Ngủ chung giường với con, bà mẹ kinh hoàng phát hiện con trai 1 tháng tuổi không động đậy
Vì không muốn con nằm trong cũi ngủ một mình nên bà mẹ này đã quyết định cho con lên ngủ chung giường với mình. Từ lâu, các chuyên gia về giấc ngủ đã đưa ra các khuyến cáo về việc không nên cho trẻ sơ sinh ngủ chung giường với bố mẹ. Bởi nó có thể dẫn đến nhiều vấn đề nguy hiểm đối với sức khỏe của trẻ em như ngạt thở hay hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Tuy nhiên dù đã được nghe khuyến cáo là thế, nhưng trên thực tế vẫn có những gia đình cho con ngủ chung giường với bố mẹ, vì hoàn cảnh hoặc vì bện hơi con, không nỡ để con bé tí phải nằm ngủ một mình. Nhưng sau khi nghe xong câu chuyện của bà mẹ này, chắc chắn tất cả chúng ta đều sẽ phải suy nghĩ một cách nghiêm túc đến chuyện cho con ngủ riêng từ khi mới sinh. Chị Amanda Sancedo, sinh sống ở Mỹ, kể: "Tôi là một bà mẹ đơn thân của hai cậu con trai. Vì vậy, tôi cực kỳ cực kỳ yêu con. Tôi biết việc phải cho con ngủ riêng và không được bỏ chăn, gối hay bất cứ thứ gì ở trong khu vực của con ngủ. Nhưng tôi không muốn xa con dù chỉ một giây, nên tôi đã quyết định cho con lên giường ngủ chỉ với một cái chăn, một cái gối và một bà mẹ là tôi đây. Mọi chuyện diễn ra thật suôn sẻ với Trae (hiện nay đã được 3 tuổi). Sau đó, tôi sinh Ben và tôi cũng quyết định sẽ ngủ với con như thế".
Thế nhưng vào buổi sáng Ben tròn 1 tháng tuổi, chị Amanda tỉnh dậy và phát hiện con út của mình đã tử vong. Bà mẹ chia sẻ: "Tôi tỉnh dậy nhưng con tôi không còn động đậy nữa. Ben đã chết vì hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Tôi điên cuồng hỏi bác sĩ tại sao, tại sao trên người và khu vực gần chỗ con ngủ không có bất cứ thứ gì mà con tôi vẫn bị đột tử? Bác sĩ giải thích rằng do Ben ngủ trên giường cùng với tôi. Điều này khiến cho nệm sẽ không được cứng cáp và bằng phẳng giống như nệm cũi. Vì vậy nó đã làm con tôi bị ngạt thở. Hoặc có thể tôi đã nằm quá gần nên đã lấy hết oxy khiến Ben không có đủ không khí để thở. Đó là điều khiến tôi ân hận và tự trách bản thân rất nhiều". Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh là gì? Bất chấp những thông điệp về sức khỏe cộng đồng trong nhiều thập kỷ nhằm ngăn ngừa tình trạng đột tử ở trẻ sơ sinh trong lúc ngủ, mỗi năm tại Mỹ vẫn có khoảng 3.500 trẻ sơ sinh chết vì hội chứng này. Đặc biệt, nó còn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ từ 1 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi. Nguyên nhân gây ra hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh chưa được xác định một cách chính xác, nhưng theo các chuyên gia, trẻ sơ sinh có thể bị đột tử do bị ngạt thở khi tắc nghẽn đường thở hoặc bị mắc kẹt trong chăn, gối, nệm. Hoặc cũng có thể trẻ bị rối loạn chức năng tim, chức năng chuyển hóa nên bị đột tử trong khi ngủ.
Đến năm 1994, một chiến dịch "Back to Sleep" (Tạm dịch: Nằm ngủ lại) đã được tuyên truyền rộng rãi nhằm nâng cao ý thức cộng đồng, thuyết phục các bậc cha mẹ chỉ đặt con nằm ngửa trong khi ngủ thay vì nằm sấp. Đồng thời không để drap trải giường, chăn, gối mềm trong cũi cũng như đồ chơi hay thú nhồi bông ở trong cũi của con. Sau đó, một nghiên cứu khác đã được thực hiện nhằm tìm hiểu nguyên nhân vì sao từ năm 2011 - 2017 lại có gần 5.000 trẻ sơ sinh đột tử. Kết quả cho thấy có đến 70% trẻ đã ngủ trong môi trường không an toàn theo hướng dẫn về giấc ngủ an toàn của Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ. Chẳng hạn như trẻ ngủ trên bề mặt nệm mềm, bị ngạt thở bởi chăn, gối, đồ chơi do người chăm sóc đặt vào cũi. Tiến sĩ Rachel chia sẻ: "Một chiếc nệm, chăn, gối, thú nhồi bông đều cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh. Mặc dù chúng trông sang trọng và mềm mại, nhưng chúng lại tiềm ẩn nguy cơ khiến trẻ bị ngạt thở trong khi ngủ nếu chẳng may bé vùi mặt vào chúng. Có nhiều cha mẹ đã loại bỏ được những vật dụng có trong cũi, nhưng lại không đề phòng tấm nệm mềm mại mà con đang nằm. Đây chính là sai lầm không đáng có". Bởi theo một nghiên cứu từng được công bố trên tạp chí Nhi khoa cho thấy 75% trẻ sơ sinh tử vong do ngạt thở vì nằm trên một chiếc nệm quá mềm. Trên thực tế chỉ có 1-2% trẻ bị đột tử không rõ nguyên nhân vì không có yếu tố giấc ngủ không an toàn.
"Chúng ta đều biết rằng không có môi trường ngủ nào là an toàn tuyệt đối. Nhưng cho trẻ nằm ngửa trong khi ngủ ở nôi, cũi, trên một bề mặt phẳng chắc chắn và không có bất cứ thứ gì ở xung quanh sẽ hạn chế được gần như tối đa hội chứng đột tử. Vì vậy, tôi mong các cha mẹ hãy thực hiện tốt những việc này để bảo vệ con của mình", tiến sĩ Rachel nói. Làm thế nào để cha mẹ tạo ra một môi trường ngủ an toàn cho con? Trong 6 năm kể từ khi Ben qua đời, chị Amanda chưa bao giờ quên được cảnh tượng buổi sáng thương tâm đó. Nhưng chị đã biến nỗi đau thành một cuộc tự chinh chiến để đảm bảo rằng không có ông bố bà mẹ nào khác mắc sai lầm giống như mình đã từng. Cô đã đăng kí làm tình nguyện viên cho First Candle, một trong những tổ chức phi lợi nhuận cung cấp thông tin và giáo dục các bậc cha mẹ về SIDS và các trường hợp tử vong ở trẻ sơ sinh khác liên quan đến giấc ngủ, đồng thời hỗ trợ các gia đình đau buồn phải chịu mất mát vì SIDS. Sauceo cũng lan thông điệp của mình đến các bà mẹ khác trên Facebook để truyền bá thông tin về các phương pháp ngủ an toàn do Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến nghị:
- Nếu trẻ ngủ gật trong ghế ô tô, xe đẩy, xích đu hay địu thì hãy đặt con lên một bề mặt phẳng chắc chắn trong tư thế nằm ngửa càng sớm càng tốt. - Không cho bất cứ đồ vật nào vào trong cũi, dù đó là gối, chăn, khăn, hay thú nhồi bông và đồ trang trí. Nếu lo lắng con bị lạnh, bạn có thể cho con mặc bộ quần áo liền thân dài để giữ ấm. - Chỉ khi nào con thức bạn mới cho con rời khỏi cũi, còn khi trẻ bắt đầu ngủ thì cũi là nơi duy nhất con có thể nằm. - Tuyết đối không bao giờ được đặt trẻ ngủ trên ghế dài, ghế sofa hoặc ghế bành và không để trẻ ngủ trên gối loại dành cho con bú hoặc các tấm đệm tựa như gối. Theo Nhịp Sống Việt
|