Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Hiệu trưởng, hiệu phó phải xắn tay vào dạy phụ đạo lớp 1- tín hiệu vui dạy thật


Hiệu trưởng, hiệu phó phụ trách lớp phụ đạo cũng là thể hiện năng lực, trách nhiệm của người lãnh đạo, làm gương cho giáo viên trong trường.

Với “Nghỉ Tết không áp lực bài tập” tiên phong trên cả nước, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ghi dấu ấn đẹp với học trò, phụ huynh địa phương; một món quà Tết tuyệt vời tặng cho học trò nhân dịp năm mới.

Chuyện “Nhiều học sinh lớp 1 chưa đạt, Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu các trường dạy phụ đạo” đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 26/2/2021 đã nhận được sự quan tâm của bạn đọc, đặc biệt là giáo viên đang dạy lớp 1 trên cả nước.

Bài viết đã được chia sẻ rộng rãi trên cộng đồng mạng xã hội, nhận được nhiều bình luận của giáo viên đang dạy lớp 1.

Đa phần bình luận đều tấm tắc khen ngợi lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã dũng cảm nhìn nhận, đánh giá khách quan chất lượng lớp 1.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến lo lắng, lo lắng vì khi “Các trường không có giáo viên để bố trí dạy thì lãnh đạo nhà trường phải chịu trách nhiệm phụ trách dạy lớp học này, sau khi các em biết đọc lưu loát, viết, tính toán thành thạo chuyển các em về lại lớp học ban đầu” sẽ “kích thích” các cơ sở giáo dục trên địa bàn Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và trên cả nước nói chung báo cáo số liệu “đẹp”, tránh trách nhiệm “dạy phụ đạo” sau này.

Cũng có ý kiến thẳng thắn, cho rằng “lãnh đạo nhà trường phải chịu trách nhiệm phụ trách dạy lớp học này” là chưa đúng quy định về chức trách, nhiệm vụ của hiệu trưởng, hiệu phó trường tiểu học.

Với lãnh đạo của trường trung học, có quy định dạy số tiết theo tiêu chuẩn, còn lãnh đạo trường tiểu học hoàn toàn không có quy định này, liệu Sở ra quyết định như vậy có “ép” lãnh đạo nhà trường không?

Một tiết học của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Lê Thành Duy, thành phố Bà Rịa. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Khánh Chi/ Báo Bà Rịa – Vũng Tàu)

Người trong cuộc nói gì về kế hoạch lãnh đạo nhà trường phải dạy phụ đạo?

Để trả lời câu hỏi này, người viết đã trao đổi với cô giáo A. (đề nghị không nêu tên), hiệu trưởng một trường tiểu học ở thành phố Vũng Tàu.

Cô A. chia sẻ “Trước tiên, tôi cảm ơn sự chỉ đạo quyết liệt, nhanh chóng của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về vấn đề nâng cao chất lượng dạy học ngay từ lớp 1, tránh tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp sau này.

Chỉ đạo của Sở đã ghi rõ “Các trường không có giáo viên để bố trí dạy thì lãnh đạo nhà trường phải chịu trách nhiệm phụ trách dạy lớp học này, sau khi các em biết đọc lưu loát, viết, tính toán thành thạo chuyển các em về lại lớp học ban đầu”.

Chỉ đạo như thế không “kích thích” các cơ sở giáo dục trên địa bàn Bà Rịa – Vũng Tàu báo cáo số liệu “đẹp”, vì giáo dục Bà Rịa – Vũng Tàu đã và đang đi vào thực chất.

Chúng ta cần khách quan nhìn nhận, đây là sự nhấn mạnh của lãnh đạo Sở với lãnh đạo cơ sở về trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời đó cũng chính là một giải pháp sắp xếp nhân sự dạy lớp học đặc biệt này.

Người đứng đầu cơ sở giáo dục phải chịu mọi trách nhiệm, không đổ lỗi cho ai về hiệu quả công tác của đơn vị mình phụ trách; không sắp xếp được, không chỉ đạo được, thì mình phải đứng ra làm.

Hiệu trưởng, hiệu phó phụ trách lớp phụ đạo cũng là thể hiện năng lực, trách nhiệm của người lãnh đạo, làm gương cho giáo viên trong trường.

Chỉ đạo của Sở hôm nay, cũng là chỉ đạo tầm xa cho những năm sau, các trường trong địa bàn phải có kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục cho đơn vị mình ngay từ đầu năm chứ không đơn thuần chờ chỉ đạo của Sở nữa.

Chúng tôi đã thống nhất quan điểm dạy thật, học thật, báo cáo đánh giá thật trong tập thể sư phạm nhà trường ngay từ đầu năm; mỗi giáo viên lớp 1 nói riêng, cả trường nói chung đều có trách nhiệm phụ đạo cho học sinh yếu ngay từ đầu năm học.

Với học sinh lớp 1 năm nay, giáo viên phụ trách lớp lại càng quan tâm hơn đến chất lượng của học sinh.

Ngay từ tuần đầu tiên, khối lớp 1 đã thường xuyên nắm bắt tình hình của từng lớp, em nào yếu kỹ năng nào giáo viên đã nắm bắt và có kế hoạch phụ đạo ngay.

Chỉ đạo của Sở về việc dạy phụ đạo tập trung cho các em học sinh lớp 1 chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán ở học kỳ 1 đã cụ thể hóa hơn công việc mà tập thể giáo viên nhà trường đã và đang làm.

Thực tế, những đối tượng học sinh yếu về các kĩ năng đọc, viết, tính toán thường là học sinh tự kỉ, tăng động giảm chú ý, có khó khăn về trí não...

Để có phương án "dài hơi" hơn, mở rộng đối tượng hơn cho cả 4 khối lớp sau và phù hợp với thực tế các nhà trường hiện nay, thì không nhất thiết phải là lãnh đạo trực tiếp đứng ra giảng dạy.

Ở đây cần sự linh hoạt sáng tạo của đội ngũ lãnh đạo. Có thể điều chỉnh phân công nhiệm vụ cho giáo viên từ đầu năm, ưu tiên số lượng giáo viên dôi ra cho khối lớp 1; có thể lập kế hoạch phụ đạo lớp học vào thứ 7 và một số buổi thứ hai trong tuần.

Nếu ở đơn vị có nhiều học sinh trong “diện đặc biệt” thì nên hợp đồng 1 giáo viên phù hợp để dạy lớp học này.

Với giải pháp này thì ngay từ đầu năm phải có kế hoạch chi tiêu nội bộ, đầu tư cho nội dung này kết hợp vối việc vận động công tác "xã hội hóa" giáo dục để trả chi phí hợp đồng giáo viên”.

Dạy thật, đánh giá và báo cáo thật, là biện pháp đơn giản nhất để nâng cao chất lượng giáo dục mà bất cứ cơ sở giáo dục nào cũng làm được.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là tấm gương tiên phong về nhìn nhận khách quan chất lượng lớp 1, có chỉ đạo kịp thời, hợp lòng người, nên chăng các địa phương khác nên học tập.

Nguồn https://giaoduc.net.vn