Cô giáo mầm non ứng cử Đại biểu Quốc hội với những trăn trở về giáo dục vùng cao
“Việc quan trọng nhất tại các địa phương vùng cao đó chính là nhận thức của người dân đưa tri thức vào đời sống”, cô giáo Lô Thị Thu Hà chia sẻ.
Thay đổi nhận thức giáo dục ở miền núi
Ngày mai (23/5), nhân dân cả nước thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử, bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với rất nhiều kỳ vọng, tin tưởng.
Đại biểu được dân tín nhiệm bỏ phiếu phải là những nhân sự có đạo đức, nhân phẩm và tài năng vẹn toàn, xứng đáng đại diện tiếng nói của nhân dân, cử tri, đất nước.
Có sáu năm công tác trong ngành giáo dục, gắn bó với nhiệm vụ trồng người, ươm những mầm non cho tương lai ở vùng cao của tổ quốc, cô giáo Lô Thị Thu Hà - giáo viên Trường Mầm non Chiềng Lao, huyện Mường La, tỉnh Sơn La (ứng viên vị trí Đại biểu Quốc hội khóa XV) chia sẻ: “Được tổ chức, cơ sở, lãnh đạo tín nhiệm, ứng cử vào Đại biểu Quốc hội là một vinh dự to lớn trong cuộc đời của bản thân tôi.
Đây là điều kiện thuận lợi để tôi có dịp rèn luyện, học hỏi, mở rộng tầm hiểu biết, nâng cao trình độ mọi mặt, tiếp tục phấn đấu vươn lên, phục vụ nhân dân nhiều hơn.
Tôi ý thức được rằng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi vẫn luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ mình đang đảm nhiệm”.
Cô giáo Lô Thị Thu Hà, giáo viên Trường Mầm non Chiềng Lao, huyện Mường La, tỉnh Sơn La ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương cũng cả nước, chịu trách nhiệm trước cử tri và Quốc hội về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Là một địa phương khó khăn, thuộc vùng cao của Tổ quốc, những năm gần đây Sơn La đã có những bước chuyển mình rõ rệt, tuy nhiên nền kinh tế chung, cơ sở hạ tầng, giao thông chưa được đầu tư phát triển, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Trước thực tế chứng kiến những khó khăn tại địa phương mình và các tỉnh miền núi, địa phương vùng cao, vùng sâu, vùng xa của đất nước, mong muốn của cô giáo Lô Thị Thu Hà là đi sâu, đi sát với đời sống nhân dân, trình lên Quốc hội thực trạng, ý kiến, kiến nghị của nhân dân, để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn của những địa phương miền núi, miền xa, đưa những vùng miền này phát triển về kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống của người dân.
Đối với cô Thu Hà, việc quan trọng nhất tại các địa phương vùng cao đó chính là nhận thức của người dân về việc đưa tri thức vào đời sống. Phải thay đổi từ tri thức rồi mới đi đến được thực hiện hành động, việc làm thực tế. Điều này cần đến sự thay đổi đồng bộ, đặc biệt là ngành giáo dục.
Với phương châm “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”, đã từ lâu đầu tư hệ thống cơ sở vật chất trường học được xác định là một trong những yếu tố cơ bản để phát triển giáo dục quốc gia, đặc biệt là đối với giáo dục miền núi.
Việc phát triển nhận thức, đầu tư giáo dục cho miền núi là cơ sở quyết định cho sự phát triển kinh tế xã hội cho đồng bào nơi đây.
“Đối với những tỉnh vùng cao như Sơn La, việc đến trường của các em học sinh đã được cải thiện nhờ vào nhận thức của người dân được nâng cao. Tuy nhiên, nhiều vùng sâu vào các bản, điểm trường lẻ, học sinh tới trường phần lớn là nhờ sự kiên trì vận động phụ huynh của các thầy cô bám bản, của nhà trường.
Dù có nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, điện, đường, trường, trạm có thể chưa đầy đủ nhưng tôi tin chắc rằng với lòng yêu nghề, bám cái chữ của tất cả các giáo viên vùng cao nếu được nhà nước quan tâm, đầu tư hơn nữa thì giáo dục miền núi như Sơn La sẽ được thay đổi, cuộc sống sẽ phát triển tốt đẹp hơn”, cô Hà tin tưởng.
Những đứa trẻ đều được đến trường
Đó là ước mơ của cô giáo Lô Thị Thu Hà, cũng là đại diện ước mơ của tất cả những thầy cô giáo bám bản ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa nước ta.
Những khó khăn về điều kiện kinh tế, về giao thông, về cơ sở vật chất không là những trở ngại để thầy cô kiên quyết bám bản, mong một ngày không xa tất cả các trẻ em trên mọi miền đất nước đều được đến trường.
“Chúng tôi ví những đứa trẻ vùng cao là ‘hoa trên núi’, những đứa trẻ thiếu thốn về vật chất, về tinh thần, đặc biệt là sự quan tâm từ gia đình, người thân nhưng vẫn vươn lên để sống như những đóa hoa.
Nhận thức người dân ở miền núi vẫn còn bị phụ thuộc vào những quan niệm xưa cũ. Họ cho rằng ‘trời sinh voi ắt sinh cỏ’. Chính vì thế, hầu hết ở độ tuổi mầm non, hầu như những vùng núi xa xôi trẻ em không được đến trường.
Điều đó đồng nghĩa với tư duy, ý thức, dinh dưỡng, thể chất của trẻ có thể không được đảm bảo. Đó là điều mà tôi luôn trăn trở khi bản thân là một giáo viên mầm non và luôn ấp ủ những dự định, những hành động thiết thực thay đổi tư duy của người lớn, phát triển xã hội để mọi đứa trẻ đều được chăm sóc, đều được đến trường”, cô Thu Hà tâm sự.
Cô giáo Thu Hà cũng trăn trở với vấn đề tìm nguồn lực đầu tư cho xóa đói, giảm nghèo, phát triển nhanh kinh tế, xã hội, đặc biệt là đầu tư cho giáo dục tới các xã, bản đặc biệt khó khăn. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất kinh doanh và dân sinh; hệ thống các công trình phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tại địa phương.
Kiến nghị, chất vấn kịp thời, chính xác, góp phần vào việc giải quyết những vấn đề quan trọng về quốc kế, dân sinh, đảm bảo các chủ trương, chính sách được đi vào cuộc sống vì lợi ích của nhân dân, đất nước.
Nguồn https://giaoduc.net.vn
|