Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

'Trái đắng' vì thỏa mãn con vô điều kiện



Nhiều bậc cha mẹ đáp ứng mọi yêu cầu của con một cách vô điều kiện mà không biết, họ đã dạy trẻ rằng: "Nếu cha mẹ không cung phụng mình, đó là lỗi của họ".

 

Bài viết của nhà tâm lý học Xuân Vũ (Trung Quốc).

Một lần, cô bạn khoe với tôi, con gái cô ấy đã "ăn hết cả con cá" còn vợ chồng họ chỉ nếm một chút để thử hương vị. Nói xong người bạn cười và cảm thấy hài lòng vì con gái mình ham ăn. Tuy nhiên, tôi lại cảm thấy chút khó chịu.

Đây không phải lần đầu tôi nghe bố mẹ kể chuyện con ham ăn. Trẻ được quyền lựa chọn, cha mẹ sẽ chăm chỉ chuẩn bị, bất chấp món đó họ ăn được hay không. Nếu người lớn nấu thức ăn không ngon, trẻ có quyền ăn hoặc không. Thậm chí nhìn đồ ăn thừa trên bàn, vẫn có người mẹ nói: "Xin lỗi, lần sau mẹ sẽ làm món con thích".

 

Nhiều bố mẹ cho rằng hy sinh mọi thứ cho con là điều nên làm. Nhưng với nhiều đứa trẻ, chúng coi đó là điều đương nhiên và không biết ơn cha mẹ mình. Ảnh minh họa.

 

Đây chính là tình yêu lớn lao của cha mẹ. Nhưng đứa trẻ dường như coi tất cả những điều này là chuyện đương nhiên. Liệu yêu con có phải là phải hy sinh hết cho con, cho đi mọi thứ mà "không có điểm cuối"?

Cách đây ít lâu tôi dự sinh nhật con gái một đồng nghiệp. Người mẹ này dậy sớm, tự tay trang trí bữa tiệc và làm cho con một chiếc bánh rất đẹp. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, nhân vật chính của bữa tiệc xuất hiện nhưng với vẻ mặt u ám. Cô bé miễn cưỡng thổi nến và cắt bánh trong lời thúc giục của bố mẹ. Suốt buổi tiệc, người mẹ cẩn thận bóc tôm cho con, nhưng ăn được 2 miếng cô bé chê chán, rồi ngúng nguẩy bỏ đi. Người đồng nghiệp thở dài, bất lực nói: "Đứa nhỏ này khó hầu hạ. Làm gì cũng không vừa lòng".

Nhiều cha mẹ như đồng nghiệp của tôi đang cố gắng lo cho con cái nhưng thay vào đó, đứa trẻ không thấy hạnh phúc. Điều đáng sợ hơn là trẻ không để ý đến "sự cho đi" và tình yêu thương của cha mẹ. Chúng trở nên tham lam, muốn thứ gì được thứ đó mà không cần cố gắng. Chúng cũng hay phàn nàn và đối mặt với cuộc sống bằng một thái độ "cay nghiệt".

Tình yêu thương không đi kèm kỷ luật của cha mẹ sẽ làm mờ đi ranh giới của tình yêu và sự phục tùng. Bởi vậy trẻ sẽ mất khả năng cảm nhận niềm vui và hạnh phúc, không biết quan tâm đến người khác mà chỉ nghĩ đến bản thân mình.

Cha mẹ yêu thương con cái không có gì sai, nhưng nếu yêu quá mức sẽ khiến trẻ lạc vào tình yêu dị dạng. Nuôi dạy con không biết ơn, không biết yêu thương cha mẹ là thất bại lớn nhất của giáo dục gia đình.

Vậy tại sao cha mẹ yêu thương con cái nhưng trẻ lại không biết ơn? Trong tâm lý học có hiệu ứng Pratfall của Elliot Aronson. Theo lý thuyết này, nếu cha mẹ thỏa mãn con cái một cách mù quáng, mong muốn và nhu cầu của trẻ sẽ liên tục mở rộng. Một khi cha mẹ không thể hoàn thành điều gì đó, những cảm xúc tiêu cực sẽ phát triển trong trái tim trẻ, thậm chí chúng sẽ đổ lỗi cho người lớn.

Có câu chuyện về món mì bún bò trên Internet là ví dụ sinh động cho hiệu ứng này. Một người bà thường dẫn cháu đi ăn bún bò. Mỗi lần như vậy bà đều gắp hết thịt bò từ bát mình sang bát cháu rồi mỉm cười nhìn cháu ăn ngấu nghiến. Một lần, cả hai lại ra quán nhưng lần này bà nội cho thịt trong bát mình vào bát cháu trai trước rồi mới đổ bún lên phía trên. Đứa cháu trai nhìn chằm chằm vào bát, cau mày: "Sao bà không cho cháu thịt từ bát bà". Dù bà giải thích thịt đã có trong bát nhưng cậu bé hất đổ bát bún xuống đất, khóc và đổ lỗi cho bà đã giấu thịt đi. Cuối cùng người bà phải gọi tô khác, cho hết thịt từ bát mình sang bát cháu thì cậu bé mới chịu nín.

Cha mẹ nhìn xa trông rộng sẵn sàng để con chịu trách nhiệm

Cách đây không lâu, một bà mẹ ở Chiết Giang đã chia sẻ một đoạn video quay đứa con 8 tuổi của cô một tay bịt mũi, một tay dọn phân chó, nước mắt đầm đìa: "Mẹ ơi, hôi quá". Người mẹ nói: "Vật nuôi là của con và con phải có trách nhiệm với nó". Cách làm của bà mẹ là để con gái biết rằng, nuôi động vật nhận được niềm vui nhưng đổi lại là phải có trách nhiệm với những thứ mình muốn.

"Cho trẻ tham gia công việc gia đình không chỉ trau dồi tinh thần trách nhiệm mà quan trọng hơn là trẻ có thể cảm nhận được những khó khăn, vất vả của cha mẹ", người mẹ này chia sẻ.

Trong cuộc sống hãy để con cái sắp xếp đồ đạc, phòng ốc, tham gia vào công việc gia đình một cách hợp lý. Đây là quá trình rèn luyện khả năng và rèn luyện thói quen. Chỉ khi bố mẹ sẵn sàng yêu cầu trẻ làm việc này, mới có thể đào tạo được một đứa trẻ biết quan tâm đến người khác.

Cha mẹ cũng phải biết yêu thương chính mình

Nhớ khi còn nhỏ, tôi đã chỉ vào miếng thịt trong bát mẹ mình và nói: "Con muốn ăn miếng thịt này, bát của con hết rồi". Mẹ tôi nói: "Không được, mẹ cũng muốn ăn. Con ăn nốt phần rau của mình đi". Sau này tôi mới hiểu mẹ tôi yêu con vô điều kiện nhưng bà sẽ không phục tùng con cái vô điều kiện. "Mẹ rất yêu con nhưng mẹ cũng yêu chính mình. Nếu mẹ phục tùng con hết mình, mẹ sẽ trở thành người hầu trong mắt con", mẹ từng nói với tôi.

Có ai đó nói rằng: "Yêu trẻ là bản năng nhưng học được cách yêu trẻ lại là bản lĩnh".

Tôi tin cha mẹ nào cũng đang hết lòng chăm sóc cho sự trưởng thành của trẻ. Tuy nhiên chất lượng thực sự của tình yêu là dựa trên các nguyên tắc.

Ngay từ hôm nay, bố mẹ hãy coi bản thân như một đứa trẻ và yêu thương chính mình. Hãy để trẻ biết rằng cha mẹ là người đáng để con cái tôn trọng và họ cũng cần tình yêu của con cái để nuôi dưỡng chúng trưởng thành.

 

Nguồn VNE