Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ làm quen với tiếng Anh từ 3 tuổi trong trường mầm non có phù hợp?


Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các trường mầm non có điều kiện phù hợp sẽ được tổ chức chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo, theo phương châm giáo dục “chơi mà học, học bằng chơi”.

Các trường mầm non có thể cho trẻ từ 3 tuổi tiếp cận học tiếng Anh. Ảnh minh họa

Trẻ học mẫu giáo được tiếp cận tiếng Anh từ 3 tuổi

Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo, Thông tư này có hiệu lực từ ngày 31/3/2021. Theo đó, chương trình được xây dựng theo quan điểm giáo dục "lấy trẻ làm trung tâm". Các hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ theo phương châm giáo dục "chơi mà học, học bằng chơi", được lồng ghép tích hợp thông qua các hoạt động giáo dục và giao tiếp.

Theo Bộ GD&ĐT, chương trình được xây dựng nhằm hướng tới hình thành, phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh theo nhu cầu và khả năng của trẻ; góp phần chuẩn bị tốt hơn cho việc học tiếng Anh ở bậc tiểu học. Cụ thể, yêu cầu cần đạt đối với Chương trình được nêu như sau: Về yêu cầu chung, trẻ mẫu giáo hứng thú trong các hoạt động làm quen với tiếng Anh, tự tin giao tiếp; nghe và nhận biết được một số từ chỉ người, hành động đơn giản, quen thuộc với lứa tuổi. Nội dung giáo dục bao gồm các kỹ năng: Nghe, nói, làm quen với đọc, làm quen với viết.

Yêu cầu cần đạt đối với trẻ 3-4 tuổi: Trẻ hứng thú trong các hoạt động làm quen với tiếng Anh; mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp; nghe và làm được theo hướng dẫn rất đơn giản, phù hợp với lứa tuổi khi tham gia trò chơi; hát theo được một số bài hát rất đơn giản, phù hợp với lứa tuổi… Trẻ 4 - 5 tuổi: Trẻ thích tìm hiểu, khám phá các nền văn hóa khác; nghe và thực hiện được một số câu lệnh đơn giản, quen thuộc với lứa tuổi… Trẻ 5 - 6 tuổi: Trẻ nghe và thực hiện được 2 đến 3 yêu cầu liên tiếp đơn giản, phù hợp với lứa tuổi; tô màu được một số nét, chữ cái tiếng Anh…

Trên thực tế tại nhiều thành phố lớn, việc cho trẻ tiếp cận Ngoại ngữ sớm cũng được nhiều phụ huynh quan tâm, áp dụng. Không chỉ ở các trung tâm, nhiều trường học chủ yếu là trường tư thục cũng đã đưa môn Tiếng Anh vào dạy theo hướng giúp trẻ làm quen. Do đó, nhiều phụ huynh quan tâm, hưởng ứng với các quy định mới của Bộ GD&ĐT. "Con học Tiếng Anh trong trường học cũng rất hay, bởi làm quen sớm giúp con hiểu và tự tin hơn trong giao tiếp. Tôi thấy nhiều gia đình đã cho con đi học tại các trung tâm ngoại ngữ từ rất sớm và làm nền tảng cho thành công học Ngoại ngữ sau này", chị Lan Anh (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) có con học mầm non chia sẻ.

Chỉ nên dừng lại ở tiếp cận, tránh "nhồi nhét"

Câu chuyện cho trẻ đi học sớm Ngoại ngữ cũng đã là chủ đề tranh luận của các bậc phụ huynh, chuyên gia giáo dục từ nhiều năm nay. Bởi trước đây, đã xảy ra hiện tượng trẻ mầm non chưa nói tốt tiếng Việt nhưng đã học tiếng Anh dẫn đến "nửa nọ, nửa kia", thậm chí đã không ít trẻ đã phải đi điều trị về rối loạn ngôn ngữ… Tuy nhiên, nhiều ý kiến giáo viên, chuyên gia cho rằng, đối với việc tiếp cận tiếng Anh ở mức độ phù hợp, thời lượng chỉ mang tính làm quen thì không đáng lo ngại, bởi những trường hợp nhầm lẫn trong ngôn ngữ thường xảy ra với trẻ học quá nhiều, học dưới áp lực của phụ huynh muốn con giỏi nhanh.

Đồng tình với phương pháp cho trẻ làm quen với tiếng Anh ngay từ bậc học mầm non, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: "Ở độ tuổi nào cũng cần phải có phương pháp giáo dục phù hợp, khoa học. Đối với bậc học mầm non, các cháu còn nhỏ, nhưng trí nhớ lại khá tốt và phát triển về khả năng ngôn ngữ. Ở lứa tuổi mầm non, giúp cho trẻ học tiếng Anh theo hướng tiếp cận cũng rất phù hợp, chẳng hạn dạy cho trẻ những từ đơn giản như chào hỏi, các đồ vật, màu sắc… Làm sao để trẻ yêu thích, hứng thú mới có tác dụng. Dạy cho trẻ học, tiếp cận tiếng Anh ở mức cơ bản là cái tốt, người lớn không nên áp đặt phải giỏi, hay so sánh với đứa trẻ khác để ép con học nhiều. Để trẻ học mà chơi, chơi mà học lại là hiệu quả".

Theo ghi nhận, hiện tại chưa có nhiều trường mầm non công lập đưa tiếng Anh vào dạy bởi còn thiếu đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, sỹ số lớp học đông. Hiện nhiều trường áp dụng theo hình thức liên kết với các trung tâm bên ngoài để có giờ học tiếng Anh. Trong khi đó, đối với các trường tư thục lại khá phổ biến trong việc đưa tiếng Anh vào dạy học, thậm chí đây còn là một lợi thế trong tuyển sinh của các trường. Không ít trường mở các lớp "song ngữ" ngay ở cấp học mầm non cho trẻ từ 3 tuổi.

Từ thực tiễn dạy học trong các năm qua, cô Lan Anh - Phụ trách môn Tiếng Anh của một trường Mầm non tư thục tại quận Hoàng Mai cho biết: "Tôi thấy, giai đoạn thích hợp để trẻ làm quen và học tiếng Anh đó là ngay từ lúc bé 3 tuổi. Phụ huynh mới đầu cũng lo lắng sợ con bị nhầm lẫn giữa hai ngôn ngữ, nhưng thực tế là không đáng lo như nhiều người nghĩ. Bởi việc học của trẻ ở trường chỉ là giai đoạn làm quen thôi, học theo hướng tiếp cận, thông qua trò chơi, bài hát, các đồ vật… là chính. Trẻ cũng rất thích thú với ngôn ngữ mới. Trẻ học với giáo viên nước ngoài cũng giúp cho trẻ tự tin, gần gũi và thân thiện với người nước ngoài".

 

"Tùy vào điều kiện triển khai thực tế, nhu cầu và khả năng của trẻ, các cơ sở giáo dục mầm non phát triển kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện một cách linh hoạt, đảm bảo mục đích yêu cầu của việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Việc cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh được tổ chức 35 tuần/năm, tối thiểu 2 hoạt động làm quen với tiếng Anh/tuần, mỗi hoạt động khoảng từ 25 đến 35 phút".

(Trích Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo).

 Nguồn https://giadinh.net.vn