Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Lại có trẻ học theo video trên mạng tự làm tổn thương cơ thể, cha mẹ ứng xử thế nào?


Sự việc cháu bé ở Quảng Ninh được cha mẹ đưa đến BV Sản Nhi Quảng Ninh cấp cứu vì bỏng mặt do tự ý mua cồn về đốt sau khi xem video trên mạng lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự an toàn của trẻ trên không gian mạng. Bởi những bài học về trào lưu làm theo “mo mo”, thắt cổ, cắt tay tự tử vẫn còn làm các bậc phụ huynh chưa hết bàng hoàng...

Điều đáng nói là các bác sĩ BV Sản Nhi Quảng Ninh cho biết, đơn vị này đã không ít lần tiếp nhận cấp cứu trường hợp bệnh nhi xem video trên mạng và tự làm tổn thương bản thân.

Theo Ts. Vũ Thu Hương, chuyên gia tâm lý kỹ năng sống, nguyên Giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ngày nay trẻ em được cha mẹ cho tiếp cận với điện thoại máy tính từ rất sớm. Có khi chỉ để được việc của mình cha mẹ sẵn sàng “quẳng” điện thoại, máy tính, ipad cho con. Vì thế nhiều trẻ “nghiện” xem các chương trình trên internet. Ở lứa tuổi trẻ mầm non hay lớp 1, 2 trẻ chưa thể tự “lọc” được nội dung mình tiếp cận, trong khi đó trẻ lại học bằng cách bắt chước rất nhanh.

Ts. Hương cho biết, các nước tiên tiến trên thế giới họ có quy định về vùng cấm và các sản phẩm sản xuất phục vụ trẻ em được kiểm duyệt rất chặt. Do đó, Ts. Hương kiến nghị phải có “vùng cấm" quy định rõ ràng lứa tuổi nào thì xem những nội dung nào.

Một trường hợp trẻ bị bỏng được cấp cứu tại BV Sản Nhi Quảng Ninh

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Nga, Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho rằng một trong những biện pháp rất quan trọng đó chính là sự vào cuộc của các doanh nghiệp các ấn phẩm trên môi trường mạng xây dựng công cụ giúp các bậc phụ huynh quản lý việc truy cập Internet của con.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Phòng chống bạo lực toàn cầu, tại mỗi thời điểm có khoảng 750.000 người đang cố gắng tiếp cận trẻ em qua mạng vì mục đích tình dục, 75% trẻ có tiếp xúc với nội dung phản cảm trên mạng xã hội.

Do đó, việc bảo vệ con trẻ trước những thông tin độc trên không gian mạng hiện nay không chỉ là việc “cấm” hay kiểm soát chặt trẻ xem cái gì mà công cụ đắc lực nhất để bảo vệ trẻ chính là việc gần gũi của cha mẹ với con cái khi sử dụng mạng internet. Sự đồng hành, chia sẻ cùng con những gì nên hay không nên làm trên mạng để khi có nội dung bất thường xuất hiện trẻ cũng sẽ tâm sự ngay với cha mẹ.  Sự đối thoại sẽ giúp chặn những thông tin xấu độc không gây hại cho con trẻ.

Được biết, một đề án bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo lành mạnh trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025 đã được Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, đang chờ phê duyệt để đưa vào thực tiễn. Đây là vấn đề mà tất cả các đơn vị có liên quan tới trẻ em cần phải tham gia. Chỉ khi mạng lưới giữa phụ huynh, cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội khăng khít thì mới tránh được những lỗ hổng dẫn đến hệ quả tiêu cực cho trẻ em trên không gian mạng.

Nguồn https://suckhoedoisong.vn