4 kiểu gia đình khiến trẻ 'càng học càng kém' Một nghiên cứu của đại học Harvard (Mỹ) cho thấy, với 4 cách giáo dục của gia đình dưới đây, trẻ càng học càng kém.
Đại học Harvard từng thực hiện một nghiên cứu kéo dài 75 năm được gọi là "Nghiên cứu yêu thương", bắt đầu từ năm 1938 và theo sát cuộc sống của 724 người tham gia. Cuối cùng, nghiên cứu kết luận rằng sự phát triển trí tuệ của trẻ ảnh hưởng rất nhiều bởi môi trường giáo dục gia đình.
Sự phát triển của trẻ ảnh hưởng rất nhiều từ cách giáo dục của gia đình. Ảnh minh họa.
1. Không chú ý đến thói quen sinh hoạt của trẻ Không có chế độ ăn uống hợp lý Bữa sáng là một trong ba bữa ăn chính trong ngày mà con người cần cung cấp năng lượng. Tuy nhiên, có không ít trẻ bỏ bữa do không được bố mẹ chăm sóc đúng cách. Đây là việc làm gây hại với sức khỏe. Nếu không ăn sáng, cơ thể sẽ lấy năng lượng của cơ bắp và gan để sử dụng. Khi đó, cơ bắp và gan sẽ rơi vào tình trạng quá sức với những biểu hiện như buồn ngủ, hoa mắt, chóng mặt... Điều này ảnh hưởng lớn đến hiệu suất học tập khi trẻ mệt mỏi và không thể tập trung. Không có chế độ nghỉ ngơi hợp lý Giáo sư Yvonne Kelly, Khoa Dịch tễ học và y tế cộng đồng cho biết, việc cho trẻ đi ngủ có tác động đáng kể tới những hành vi. Nghiên cứu được tiến hành cho thấy, những em bé với giờ ngủ thất thường có nhiều khả năng gặp các vấn đề về hành vi, bao gồm: hiếu động thái quá, khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc. Những triệu chứng này gần tương tự với sự mệt mỏi sau một chuyến bay dài. Giờ ngủ lộn xộn trong thời gian dài cũng gây ra ảnh hưởng rõ rệt tới trẻ do gián đoạn nhịp điệu sinh học dẫn tới thiếu ngủ. Điều này sẽ dần dần phá hoại sự phát triển của não bộ cũng như khả năng điều chỉnh hành vi nhất định ở trẻ nhỏ. Nghiên cứu cũng nhận thấy những trẻ có giờ ngủ không cố định hay đi ngủ sau 21 giờ tối thường có một nền tảng xã hội kém hơn và nhiều có khả năng hình thành các thói quen xấu. 2. Không rèn luyện thói quen làm việc nhà của trẻ Ở một số nước Á Đông, nhiều cha mẹ chỉ yêu cầu con cái học tập chăm chỉ mà không cần làm việc nhà. Ngay cả những việc đơn giản nhất như mặc quần áo, buộc dây giày, xách cặp đi học cũng đều do cha mẹ làm giúp. Nghiên cứu của Đại học Harvard cho thấy, nếu trẻ em muốn thành công hơn khi lớn lên, chúng phải tham gia vào việc nhà, càng sớm càng tốt. Làm việc nhà sẽ khiến trẻ nhận ra bản thân là thành viên trong gia đình và trẻ cần phải trả công sức lao động tương xứng để thay đổi môi trường xung quanh thông qua nỗ lực của mình. Làm việc nhà cũng sẽ khiến trẻ tự lập và có trách nhiệm hơn với chính cuộc sống của chúng sau này. Báo giáo dục Trung Quốc gần đây công bố một kết quả khảo sát cho thấy trong số các gia đình có quan điểm rằng trẻ em nên làm một số việc nhà, 86,92% trẻ đạt kết quả học tập xuất sắc. Trong số các gia đình có suy nghĩ rằng "miễn học giỏi là được, không cần làm việc nhà", chỉ có 3,17% trẻ đạt kết quả xuất sắc.
3. Không nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho trẻ Nhà đầu tư huyền thoại Charlie Munger từng nói về việc đọc sách: "Không có người thông minh nào tôi gặp trong đời mà không đọc sách hàng ngày". Một cuộc khảo sát với hàng trăm tỷ phú và quán quân các kỳ thi tuyển sinh đại học cho thấy những người thành công về cơ bản đều có thói quen đọc sách mỗi ngày. Một giáo viên lâu năm đã từng nói về việc 98% trẻ em trong lớp học có chỉ số IQ tương tự nhau. Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả học tập giữa một đứa trẻ thành tích tốt và ngược lại hầu hết là khả năng đọc hiểu. Một trong những ích lợi chính của việc đọc sách là hình thành thái độ tích cực đối với việc học nói chung. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy các học sinh được làm quen với việc đọc sách trước 4 tuổi có thành tích học tập tốt hơn trong tất cả các môn ở cấp tiểu học. Ngoài ra đọc sách còn giúp trẻ nắm bắt các khái niệm trừu tượng, suy nghĩ theo logic ở những tình huống khác nhau, nhận biết nguyên nhân - kết quả và học cách đánh giá sự việc. Cùng với việc đọc hiểu, trẻ rèn luyện được tính kỷ luật, độ tập trung và khả năng ghi nhớ. Điều này giúp ích rất nhiều cho trẻ trong học tập. 4. Không thể hiện tình yêu thương với con cái "Khi không thể chịu được thất bại, trẻ sẽ có những hành động cực đoan", một nhà tâm lý học Trung Quốc nhận xét khi nước này liên tục có những học sinh cấp 2, cấp 3 tự tử vì điểm kém hoặc kết quả học tập không được như kỳ vọng. Văn hóa Á Đông quen với việc bố mẹ áp đặt con cái và không giỏi thể hiện tình yêu với con. Điều này bị ảnh hưởng từ những quan niệm truyền thống "Yêu cho roi cho vọt". Cha mẹ nghĩ rằng để con cái trở nên tốt hơn họ sẽ phải nghiêm khắc và "keo kiệt" với chính lời khen của mình. Thậm chí nhiều người còn nói ra những lời xúc phạm hy vọng trẻ "biết xấu hổ mà dũng cảm vươn lên". Tuy nhiên những gì họ làm chỉ là ngày càng nới rộng khoảng cách với con cái. Thậm chí có nhiều trẻ lầm tưởng cha mẹ chỉ quan tâm tới điểm số mà không màng tới suy nghĩ của chúng. Điều này rất dễ dẫn đến hậu quả khó lường.
Bởi vậy khi giáo dục con cái, các nhà nghiên cứu Đại học Harvard khuyên cha mẹ cần đặt cho mình những câu hỏi sau: - Giữa sức khỏe thể chất, tinh thần và kết quả học tập của trẻ, cái gì quan trọng hơn? - Bạn có thể chấp nhận rằng trong tương lai, đứa trẻ chỉ là một người bình thường không? - Bạn có thường quan tâm đến con mình và để ý đến suy nghĩ của con không? Nếu trả lời đủ 3 câu hỏi này, tin rằng bố mẹ nào cũng hiểu nên thay đổi cách giáo dục con thế nào cho phù hợp.
Nguồn VNE |