Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An về chặng đường đổi thay diện mạo các cơ sở GDMN trên toàn tỉnh.
Đổi thay từ chất lượng nuôi dạy
Là một tỉnh còn nhiều khó khăn, Nghệ An đã làm gì để có được những đổi thay tích cực của GDMN, thưa ông?
- Chúng tôi rất phấn khởi vì những kết quả đã đạt được đối với GDMN. Đây là nỗ lực to lớn tạo sự đổi thay ở bậc học đặc biệt quan trọng.
Năm học 2016 - 2017, khi tỉnh Nghệ An triển khai thí điểm mô hình xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm tại 4 trường. Đến năm học 2019 - 2020, Nghệ An đã triển khai đại trà tại 556 trường MN với hơn 7.100 nhóm lớp và 12.000 GV tham gia. Đây là một con số rất lớn, cho thấy quyết tâm của toàn ngành để tạo sự đổi thay.
Hiệu quả thấy rõ, được phụ huynh và xã hội thừa nhận, với những thay đổi về môi trường nhà trường xanh, sạch, đẹp, thân thiện với trẻ. Đến trường MN hôm nay, mỗi ngôi trường đều khang trang, sạch đẹp, được thiết kế khoa học để trẻ có nơi chơi, vận động.
Mỗi lớp học, nhà trường đều có nơi trải nghiệm, góc thực hành để hình thành và phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm và kỹ năng xã hội, kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ cũng như năng lực thẩm mỹ ở trẻ. Hoạt động GD bảo đảm tiêu chí phát triển toàn diện các phẩm chất, năng lực của trẻ.
Đặc biệt, những đổi mới trong tổ chức các hoạt động GD lấy trẻ làm trung tâm trong thời gian qua đã giúp trẻ sớm hình thành các kỹ năng cần thiết như tự phục vụ, tự bảo vệ, giao tiếp xã hội và quan trọng hơn, trẻ dần được hình thành thói quen tự lập trong một số tình huống trong cuộc sống. Vai trò của GV cũng thay đổi, cô chủ yếu là người hướng dẫn, tổ chức, giám sát và giúp đỡ để trẻ được thực hành, trải nghiệm, phát triển cá nhân.
GS.TS Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An
Cô trò đều vui
Ông có thể chia sẻ một vài cách làm được các nhà trường triển khai hiệu quả?
- Đầu tiên, đó công tác phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và cộng đồng. Các trường đã vận động sự tham gia của cha mẹ trẻ và tổ chức xã hội vào quá trình GD. “Con của các bạn cũng chính là con của chúng tôi” không chỉ là khẩu hiệu mà trở thành con đường đi đến thành công. Hay mô hình “Câu lạc bộ cha mẹ trẻ” đã khơi dậy sự gắn kết, tham gia và trách nhiệm của mỗi gia đình, người dân, cùng nhà trường chăm sóc, GD trẻ theo cách của mình.
Đặc biệt, phải kể đến sáng kiến phụ huynh cùng góp gà, góp gạo và tham gia nấu cháo để các bé có bữa phụ buổi chiều đủ dinh dưỡng. Với vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh, điều này đã tạo thành điểm sáng về cách thức xã hội hóa GD. Mô hình “Câu lạc bộ cha mẹ trẻ” mở ra hướng đi mới của khái niệm “nền giáo dục mở” mà mọi cấp học, bậc học cần hướng tới để xây dựng một xã hội vì sự học, chăm lo cho sự học.
Bạn có thể đến nhiều huyện miền núi ở Nghệ An, bất kể ngày nào cũng có thể bắt gặp những người dân làm việc tại trường như một thành viên thực thụ. Họ cần mẫn tưới hoa, vườn rau xanh hay làm mới, sửa sang lại đồ chơi ngoài trời “để con trẻ có chỗ chơi”. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho việc xã hội, người dân đồng lòng tạo sự đổi thay trong các nhà trường.
Trước sự khởi sắc của GDMN, ông tâm đắc điều gì nhất?
- Trẻ MN đến trường là các cô phải nuôi và dạy. Nếu việc dạy chất lượng đã được nâng cao, tạo sự đổi thay về chất và lượng trong các cơ sở GDMN thì hoạt động nuôi cũng được đề cao để trẻ có đủ sức khỏe khi đến trường. Một trong những điều tôi tâm đắc nhất là tham mưu với HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về định mức hỗ trợ kinh phí thuê khoán người nấu ăn phục vụ bán trú tại các trường MN công lập thuộc xã khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Hiện, toàn tỉnh Nghệ An có 129 trường MN công lập thuộc xã đặc biệt khó khăn. Trong đó có 101 trường MN đang tổ chức “bán trú dân nuôi”, chiếm tỷ lệ 78,3%. Hình thức dân nuôi đa dạng, phụ huynh chuẩn bị suất cơm cho con mang đến trường ăn trưa (426 điểm trường). Cha mẹ góp thực phẩm, chất đốt, góp công để nấu thêm canh và thức ăn tại trường (50 điểm trường). Thực tế này đặt ra yêu cầu về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, cần phải có người nấu ăn chuyên nghiệp.
Sau khi HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết, sở GD&ĐT đã chỉ đạo triển khai. Đến nay, 100% trường MN hợp đồng người nấu ăn có chứng chỉ, đồng thời, được sở GD&ĐT và sở y tế phối hợp tập huấn về dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm thường niên. Nhờ đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng được cải thiện rõ rệt. Năm học 2019 - 2020, tỷ lệ trẻ thể nhẹ cân, thể thấp còi ở độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo dao động từ 2,4% - 4,94%, giảm từ 3,6% - 5,43% so với năm học 2011 - 2012.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn https://giaoducthoidai.vn
|