Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nam giáo viên làm nghề dỗ trẻ và những chuyện "cười ra nước mắt"


 

Đứa trẻ cứ lẽo đẽo theo tôi, muốn làm việc gì cũng không được. Phụ huynh lên đón về, cháu khóc, nằng nặc không chịu về.

Vì với những đặc thù riêng biệt, ngành sư phạm mầm non vốn để “chiêu mộ” được các giáo viên nữ đã khó vì thế có giáo viên nam dạy trẻ là điều ít có.

Với một huyện miền núi như huyện Con Cuông (tỉnh Nghệ An) thì chuyện bổ sung nguồn lực giáo viên cho các cụm trường, điểm trường lại càng khó khăn hơn vạn lần, chưa nói chuyện đến trong đội ngủ ấy có những nam giáo viên.

Vậy mà thầy Lương Văn Khánh (43 tuổi), với 13 năm tuổi nghề thì cũng đã gắn bó với cụm mầm non Đồng Tiến, Lạng Khê, Con Cuông được hơn 5 năm.

Hàng ngày, từ xã Châu Khê thầy Khánh đi xe máy, sáng đi tối về gần 15 cây số đường rừng để lên đến Cụm mầm non ở xã Đồng Tiến dạy học.

Với đặc thù của địa bàn miền núi nên hầu như các bé ở đây đều phải học bán trú ở trường, phụ huynh gửi con vào buổi sáng và đến tận chiều tối mới đón các con trở về.

Chính vì vậy mà có không ít câu chuyện “cười ra nước mắt” cũng được thầy giáo Khánh lưu giữ trong lòng, coi như đó là kỷ niệm nhớ đời khi dấn thân vào sự nghiệp “gieo chữ” của mình.

Cũng từ những kỷ niệm đầy tình yêu thương thế mà thầy Khánh thấy thêm yêu hơn công việc mình làm, dù đôi lúc cũng có nhiều trăn trở.

Nói về những khó khăn của ngày đầu chuyển xuống dạy mầm non, thầy Khánh chia sẻ: “Được sự ưu tiên của ngành giáo dục tỉnh và huyện thì tôi được chuyển xuống dạy mầm non ở cụm Đồng Tiến, mặc dù trước đây tôi từng là giáo viên dạy môn Văn ở trường cấp 2.

Biết trước được những khó khăn, thử thách khi mình phải chuyển sang môi trường mới, nhưng vì khi chuyển xuống dạy mầm non tôi được xét vào biên chế, đồng lương và công việc ổn định nên cũng phần nào giúp tôi yên tâm dấn thân.

Mỗi ngày thầy Khánh đi xe máy gần 15 cây số đường rừng để đến nơi dạy học. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mới ban đầu, dù đã được bố trí cho đi học và tập huấn cũng như trang bị bằng cấp và kỹ năng nghề nghiệp.

Nhưng phải thừa nhận rằng, đây là ngành học có thể nói là khá vất vả khi so sánh với các ngành sư phạm khác.

Bởi không chỉ lấy đi từ 2 đến 3 năm học, ngành học này yêu cầu người học phải có đầy đủ kỹ năng như hát, vẽ, múa, tâm lý trẻ nhỏ và không thể thiếu kỹ năng sư phạm chuyên môn của mầm non.

Không những thế, để giúp tôi nhanh chóng làm quen với công việc, ban giám hiệu nhà trường tạo điều kiện bố trí các giáo viên nữ có kinh nghiệm kèm cặp trong những buổi dạy đầu tiên.

Nhưng khi bước chân vào công việc này, tôi mới thấy thấm thía hết được những sự vất vả.

Giáo viên nữ làm mầm non khó một thì nam giáo viên khó mười. Nếu không yêu nghề, hy sinh vì nghề và có sự hỗ trợ, tạo điều kiện của cấp trên thì không mấy người có thể trụ nổi”.

Tâm sự với tôi, trong câu chuyện của thầy giáo trẻ, đôi lúc ánh lên những niềm vui nho nhỏ.

Những kỷ niệm đáng yêu, đáng nhớ được thầy Khánh chia sẻ như mới vừa hôm qua: “Tôi nhớ, ngày đi làm đầu tiên, mình cũng học theo giáo viên nữ hướng dẫn, rồi làm các thao tác như tập múa hát cho trẻ, dạy nhận diện con vật, chữ cái v.v…

Nhưng cái khó và mất thời gian làm quen nhất chính là việc làm quen với việc sinh hoạt, vệ sinh của trẻ.

Mình là đàn ông nên làm mấy việc dọn rửa sau khi các bé đi vệ sinh hoặc tắm giặt cho từng bé ban đầu cứ thấy ngại ngùng, nhất là với các bé gái. Rồi học cả cách đóng bỉm hay là tập thói quen đi tiểu đều đặn cho trẻ.

Nghĩa là việc gì các giáo viên nữ làm được thì bắt buộc mình phải thích nghi và đều phải làm bằng được.

Dần dà, mình cứ coi lũ trẻ như con cái trong nhà, giống như lúc vợ mình đi vắng để lấy động lực làm quen với mọi việc.

Trong suốt 13 năm bước chân vào con đường sư phạm, tôi cũng đã trải qua cũng đã ngót nghét hơn 5 năm tôi làm công việc giáo viên mầm non.

Một buổi sinh hoạt của thầy trò cụm mầm non Đồng Tiến, Lạng Khê, Con Cuông. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Giờ mỗi lần nhắc đến chính tôi cũng không thể nào quên được một kỷ niệm đó là vào năm thứ hai về điểm trường công tác, trong lớp có một bé gái, khoảng 2,5 tuổi cứ suốt ngày quấn lấy tôi.

Thậm chí làm việc gì cũng theo lẽo đẽo, không đi đâu được, lúc ăn, lúc ngủ cũng cần phải có tôi bên cạnh, bé cứ nghĩ tôi là bố. Thậm chí, khi phụ huynh đến đón bé còn lăn ra khóc, nằng nặc không chịu về.

Nhớ có lúc, cái máy bơm nước của trường bị hỏng, tranh thủ lúc bé ngủ trưa mình ra sửa lại cái máy.

Vậy mà không biết vì sao, rõ ràng trước khi đi cháu đã ngủ say cùng các bạn, nhưng khi biết mình ra ngoài lớp cháu bé dậy khóc và đòi đi theo bằng được.

Ra đấy, bé đòi ngồi bên cạnh, mình vừa sửa máy lại vừa phải trông chừng.

Các cô cùng trường thì cứ trêu chọc rằng, tôi và cháu bé chắc là bố con của nhau từ kiếp trước nên đến giờ mới quấn quýt nhau như thế.

Về nhà, bà xã tôi biết chuyện tỏ ra hoài nghi rằng, nếu không phải ruột rà sao lại quấn lấy nhau như vậy, giải thích mãi cô ấy mới chịu hiểu.

Cũng từ những kỷ niệm như thế, giờ đây tôi thấy yêu công việc của mình đang làm hơn, và có thêm nhiều động lực hơn để có thể vượt qua những khó khăn của công việc này.

Ngoài những chuyện đó, trong những ngày đầu chuyển xuống làm công tác dạy mầm non, việc dạy cho trẻ biết hát, biết múa mới đầu cũng gặp nhiều chuyện bi hài.

Mình là đàn ông nên mấy cái động tác uốn éo, rồi xoè ngón tay sao cho thật dẻo và mềm mại mình cũng phải học mãi mới quen.

Mới đầu phải nhờ đến rất nhiều sự trợ giúp từ các cô giáo đã có kinh nghiệm lâu năm làm mẫu và hướng dẫn.

Nhiều lúc có trẻ bảo thầy ơi, thầy làm con công đang múa đi hay thầy làm con chim thiên nga đi v.v… mà ngón tay khô cứng của mình không thể nào điều khiển.

May mắn là trẻ mầm non chúng vẫn chưa thực sự nhận biết được cái hay cái dở, cái đúng, cái sai trong mỗi động tác nên quá trình luyện tập ngay từ ban đầu cũng không bị ai “soi”.

Lấy động lực để có thể làm mới mình trong môi trường mới, thêm nhiệt huyết với cái nghiệp sư phạm mình đã chọn, nên ngoài những giờ trên lớp, những thời gian rảnh rỗi ở nhà mình còn chịu khó mày mò các bài giảng trên mạng.

Từ đó, làm sao để có thể tìm ra các phương pháp truyền thụ thật dễ hiểu để các bé mầm non vừa tiếp thu được bài giảng lại vừa có thể cảm nhận được tình cảm mình đặt vào trong đó”.

Nguồn https://giaoduc.net.vn