Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cô Thảo ươm tương lai ở “cổng trời”


Nơi “cổng trời” biên ải xa xôi, Thảo miệt mài “bám bản”, dạy chữ cho đám trẻ.

Cô Vũ Phương Thảo cùng đám trò nhỏ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chuyện Thảo vượt qua “những cung đường đoạt mạng” trên hành trình trở thành “người ươm tương lai” tại Trường Mầm non Tà Tổng, huyện Mường Tè (Lai Châu) có nước mắt trong nụ cười.

Những cung đường “đoạt mạng”

Nhắc đến Mường Tè ai cũng biết đến bởi đây là địa danh nổi tiếng về khó khăn, gian khổ. Nó còn đặc biệt hơn bởi ở đó có địa danh Tà Tổng được người dân ví von là “cổng trời” bởi có vị trí cao ngút tầm mây. Nơi đây có đặc trưng là các dãy núi cao trùng điệp với các cung đường đèo dốc lúc nào cũng như muốn “đoạt mạng” người đi qua.

Thường thì mỗi độ sau Tết, sức xuân nơi cao nguyên Cao Chải (bản Cao Chải, xã Tà Tổng) như đang trỗi dậy mạnh mẽ bởi lá non, lộc biếc của núi rừng. Xen lẫn vào đó là những tiếng cười nói hạnh phúc vang vọng từ những lớp học lẩn khuất trong những cánh rừng. Lớp học của cô giáo Thảo là một trong số đó. Tôi gặp Thảo trong một chiều tháng 3 khi cô đang cùng đàn con của mình ê a những tiếng đánh vần còn ngọng nghịu.

“Tết Tân Sửu cũng là mùa xuân thứ 15 của em ở mảnh đất khó khăn và thiếu thốn này! Thời gian trôi nhanh thật đấy, nghĩ lại như chuyện của ngày hôm qua. Thế mà bao nhiêu thế hệ các con ở đây đã khôn lớn, trưởng thành cả rồi”, cô Thảo trầm ngâm.

Ít ai nghĩ rằng một cô giáo vóc dáng mảnh mai ấy lại bền bỉ gắn bó với con em đồng bào đến thế. Năm 2006, cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, hành trang cô Thảo mang trong mình để lên đất Tây Bắc chỉ bằng lòng nhiệt huyết và sức trẻ. Cũng đơn thuần chỉ nghĩ sẽ đi là đến, để rồi đem hết tình cảm, sự chân thành dạy chữ cho con em đồng bào là sẽ thành công. Nào ngờ, chính Thảo cũng không lường hết được những khó khăn. Từ trung tâm thành phố Lai Châu đến trung tâm huyện, xã gian nan không tưởng.

Suốt 15 năm qua, cô Thảo vẫn miệt mài “gieo chữ” với mong muốn tương lai con trẻ vùng cao tươi sáng hơn

Thảo bồi hồi: “Nhiều lúc nhớ lại, mình vẫn chẳng thể hiểu nổi tại sao mình đi qua được những năm tháng ấy”.

Trong ký ức xưa cũ, dấu ấn đầu tiên đến với bản làng còn in đậm như mới hôm qua. Ngay ngày đầu tiên đến với Tà Tổng - Thảo đã khóc. Hành trình từ trung tâm huyện Mường Tè lên Tà Tổng lúc ấy chưa có đường bộ. Thảo phải đi theo con đường men theo dòng sông Đà. Trên cung đường “sống lưng ngựa” Thảo lặng lẽ khóc khi đi theo những con dốc, xuyên qua mây mù để lên Tà Tổng.

“Chúng em đi từ sáng đến tối. Ai cũng phải rảo bước thật nhanh. Bởi nếu chậm một chút thôi có thể trời sẽ tối. Giữa rừng, chẳng ai biết chuyện gì sẽ xảy ra. Cả đoàn đi lặng lẽ, chỉ nói chuyện khi ngồi nghỉ”, cô Thảo kể lại.

Quyết tâm là thế nhưng khi đến nhá nhem tối, Tà Tổng vẫn là một địa điểm gì đó xa xăm với các cô giáo… Và khi nhìn thấy cột cờ của Ủy ban nhân dân xã Tà Tổng, cô Thảo và anh chị em cùng đoàn như đã tìm thấy đích đến sau bao gian nan vất vả.

Hành trình ngày đầu tiên đã cực nhọc, những ngày sau đó, trong đoàn đã có người không chịu được khổ, bỏ về, thậm chí có người đã quyết định quay về chỉ ngay sau khi đến nơi.

Liên tục những ngày bám đá gieo chữ trên non, cứ chiều chiều khi tan lớp, Thảo lại ra ngồi trên phiến đá khóc bởi nhớ mẹ và quê. Đã có không ít nước mắt rơi trên mảnh đất Tà Tổng. Nước mắt không chỉ là nỗi cô đơn nhớ nhà mà còn là những cơ cực các cô gặp phải.

Thảo bảo, mình và những đồng nghiệp của mình đã và đang đi qua những hành trình đầy cảm xúc trong sự nghiệp giáo dục. Hành trình ấy nếu không có đủ tình yêu, khát vọng, lòng yêu nghề, mến trẻ, các thầy cô không thể bước tiếp.

Những lúc nhớ nhà, cô Thảo tìm đến vườn hoa làm bầu bạn

Có lương cũng chẳng thể tiêu

Ai đã từng đi qua dẫu chỉ một lần, nhưng những địa danh ở Tà Tổng chỉ cần nhắc lại là có thể mường tượng ra cảnh suối sâu, vực thẳm, thác ghềnh trên những cung đường chỉ dành cho người đi bộ và thú rừng để về các bản làng xa xôi. Những địa danh in hằn sâu trong tâm trí của các thầy cô giáo ở Tà Tổng năm xưa như dốc Mẹ Ơi, Nậm Ngà, Tia Ma Mủ, U Na, U Pa Tết, Nậm Dính...

Đường sá khó khăn chỉ là chuyện… nhỏ. Không trường lớp, học sinh – phụ huynh không biết nói tiếng phổ thông, phụ huynh chưa nhận thức được đầy đủ nên việc học mầm non mới là những khó khăn lớn.

Để vận động các em đến lớp, cô Thảo cho biết các cô phải tự đi học tiếng của bà con để giao tiếp. Thảo đến từng nương bản xa xôi để thuyết phục bố mẹ cho các con học chữ phổ thông.

Để tiếp tục được với nghề giáo mầm non ở vùng cao, các cô phải cố gắng gấp nhiều lần so với giáo viên miền xuôi. Vừa dạy học, cô giáo Thảo vừa phải liên tục trau dồi chuyên môn, tập huấn, học tiếng của bà con bản địa. Nhưng khó khăn hơn cả vẫn là việc ở Tà Tổng ngày ấy không có chợ, nhu yếu phẩm cho sinh hoạt hàng ngày gặp nhiều vất vả… Tiền lương đi lấy về nhiều lúc cũng chẳng có chỗ tiêu.

“Có lần chúng em không đi chợ được. Đường thì xa, các cô giáo hết gạo. Dân thì chỉ ăn ngô và cũng chẳng có đủ ăn chứ nói gì đến bán cho cô giáo. Đói, buồn và thiếu thốn đã khiến cho không ít cô giáo tủi thân, bật khóc nơi núi rừng bạt ngàn”, cô Thảo chia sẻ.

Lúc ấy, có một bà mẹ người Mông đi qua, thấy thương các cô giáo quá, ôm cô giáo vào lòng cùng khóc. Người đó bảo với chúng em cố gắng ở lại, có gì cũng ăn với mẹ… Chính những chân tình từ người dân ấy đã giúp chúng em có động lực ở lại với học trò, với nhân dân”, cô Thảo nhớ lại.

Cô Thảo cho biết, điều giúp các cô thêm nghị lực để mang đến tình yêu thương và con chữ cho các con đó là tình cảm của đồng bào, của dân bản. Nếu không có được những tấm chân tình ấy, thật khó để các cô gắn bó tại miền đất xa xôi này.

Sau 15 năm trong nghề, cô Thảo cũng đã được nhà trường, đồng nghiệp ghi nhận về chuyên môn và là giáo viên tiêu biểu nhiều năm liền. Trải qua chặng đường dài, cô Thảo đã coi Tà Tổng là quê hương thứ 2.

Cao Chải vẫn là một cao nguyên hoang hoải, khô cằn, với gió hun hút, giật vào những dãy lều rách nát của những người đi nương bỏ lại. Mới đây, trên miền đất khô cằn ấy, một cụm trường liên cấp (từ mầm non đến trung học cơ sở) đã được dựng lên. Cô Thảo, các thầy cô trong trường, đám trò nghèo vùng cao ở đây vui lắm. Họ coi đó như luồng sinh khí mới, hứa hẹn một tương lai tươi sáng của con em đồng bào sau bao nỗ lực không biết mệt mỏi của các thế hệ thầy cô nơi đây.

“Có trường mới, lớp mới sạch đẹp, các con đi học đều hơn, đông hơn. Đặc biệt là những giáo viên vùng cao như chúng em sẽ không sợ các con bị lạnh, bị ướt mỗi khi mưa xuống. Đương nhiên là chúng em vẫn sẽ đem hết tâm huyết, trí tuệ và tình cảm vào những trang giáo án để mong sao tương lai các con được tươi sáng hơn”, cô Thảo vui vẻ nói.

Nguồn https://giaoducthoidai.vn