Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

PGS.TS Nguyễn Bá Minh: Hoạt động chăm sóc GD trẻ mầm non được đổi mới toàn diện, tích hợp


 

Dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, giai đoạn 2016 – 2020, Bộ GD&ĐT đã tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ ban hành các văn bản quan trọng để phát triển giáo dục mầm non (GDMN).

Giờ học của trẻ MN Trường thực hành Sư phạm - Trường ĐH Vinh

Tham vấn chính sách hiệu quả

Theo PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GD mầm non: Những nỗ lực to lớn của Bộ GD&ĐT là tham mưu để Quốc hội thông qua Luật Giáo dục năm 2019 (Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2019). Trong đó khẳng định vị trí của GDMN trong hệ thống giáo dục; dành 1 điều quy định chính sách phát triển GDMN.

Bộ GD&ĐT cũng tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 05/01/2018 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non. Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ Quy định chính sách phát triển GDMN này đã tạo niềm tin và động lực để giáo viên thêm yêu và gắn bó với nghề, cũng như thu hút hiệu quả trẻ đến trường.

Một góc học mà chơi của trẻ mầm non TP Yên Bái

Cũng trong giai đoạn này, Bộ GD&ĐT cũng tham mưu để Chính phủ ra các quyết định phát triển GDMN. Đó là Quyết định số 1677/QĐ-TTg ngày 03/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025”; Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 08/01/2019 của Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và CBQL giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025;

Một trong những quyết định có ý nghĩa lớn đối với khu vực nông thôn và vùng dân tộc là Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 02/6/2016 của Chính phủ Phê duyệt Đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025"; Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Chính phủ phê duyệt Đề án đảm bảo CSVC cho trương trình GDMN và GDPT giai đoạn 2017 - 2025.  

Chất lượng được cải thiện rõ rệt

PGS.TS Nguyễn Bá Minh cho rằng: Những kết quả đạt được ở giai đoạn này là minh chứng rõ nét nhất cho nỗ lực bền bỉ của Bộ GD&ĐT trong việc nâng cao chất lượng nuôi dạy tại các cơ sở GDMN. Chương trình GDMN đã được chỉnh sửa, bổ sung tạo điều kiện cho các cơ sở GDMN chủ động phát triển chương trình giáo dục nhà trường. Hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ em mầm non được đổi mới theo hướng toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm; với phương châm học bằng chơi, chơi mà học.

Chương trình GDMN được ban hành đã đảm bảo phát triển những phẩm chất, năng lực mang tính nền tảng, những kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa tiềm năng đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện trẻ em, chuẩn bị tâm lý tốt cho trẻ vào lớp Một. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng chuyên môn theo chương trình bồi dưỡng giáo viên mầm non và hiệu trưởng trường mầm non tạo điều kiện cho đội ngũ cấp học mầm non nâng cao năng lực nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong đổi mới giáo dục và cập nhật xu hướng đổi mới giáo dục mầm non của khu vực và thế giới.

Trẻ tự tin, sáng tạo trong học tập và vui với những giờ đến trường

Làn sóng đổi mới, nâng cao chất lượng dạy – học lan tỏa khắp nơi trên cả nước. Môi trường giáo dục trong các cơ sở GDMN được xây dựng theo các tiêu chí “Môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm" đáp ứng yêu cầu cho trẻ hoạt động chơi và trải nghiệm đa dạng phù hợp điều kiện cụ thể của trường, lớp, địa phương. Kết quả tích cực của việc xây dựng môi trường giáo dục đã thúc đẩy việc đổi mới phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ theo quan điểm “giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”.

Có thể thấy rõ sự cải thiện về kết quả việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non qua so sánh năm học 2014-2015 với năm học 2018-2019: Tỷ lệ trẻ em được theo dõi sức khỏe theo biểu đồ tăng trưởng 100%; Tỷ lệ trẻ em được tổ chức học 2 buổi/ngày tăng 3,5% (99%); Tỷ lệ trẻ em được tổ chức ăn bán trú tăng 7,2% (92,4%); Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở nhà trẻ giảm 0,9% (2,2%), mẫu giáo giảm 1,4% (2,6%).

Thật đáng mừng là tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nhà trẻ giảm 1,1% (3%), mẫu giáo giảm 1,5% (3,1%); Tỷ lệ trẻ em khuyết tật học hòa nhập được can thiệp sớm hằng năm tăng 4,3% (81%); 98% trẻ em mầm non người DTTS được tăng cường tiếng Việt, giúp các em sử dụng tiếng Việt giao tiếp tốt trong sinh hoạt và các hoạt động giáo dục, chuẩn bị cho trẻ vốn ngôn ngữ tiếng Việt tốt để sẵn sàng học chương trình phổ thông.

 

Một dấu ấn đặc biệt trong giai đoạn này là việc thực hiện thành công các mục tiêu PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi. Kết quả đã tác động sâu rộng đến GDMN, tạo nền tảng vững chắc để phát triển GDMN. Kết quả thực hiện công tác PCGDMNTENT so sánh năm 2010-2020, mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, tăng hơn 3000 trường;

Tổng số phòng học tăng 60.629 phòng; Số phòng học kiên cố tăng 82.882 phòng, tỷ lệ phòng học kiên cố tăng 26,5%; Đội ngũ GVMN tăng 165.533 người; Tỷ lệ GV đạt trình độ đào tạo từ Trung cấp Sư phạm trở lên: 98,8% (tăng 4,6%); Số lượng và tỷ lệ trẻ em đến trường; Nhà trẻ tăng 4,3%; Mẫu giáo tăng 9,4%; Trẻ em 5 tuổi tăng 1,38%); Tỷ lệ trẻ được học 2 buổi/ngày: 99% (tăng 28%).

 Nguồn https://giaoducthoidai.vn