Mỹ dạy trẻ chống bắt nạt học đường thế nào?
Thạc sĩ Đinh Thu Hồng, giáo viên tiểu học ở bang Georgia, Mỹ, chia sẻ cách trường học Mỹ dạy học sinh chống lại bắt nạt học đường (Anti-Bullying).
Bắt nạt (bullying) học đường là vấn nạn lớn ở nhiều nơi, cả ở Mỹ, gây hậu quả nghiêm trọng như tạo ra môi trường không an toàn cho trẻ nhỏ hay thậm chí đe dọa đến tính mạng. Theo khảo sát năm 2018 ở Mỹ, 70,6% học sinh được khảo sát nói từng biết hay chứng kiến nạn bắt nạt, 28% học sinh (lớp 6-12) từng bị bắt nạt, 30% từng là thủ phạm, 15% học sinh cấp 3 (lớp 9-12) là nạn nhân của bắt nạt trên mạng. Hàng ngày, có khoảng 160.000 học sinh ở nhà không đến trường vì sợ bị bắt nạt. Ở Mỹ, việc chống nạn bắt nạt học đường (anti-bullying in schools) là mối quan tâm lớn cùng với những quan tâm khác trong ngành giáo dục như kết quả học tập, thi cử, hay chất lượng đào tạo... Năm 2014, lần đầu tiên Bộ Giáo dục Mỹ cùng Trung tâm Đối phó dịch bệnh (Centers for Disease Control-CDC) thống nhất ra một định nghĩa về bắt nạt để thuận tiện cho việc nghiên cứu và giám sát. Theo đó bắt nạt (bullying) là hành vi hung hăng (aggressive behavior), sự mất cân bằng về quyền lực (imbalance of power), những hành vi lặp đi lặp lại (repeated behaviors). Theo hai cơ quan trên, có hai dạng thức (modes) bắt nạt chính là trực tiếp (khi có mặt nạn nhân) và gián tiếp (khi không có mặt nạn nhân hay không giao tiếp trực tiếp với nạn nhân, chẳng hạn bắt nạt qua mạng). Hai dạng thức trên bao gồm bốn loại. Một là bắt nạt về thể xác (physical), ví dụ đánh đấm, giật tóc, đẩy xô ngã. Hai là bắt nạt bằng lời nói (verbal), ví dụ nói xấu, đặt biệt danh, chửi rủa. Ba là làm tổn hại danh dự hay quan hệ của nạn nhân (relational), ví dụ rao tin đồn, tạo dư luận xấu, cô lập, xa lánh bạn bè, tạo bè phái chống lại những ai khác biệt, không giống mình. Bốn là phá hoại tài sản (damage to property), ví dụ làm hỏng cặp sách hay đồ dùng của bạn, phá hỏng xe cộ hay sách vở.
Có rất nhiều cách để chống nạn bắt nạt học đường. Ở Mỹ, bất cứ trường học nào, cấp học nào cũng có những hoạt động như tổ chức hội họp toàn trường, biểu diễn, phát động các cuộc thi và chiến dịch bài trừ vấn nạn này, lập hội nhóm tư vấn, giúp đỡ, kết hợp với các tổ chức hội đoàn trong và ngoài nhà trường. Các em lớp bé thường được giáo dục từ nhỏ thông qua luật/quy định của lớp, của trường và tham dự những buổi hội họp nói về anti-bullying. Các buổi hội họp này thường có tiết mục biểu diễn múa rối, hát, diễn kịch, đọc thơ, giải thích cho các em các dạng bắt nạt, cũng như dạy làm thế nào để ngăn chặn kẻ bắt nạt. Những cách sau sẽ góp phần ngưng hành động của kẻ bắt nạt: - Đưa ra ánh sáng: Vạch mặt kẻ gây ra hành động bắt nạt, như nói thẳng cho họ biết... - Nói về việc mình bị bắt nạt: Ngay khi cảm thấy mình bị bắt nạt, các em cần nói ngay với ai đó, bạn bè hay thầy cô giáo hay anh chị em, hoặc bố mẹ... - Nói cho người lớn biết: Người lớn sẽ giúp các em giải quyết trước khi sự việc đi quá xa. Các em được học những điều sau để cùng ngăn chặn hành vi bắt nạt: - Empathy & Compassion: Cảm thông và quan tâm đến cảm xúc của người khác. - Respect: Tự trọng đối với bản thân và tôn trọng người khác. Lòng tự trọng như con đường hai chiều, hay như lúc hai người cúi đầu chào, bắt tay nhau trước khi đấu võ. - Tolerance: Có lòng dung thứ, coi sự khác biệt không phải là cái sai, đơn giản chỉ là khác biệt. - Courage: Có lòng dũng cảm, gan dạ, vẫn làm những việc đúng đắn, chính trực, ngay cả khi mình thấy sợ phải làm điều đó; dám đối mặt với những tình huống nguy khó. Ngoài những cách trên, để tự bảo vệ mình và bảo vệ bạn bè mình, học sinh được dạy phải luôn trở thành "upstander" - người phản ứng lại hành động bắt nạt, chứ đừng thành "bystander" - người chứng kiến mà không hành động! Mỗi gia đình có thể dạy con những điều trên để chung tay đẩy lùi bắt nạt học đường. Nguồn VNE |