Xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học - nhìn từ thực tiễn: Chiến lược cho đổi mới
Thực tế đã minh chứng, việc hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất (CSVC) và thiết bị dạy học, sẽ tạo ra tiềm năng sư phạm to lớn cho hoạt động dạy và học. Điều này cũng đặt ra yêu cầu cho ngành chức năng, các cấp chính quyền đó là phải đề ra chiến lược phát triển đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).
Trường Mầm non Nobel (TP Thanh Hóa) - một trong những trường được đầu tư xây dựng theo chủ trương xã hội hóa giáo dục. Ảnh: Phong Sắc
Quan tâm huy động xã hội hóa
Văn kiện Đại hội lần thứ X của Đảng khẳng định: “GD&ĐT cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy CNH, HĐH đất nước”. Đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã xác định, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực là một trong 6 chương trình trọng tâm... Bám sát định hướng, chiến lược phát triển sự nghiệp GD&ĐT của Đảng và của tỉnh, cùng với sứ mạng của ngành đó là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, những năm qua, ngành GD&ĐT tỉnh nhà đã đề ra nhiều giải pháp mang tính chiến lược, nhằm nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục. Trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng; không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, đánh giá chất lượng học sinh (HS); đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; tăng cường CSVC trường, lớp học và nhất là chú trọng hoạt động xã hội hóa (XHH) giáo dục...
Cách đây ít năm, Trường Tiểu học Quảng Nham I (Quảng Xương) mới chỉ được Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống phòng học, CSVC phục vụ học tập còn thiếu và yếu. Vận dụng nguồn kinh phí XHH, mỗi năm nhà trường tu sửa, nâng cấp một công trình với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”. Đến nay, CSVC, khuôn viên nhà trường đã thực sự khang trang, sạch, đẹp. Chia sẻ kinh nghiệm để tạo được sự đồng thuận của phụ huynh trong việc đóng góp xây dựng trường, thầy Trương Đình Hân, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Mỗi lần huy động, nhà trường xác định các hạng mục ưu tiên, công trình cần xây dựng trong từng năm học và tổ chức xin ý kiến của các bậc phụ huynh. Trong vận động XHH, nhà trường luôn dựa trên tinh thần tự nguyện, khuyến khích các gia đình có điều kiện ủng hộ. Nhờ đó, mỗi năm, nhà trường huy động hàng trăm triệu đồng phục vụ nâng cấp CSVC, trang thiết bị dạy học. Tính từ năm 2016 đến nay, từ công tác XHH nhà trường đã cải tạo lại khuôn viên sân trường, làm nhà xe cho giáo viên và HS, xây dựng mới sân giáo dục thể chất, nâng cấp hệ thống quạt, điện trong các phòng học... với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng. Nguồn lực XHH vừa làm đổi thay bộ mặt trường lớp, vừa góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. 3 năm gần đây, tỷ lệ HS của nhà trường xếp loại đạt và tốt về năng lực, phẩm chất luôn đạt 100%; tỷ lệ HS lên lớp và hoàn thành chương trình tiểu học đạt trên 99%...
Tương tự, thực hiện phong trào XHH giáo dục, nhiều năm qua, Trường Mầm non Mỹ Tân (Ngọc Lặc) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về vai trò của giáo dục, tự nguyện đóng góp ngày công lao động xây dựng, tu sửa CSVC, chỉnh trang khuôn viên trường, lớp. Đồng thời, kêu gọi các nhà hảo tâm, chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí để đầu tư, mua sắm trang thiết bị dạy và học. Cô giáo Bùi Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Mỹ Tân, cho hay: “Là xã miền núi, kinh tế còn nhiều khó khăn, song, nhà trường đã vận dụng, huy động sự quan tâm của các bậc phụ huynh trong mua sắm đồ dùng, đồ chơi, nâng cấp, cải tạo phòng học, khuôn viên nhà trường ngày một khang trang, tạo môi trường giáo dục thân thiện đối với HS. Năm học 2020-2021 từ sự hỗ trợ của nhà hảo tâm cùng nguồn ngân sách huyện, nhà trường đã được đầu tư xây dựng 8 phòng học tại điểm trường chính và điểm lẻ Móng Mỏ. Kết quả này đã góp phần kiên cố hóa trường, lớp, tạo niềm tin và động lực để mỗi cán bộ, giáo viên nhà trường nỗ lực nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ...”.
Thực tế trên cho thấy, chủ trương XHH giáo dục có ý nghĩa thực tiễn hết sức sâu sắc, bởi nó khai thác và phát huy tối đa tiềm năng của toàn xã hội cho quá trình phát triển sự nghiệp GD&ĐT. Chính vì vậy, ngoài sự vận động từ bản thân mỗi nhà trường, để “kích cầu” chủ trương này, cuối năm 2017, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã thông qua Nghị quyết số 82/2017/NQ-HĐND về việc ban hành chính sách XHH giáo dục nầm non tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030. Từ nghị quyết này, trong giai đoạn 2017–2020, toàn tỉnh đã có 28 dự án xây dựng trường mầm non được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng số vốn đăng ký khoảng 928 tỷ đồng và đã có 16 trường đi vào hoạt động. Trong đó có 5 trường đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 82/2017/NQ-HĐND, với tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 2,7 tỷ đồng. Các trường được thụ hưởng chính sách, gồm: Trường Mầm non Nobel Bến Sung (Như Thanh), Trường Mầm non Ước mơ xanh (Ngọc Lặc), Trường Mầm non Nobel thị trấn Thọ Xuân (Thọ Xuân), Trường Mầm non Nobel thị trấn Quán Lào (Yên Định) và Trường Mầm non tư thục Họa My Delta (Hoằng Hóa). Được biết, hiện toàn tỉnh có 34 trường mầm non tư thục đang hoạt động, với tỷ lệ trẻ theo học chiếm 5,89% tổng số trẻ em trong toàn tỉnh.
Sử dụng hiệu quả các nguồn lực
Sử dụng hiệu quả các nguồn lực được xem là một trong những giải pháp tối ưu, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư cũng như sử dụng CSVC trong các nhà trường. Theo ông Trịnh Hữu Nghĩa, Trưởng Phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở GD&ĐT, nguồn lực đầu tư CSVC trường, lớp học trên địa bàn tỉnh nhiều năm qua chủ yếu là từ ngân sách Nhà nước. Ngoài việc các địa phương tự cân đối ngân sách để đầu tư cho giáo dục, hằng năm, ngân sách sự nghiệp giáo dục của tỉnh cũng dành từ 75 đến 80 tỷ đồng chi cho hoạt động xây dựng, nâng cấp, tu sửa hệ thống phòng, lớp học ở các đơn vị trường. Cùng với đó, Sở GD&ĐT đã tham mưu xây dựng nhiều chương trình, dự án đầu tư CSVC, với số tiền hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Ví như Đề án “Mở rộng, nâng cấp các trường THPT để đạt chuẩn quốc gia đến năm 2020”; “Mở rộng nâng cấp khu nhà nội trú cho HS trường THCS và THPT các huyện miền núi cao tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”; kế hoạch triển khai đề án củng cố và phát triển trường phổ thông dân tộc nội trú... Ngoài ra, nhiều địa phương còn lồng ghép có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với đầu tư CSVC cho các nhà trường. Hiện, Sở GD&ĐT đã và đang tham mưu xây dựng các chương trình, dự án như: Chương trình đầu tư CSVC, trang thiết bị giai đoạn 2021-2025 cho các trường THPT, THCS&THPT để đạt chuẩn quốc gia đến năm 2025; Dự án mua sắm trang thiết bị triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025”... nhằm huy động và phát huy tối đa nguồn lực từ ngân sách Nhà nước cho sự nghiệp giáo dục.
Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, nhiều năm qua, ngành giáo dục và chính quyền các địa phương cũng tích cực huy động các nguồn lực xã hội; dưới nhiều hình thức như góp vốn xây dựng, hiến đất xây dựng, đầu tư xây dựng trực tiếp, cho vay vốn đầu tư xây dựng... để góp phần giải quyết khó khăn trong đầu tư CSVC cho giáo dục. Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh đã có 66 dự án XHH giáo dục được chấp thuận chủ trương đầu tư với mức vốn đăng ký lên tới hơn 4.291 tỷ đồng. Ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho hay: Ngoài ngân sách Nhà nước, trong giai đoạn hiện nay, XHH giáo dục có vai trò hết sức quan trọng. Để phát huy tối đa nguồn lực này, thời gian tới Sở GD&ĐT sẽ tham mưu cho tỉnh xây dựng kế hoạch, định mức thu, chi trong huy động XHH phù hợp với điều kiện kinh tế của tỉnh, của từng vùng, miền và làm căn cứ để các địa phương, các đơn vị trường triển khai thực hiện. Cùng với đó, tiếp tục kéo dài thời gian và duy trì hiệu quả chính sách XHH giáo dục mầm non, đồng thời, tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách XHH giáo dục tiểu học nhằm tăng thêm nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Quan điểm của ngành là đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải và ưu tiên các nguồn lực cho các trường thuộc địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, Sở GD&ĐT sẽ tăng cường chỉ đạo các nhà trường sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư CSVC, mua sắm trang thiết bị phù hợp với chương trình học, cũng như nhu cầu của mỗi nhà trường, tránh lãng phí và bất cập trong quá trình sử dụng.
Từ kết quả đạt được cùng quan điểm chỉ đạo sát sao, tin rằng ngành giáo dục, chính quyền các địa phương và bản thân mỗi đơn vị trường sẽ sử dụng, lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn, cân đối, bố trí ngân sách địa phương và huy động tối đa nguồn lực XHH cho đầu tư CSVC trường, lớp học đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng GD&ĐT tỉnh nhà trong giai đoạn tới.
Nguồn https://baothanhhoa.vn
|