Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Để ông bà dạy cháu là sai lầm?



Nhiều người tưởng rằng, ông bà chỉ có thể chăm sóc cháu chứ không thể dạy trẻ do sự khác biệt về thế hệ. Nhưng thực tế có vẻ ngược lại.

 

Bài viết của nhà tâm lý học Lam Tịnh Linh (Trung Quốc).

Nếu con trai thích màu hồng, bạn sẽ phản ứng thế nào?

Gần đây diễn viên Ngô Kinh tiết lộ rằng con trai anh rất thích màu hồng. Nghĩ rằng đó là màu của các bé gái nên nam diễn viên xấu hổ không dám tiết lộ cho ai biết, trừ trợ lý của mình. "Đừng nói cho bà nội, bởi bà sẽ sốc", anh dặn trợ lý.

Vì một lý do nào đó, mẹ của Ngô Kinh biết chuyện. Người bà đã nói với cháu: "Màu sắc không quyết định giới tính. Không ai quy định con trai muốn hoặc không thể thích gì. Cháu có thể nói với mọi người cháu thích màu hồng" hay "Màu đỏ, hồng, xanh hay đen, mỗi màu lại có những cảm xúc khác nhau, cháu sẽ thay đổi sở thích ở những thời điểm khác nhau. Đây không phải vấn đề lớn".

Lời nói của mẹ Ngô Kinh đã khiến cộng đồng mạng Trung Quốc "dậy sóng". Một số người ca ngợi: "Những giá trị và cách nhìn đúng đắn về cuộc sống có thể tạo ra đứa trẻ xuất sắc. Hình thức giáo dục này phù hợp với trẻ em". Trong khi người khác lại nhận xét: "Không ngờ quan điểm hiện đại và phương pháp nuôi dạy con tinh tế lại xuất phát từ một người lớn tuổi như vậy".


Cặp ông bà ở Yên Đài, Sơn Đông thường xem nội dung sách giáo khoa trước một năm để dạy cháu học. Ảnh: qq.

Tiến sĩ tâm lý học nổi tiếng người Nhật Shitota Sudo từng nhắc trong cuốn sách "Nuôi dạy trí tuệ giữa các thế hệ" rằng: "Cha mẹ nên khám phá vai trò tích cực của ông bà trong việc dạy cháu, chứ không chỉ dừng lại ở vai trò dỗ trẻ".

Ông bà tham gia dạy dỗ sẽ cho ra đời đứa trẻ hư?

Người già trước đây trong suy nghĩ của tôi là lạc hậu và bảo thủ, chẳng hạn như mẹ chồng tôi. Kể từ khi con trai chào đời, việc mặc nhiều hay ít quần áo luôn là điểm khác biệt lớn nhất giữa tôi và mẹ chồng. Cho đến một hôm con trai tôi bị viêm phổi do mồ hôi ngấm ngược vào người. Tôi và bà nảy sinh mâu thuẫn.

Mãi cho đến một ngày tôi thấy bà cầm điện thoại và nhờ chồng dạy cách mua sách nuôi dạy con trên mạng, mới hiểu bà đang muốn bắt kịp xu hướng và cố gắng nuôi dạy trẻ khoa học. "Bà già bảo thủ" trong ấn tượng của tôi thực sự đã có ngày thay đổi bản thân vì cháu của mình. Tôi hiểu, bà yêu cháu không kém gì vợ chồng tôi yêu con.

Cách đây không lâu, ở Yên Đài, Sơn Đông, có một cặp ông bà đã xem nội dung sách giáo khoa trước một năm, thường xuyên thảo luận kiến thức với nhau để giúp cháu học tập. Sau đó họ cố gắng giải đáp mọi thắc mắc cho cháu gái.

Nhà văn Trung Quốc Phó Thủ Nhĩ từng nói: "Giáo dục giữa các thế hệ có ưu và nhược điểm. Không có nền giáo dục tốt nhất, chỉ có giáo dục tận tâm nhất".

Bây giờ hãy nghĩ về điều này, những đứa con thực sự là những đứa cháu yêu quý của bố mẹ chúng ta. Để cung cấp môi trường tốt hơn cho trẻ khi lớn lên, người già cũng đang nỗ lực hết mình như con cái họ. Nhưng guồng quay của thời cuộc đã bỏ họ lại và họ phải nỗ lực hơn chúng ta rất nhiều.

Trên con đường nuôi dạy trẻ, những người già lao tâm hơn lao lực

Trong cuộc sống, đừng coi thường ông bà nội ngoại, họ có thể không thua chúng ta khi dạy dỗ con cái.

Biết tình nguyện viên phòng chống dịch bệnh không thể về nhà ăn cơm, một cụ bà ở Thạch Gia Trang đã tự tay nấu nướng và nhờ cháu trai 7 tuổi mang cơm đến cho họ. Mặc dù chỉ là cung cấp một vài suất ăn, nhưng cũng đủ để đứa trẻ hiểu thế nào là lòng tốt và sự quan tâm.

Tại Vũ Hán, Hồ Bắc, một người ông đưa cháu trai đi tàu điện ngầm. Khi vào ga, cháu trai nghịch ngợm đứng sau ông nội và "trốn vé" qua cổng. Phát hiện ra, người ông nghiêm khắc giáo dục cháu mình và yêu cầu quay lại để quẹt vé. Lời nói và việc làm của người ông đã dạy cho đứa trẻ "bài học đạo đức" về sự văn minh và nhận lỗi.

Cậu bé Vương Hằng Ngật từng được gọi là "thần đồng" Trung Quốc khi mới 3 tuổi. Ở tuổi này, cậu đã học thuộc 1.000 kí tự tiếng Trung, lên 5 tuổi đoạt giải nhất "Hội nghị thơ ca toàn quốc" và thuộc hàng trăm bài thơ nổi tiếng, từ cổ đại cho tới hiện đại. Sở dĩ Vương được như vậy bởi có người bà biết dạy cháu. Mỗi khi đi học mẫu giáo về, cậu bé được phép cho xem phim hoạt hình 20 phút trước khi bắt đầu học các bài thơ cổ và tiếng Anh. "Như vậy để trẻ hình thành thói quen tốt là tuân thủ các quy tắc và tính tự giác", người bà nói.

Tất nhiên, Vương vốn chỉ là một đứa trẻ nên vẫn ham chơi. Sau khi trở về từ một chuyến đi đến Tân Cương, cậu lười biếng và không muốn học. Bà nội đã áp dụng biện pháp học chung với cháu để cậu quay trở lại quỹ đạo vốn có. Trong những năm qua, Vương đã tự làm 800 bài thơ nhưng cậu vẫn không tự mãn, luôn khiêm tốn bởi người bà đã dạy rằng: "Trên đời này chưa từng có thần đồng. Tất cả đều do chính mình tích lũy và học hỏi từng chút một".

Nhiều người cho rằng nếu để ông bà dạy dỗ cháu, rất dễ có những đứa trẻ hư. Nhưng bà của Vương- một người có trình độ trung học cơ sở- đã dạy dỗ cháu mình thành một đứa trẻ xuất chúng. Những người như bà cũng đang học hành chăm chỉ, cầu tiến theo thời đại và mong muốn làm gương tốt cho con cháu.

 


Vương Ngật Hằng bên bà nội và mẹ. Ảnh: chinanews.

Những người yêu trẻ nhất ngoài cha mẹ chính là ông bà

Khi nghĩ về tuổi thơ của mình, bà luôn là người bảo vệ tôi đầu tiên. Nhiều lần tôi nghịch ngợm và gây rắc rối, mẹ định giơ roi mây lên thì bà can ngăn kịp thời. Khi lớn lên đi học, bà luôn hỏi "Ở lớp có ăn ngon không?, "Cháu sống khỏe không?". Sau này lập gia đình, bà vẫn nhớ tôi thích ăn món gì, luôn mua rất nhiều đồ và cất kỹ trong tủ lạnh chờ cháu về. Khi đã là một người mẹ, nhìn con mình, tôi thấy bản thân may mắn biết bao khi có được tình yêu thương của bà nội.

Nếu trên đời này có người yêu thương trẻ em hơn cha mẹ chúng, thì nhất định đó chính là ông bà.

Chuyên gia nuôi dạy con cái Hoàng Tịnh Tiết của Trung Quốc từng đề cập trong cuốn sách "Khuôn mẫu của cha mẹ" như sau: "Đừng từ bỏ bất cứ ai yêu thương con bạn. Những gì họ có thể làm chính là những thứ bạn không có thời gian và khả năng để làm".

Để có cuộc sống vật chất tốt hơn, nhiều cha mẹ buộc phải "vắng mặt" khi con cái lớn lên. May mắn ngoài bố mẹ, còn có người ông người bà. Với tình yêu thương và sự kiên nhẫn, họ đã "lấp đầy khoảng trống" cho con cái, cho những đứa cháu sự quan tâm và tình yêu thương. Tình yêu của họ tuy không lý trí như cha mẹ nhưng là tình cảm bộc trực và sâu sắc.

"Tình yêu của người già có một chút vụng về, nhưng rất chân thật. Chỉ cần nhận được tình yêu và sự dạy dỗ của họ, những đứa trẻ cả đời sẽ chẳng thể nào quên", chuyên gia Hoàng Tịnh Tiết nói.

 

Nguồn VNE