10 mẹo giúp giữ an toàn cho trẻ nhỏ trong khi ngủ
Nếu bạn có trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh ở nhà, thì việc biết được những tư thế ngủ an toàn để tránh nguy cơ của hội chứng chết đột ngột ở trẻ sơ sinh (SIDS) là vô cùng quan trọng. Dưới đây là 10 mẹo giúp giữ an toàn cho trẻ khi ngủ Tránh nằm trên giường lún: Tốt nhất, bạn nên sử dụng một loại đệm cứng cho trẻ, thay vì các loại đệm mềm lún hoặc đệm nước. Các chuyên gia khuyến cáo rằng, bạn không nên sử dụng các loại đệm gối mềm, bằng bông hoặc để các loại thú nhồi bông trong khu vực ngủ của trẻ. Nói cách khác, bất cứ thứ gì có thể trùm lên hoặc che phủ đầu trẻ trong khi ngủ thì bạn nên tránh sử dụng. Không sử dụng các dụng cụ hỗ trợ nôi/cũi: Không cần thiết phải sử dụng gối có hình nêm, chăn mền để đệm phía dưới chân của trẻ. Hãy để trẻ ngủ khi chân có thể chạm được vào phần cuối của nôi/cũi. Dùng đệm vừa khít với kích thước nôi và chèn ga đệm thật chặt. Khung nôi/cũi nên đủ cao để trẻ không thể bò hoặc trườn ra được. Tránh không che, trùm đầu của trẻ: Chăn chỉ nên được đắp ngang ngực của trẻ và nên để hai tay của trẻ ra ngoài chăn để tránh tình trạng chăn có thể di chuyển, trùm lên đầu trẻ gây ngạt thở. Bạn có thể dùng chăn làm từ cotton nhẹ hoặc vải màn để tránh tình trạng trẻ lăn, quấn chăn trong khi ngủ. Tránh không để trẻ bị quá nóng: Khi ngủ, nên cho trẻ mặc quần áo nhẹ nhàng. Không nên bó, quấn trẻ quá chặt khi ngủ và thường xuyên kiểm tra bằng cách chạm vào da trẻ xem trẻ có bị nóng quá hay không. Tạo môi trường thoải mái khi ngủ: Đây là một điều rất quan trọng. Hãy để trẻ ngủ trong môi trưởng đủ mát, thoải mái với nhiệt độ quanh khoảng 20 độ C cho trẻ. Tiêm chủng: Một nghiên cứu tại trường Y tế công cộng Berlin đã cho thấy rằng: việc tăng mức độ bao phủ của vắc xin bạch hầu - uốn ván - ho gà sẽ có liên quan tới việc giảm tỷ lệ tử vong do SIDS. Những khuyến cáo mới nhất về lịch tiêm chủng loại vắc xin này cần nhấn mạnh đến việc không chỉ giúp trẻ phòng ngừa một số bệnh nhiễm trùng mà còn có thể giúp dự phòng được nguy cơ mắc phải hội chứng SIDS. Do vậy, hãy đảm bảo rằng trẻ đã được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin cần thiết. Sử dụng núm vú giả: Viện Nhi khoa Hoa Kỳ đang cân nhắc đến việc sử dụng núm vú giả để dự phòng hội chứng SIDS. Tuy nhiên, nếu trẻ không muốn dùng hoặc nếu núm vú giả thường xuyên bị rơi ra khỏi miệng trẻ, thì bạn cũng không nên ép trẻ dùng nữa. Nếu bạn đang cho trẻ bú, thì bạn nên đợi đến khi trẻ hình thành thói quen bú mẹ tốt rồi hãy cho trẻ dùng núm vú giả. Sẽ mất từ 3-4 tuần để trẻ hình thành thói quen này. Sử dụng công nghệ: Ngày nay, có rất nhiều thiết bị công nghệ hoặc các ứng dụng hiện đại có thể được sử dụng để giúp bạn theo dõi trẻ qua màn hình camera, để biết được nhiệt độ cơ thể hoặc các dấu hiệu sinh tồn (nhịp tim, hơi thở) của trẻ khi ngủ. Bạn có thể cân nhắc đến việc sử dụng các công nghệ này, nếu được. Ngủ chung phòng với trẻ: Cha mẹ nên ngủ chung phòng với trẻ để tiện cho việc cho bú vào ban đêm và theo dõi trẻ. Bạn có thể đặt nôi, cũi của trẻ gần với giường ngủ của bạn để tiện cho việc chăm sóc trẻ. Không ngủ cùng giường với trẻ: lý tưởng nhất, trẻ sơ sinh không nên ngủ cùng giường với cha mẹ, người lớn hoặc anh chị em ruột hay các trẻ khác. Trẻ sinh đôi, sinh ba nên được ngủ riêng rẽ. Nếu bản thân bạn hoặc vợ/chồng là người uống rượu, hút thuốc hoặc dùng một số loại thuốc ngủ thì bạn lại càng không nên để trẻ ngủ chung giường. Hút thuốc hoặc sử dụng một số chất như thuốc hoặc rượu có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc phải hội chứng SIDS và tăng nguy cơ bị ngạt thở của trẻ, nếu ngủ chung giường. Th.s Trần Thu Nguyệt (Viện Y học Ứng dụng Việt Nam) Nguồn SKDS |