Sáng nay 12-12, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT phối hợp cùng Hội Giáo chức Việt Nam tổ chức trọng thể kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển ngành học mầm non và sư phạm Việt Nam. Ngành giáo dục mầm non và sư phạm là hai ngành học đầu tiên được Chủ tịch nước ký sắc lệnh thành lập ngay sau khi lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (10-8-1946 và 8-10-1946), cho thấy vị trí quan trọng nền tảng của hai ngành học này trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trải qua bốn giai đoạn xây dựng và phát triển: kháng chiến chống Pháp (1946-1954), xây dựng CNXH ở miền Bắc và chống Mỹ cứu nước (1954-1975), sau giải phóng miền Nam (1975-1986) và thời kỳ đổi mới, hai ngành học này đã phát triển mạnh mẽ, đóng góp to lớn vào việc thúc đẩy quá trình văn minh tiến bộ của dân tộc. Từ chỗ chỉ có 4.000 giáo viên thời kỳ sau Cách mạng tháng Tám, đến nay cả nước đã có 980.000 giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, tăng lên 250 lần. Số lượng nhà giáo hiện đang nghỉ hưu là gần 1 triệu người. Chính lực lượng này đã làm nên điều kỳ diệu là đảm bảo “ai cũng được học hành'', từ đất nước 95% dân số mù chữ năm 1945 nay số người đi học trong toàn quốc tăng lên gần 24 triệu người, chiếm gần 30% dân số. Đáng biểu dương nhất là hàng vạn giáo viên miền xuôi đã tình nguyện mang ánh sáng văn hóa lên miền núi, vùng dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa xôi hẻo lánh, biên giới, hải đảo. Trong chiến tranh, hàng vạn nhà giáo dám hy sinh, xung phong vào chiến trường, bám dân, bám lớp. Đến nay chúng ta đã xóa được 218 xã trắng về giáo dục mầm non, tạo điều kiện cho hơn 166 nghìn cháu ở vùng đặc biệt khó khăn được đến lớp mầm non. Tuy nhiên dù hệ thống sư phạm đã lớn mạnh nhưng đội ngũ giáo viên cả nước còn thiếu và chưa đồng bộ để thực hiện nhiệm vụ giáo dục toàn diện. Việc chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo là một thành tích nhưng chưa tập trung vào nâng cao chất lượng chuyên môn nghề nghiệp, đôi khi còn năng về bằng cấp. Một bộ phận nhà giáo còn chưa thật sự tiêu biểu về đạo dức và năng lực sư phạm. Trên cơ sở tổng kết các bài học kinh nghiệm thực tế, tại lễ kỷ niệm, thay mặt đội ngũ cán bộ mầm non và sư phạm cả nước, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai đã cam kết: Thời gian tới, hai ngành học này tập trung khắc phục những hạn chế: chất lượng giáo dục còn yếu kém, khả năng chủ động sáng tạo của học sinh ít được bồi dưỡng, năng lực thực hành của học sinh còn yếu, chương trình phương pháp giảng dạy còn lạc hậu, nặng nề. Để làm được điều này, ngoài sự chỉ đạo chung của Bộ còn đòi hỏi sự thể hiện trong chương trình hành động của mỗi trường sư phạm và cá nhân từng nhà giáo. Nhân dịp này Bộ GD-ĐT đã tặng bằng khen cho 144 cá nhân là những nhà giáo trực tiếp giảng dạy và cán bộ quản lý thuộc hai ngành học mầm non và sư phạm tiêu biểu trong cả nước năm 2006. Theo TTXVN.
|