Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cô Mỷ “nối tương lai” cho trẻ vùng cao


Đến với nghề giáo cũng bởi chữ duyên, song cô giáo trẻ người Mông tên Giàng Thị Mỷ đã yêu và say nghề lúc nào chẳng hay.

Cô Mỷ (ngoài cùng bên phải) cùng đám trò nhỏ nhặt rau, chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mỷ bền bỉ kêu gọi sự chung tay của các tổ chức thiện nguyện khắp mọi miền với ước mong đám trò nhỏ không bị “đứt” học, để tương lai được tươi sáng hơn…

Yêu lúc nào… chẳng hay

Sau khi tốt nghiệp THPT, thiếu nữ dân tộc Mông - Giàng Thị Mỷ (SN 1995) đứng trước rất nhiều lựa chọn. Cô theo ngạch sư phạm mầm non như một giải pháp “tình thế”, rồi đem lòng yêu nghề, mến trẻ từ lúc nào cũng chẳng hay.

Năm 2017, rời Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, Mỷ thi đỗ viên chức và nhận công tác tại Trường Mầm non Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Có lẽ đó là may mắn, cũng là cơ duyên với thiếu nữ nhỏ nhắn, xinh xắn này.

“Xã Sin Suối Hồ chính là quê hương của em. Về nhận công tác tại đây em rất vui, vì ít nhiều cảm thấy mình có cơ hội đóng góp nhỏ bé cho quê hương mình. Thế hệ của chúng em, nhiều bạn ở bản, gia đình khó khăn, chẳng được học hành đến nơi đến chốn, cuộc sống vất vả, lam lũ. Em cũng chỉ muốn mang chút đóng góp nhỏ bé của mình để các cháu đỡ khổ hơn”, cô Mỷ bộc bạch.

“Tuy mới vào nghề, nhưng cô Mỷ luôn thể hiện rất rõ tình yêu nghề, mến trẻ. Trong công việc thì cô rất nhiệt tình, hăng hái và hết lòng dạy dỗ con trẻ”, bà Phạm Thị Thao, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sin Suối Hồ cho biết.

Gần 5 năm kể từ ngày bước vào nghề nuôi dạy trẻ cũng là ngần ấy thời gian cô Mỷ gắn bó, dành trọn tình yêu thương cho trẻ nhỏ vùng cao biên giới. Năm nay, cô Mỷ xung phong vào điểm trường ở bản Hoàng Trù Văn cách trung tâm xã hơn 20 km. Đây là điểm bản xa và khó khăn nhất của huyện. Tại điểm bản mới này, mọi điều kiện vật chất còn thiếu thốn trăm bề.

Đến điểm trường mới này, cô Mỷ chấp nhận sống cảnh xa nhà, xa trường. Con gái cô là Giàng Thị Yến Nhi bước sang tuổi thứ 7, cũng cần người dạy bảo, chăm sóc mỗi ngày. Song cô đành gửi lại ở trung tâm xã nhờ bố mẹ nuôi dưỡng.

“Em chỉ có thể về nhà thăm con vào dịp cuối tuần thôi, vì nơi đây cách nhà tận hơn 20 km cơ. Trời tạnh ráo còn đi lại được. Những khi mưa xuống, đường lầy lội thì chẳng có cách nào khác ngoài đi bộ để trở về nhà”, cô Mỷ tâm sự.

Xa gia đình, xa con, song ở trường cô có tới 25 người “con” (17 học sinh mầm non và 8 học sinh tiểu học sang ăn cơm cùng) để quây quần, chăm sóc và vui đùa mỗi ngày. Trước giờ tan học, khi Mặt trời khuất sau dãy núi, cô Mỷ lại lủi thủi một mình trong đêm cô quạnh. Nhưng gần đây cô bớt cô đơn bởi buổi tối Giàng Xa Mông (3 tuổi), Giàng A Phềnh (4 tuổi), Giàng A Xà (6 tuổi) và Lý A Ly (6 tuổi) ở lại trường với cô luôn.

“Ở đây phụ huynh cũng chẳng quan tâm lắm đến việc học của con đâu ạ. Cô giáo có đến gọi thì họ cho con đi học, hoặc con tự đi. Có những em mới có 3, 4 tuổi mà hàng ngày cứ lẽo đẽo tự đi bộ, vượt đến hơn 4 cây số đường rừng để đến trường. Con có đi thì tự đi chứ bố mẹ cũng chẳng có đưa đón gì đâu ạ. Vì nhà quá xa nên có mấy em ở lại trường ăn cùng cô. Buổi tối ngủ cùng cô luôn để ngày mai lại học tiếp”, cô Mỷ vui vẻ tâm sự.

Vừa dạy học, vừa tranh thủ phơi cá khô do các đoàn gửi lên để dự trữ cho trẻ ăn dần. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Để các con không bị đứt học…

Thấy các điểm bản còn khó khăn, thiếu thốn, cô Mỷ trăn trở mãi. Và rồi cô tìm đến địa chỉ thiện nguyện khắp mọi miền để kêu gọi sự chung tay giúp đỡ.

Năm ngoái, cô cùng với cô giáo Nguyễn Thị Thanh ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Sin Suối Hồ kêu gọi được hơn 1 tỷ đồng từ một tổ chức thiện nguyện tận Thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng 2 nhà lớp học tại điểm trường Sàng Mà Pho, xã Sin Suối Hồ. Công trình trên đã thay thế những nếp nhà tranh tre dột nát ngày trước, giúp cho học sinh có được cơ sở học tập khang trang, sạch đẹp hơn.

“Ngoài dạy học, cô Mỷ còn hăng say trong các chương trình thiện nguyện, được đồng nghiệp đánh giá cao. Trước kia, điểm bản Hoàng Trù Văn do quá xa xôi, chưa có một tổ chức, cá nhân nào tham gia ủng hộ. Nhưng kể từ khi cô ấy vào nhận công tác, cô đã kêu gọi được rất nhiều đoàn đến ủng hộ, chia sẻ. Điều này đã giúp cho học sinh có điều kiện thuận lợi để học tập”, bà Phạm Thị Thao cho biết.

Lớp học ghép ở điểm bản Hoàng Trù Văn của cô Mỷ có 17 học sinh mầm non ở các độ tuổi từ 3 - 5 tuổi. Song hàng ngày cô lại là người mẹ thứ hai khi thực hiện “nhiệm vụ” chăm lo cho 25 “người con”. Trong đó có 8 học sinh tiểu học. Cô vừa dạy học, vừa chăm lo đến từng bữa ăn, giấc ngủ cho các con nên chúng chỉ muốn đến trường.

“Bố mẹ các cháu đã chẳng quan tâm rồi, lên lớp các cháu cũng chẳng có gì ăn. Thế là em kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ. Họ cho gì thì em lấy cái đó, từ chăn, màn, sữa, đường, gạo, mì tôm, đồ ăn… Năm nay phấn khởi là có một nhóm thiện nguyện họ ủng hộ thức ăn cho cả năm học. Học sinh các con đi học chỉ phải mang theo cặp lồng cơm do bố mẹ chuẩn bị từ nhà, còn thức ăn thì cô giáo đun nấu cho”, cô Mỷ bộc bạch.

“Năm nay có hơn chục đoàn từ thiện người ta cho rất nhiều quà cho các con. Chúng em phấn khởi lắm. Học sinh cũng thích đến trường vì có thức ăn ngon, được cô chăm sóc và dạy dỗ. Vừa rồi, thấy quà nhiều quá nên em mới bảo các đoàn là em nhận hết, song cứ gửi dần lên thôi, chứ gửi ngay một lúc, các con không ăn hết, nó hỏng mất đồ thì rất lãng phí. Em cũng kết nối để một số đoàn họ san sẻ cho các điểm bản khác còn khó khăn hơn trong huyện”, cô Mỷ nói thêm.

Chia sẻ về quyết định vào điểm bản vùng sâu, vùng xa công tác, cô Mỷ cho biết: “Tôi còn trẻ mà, đây lại là quê hương của mình nữa. Tôi muốn mang con chữ đến nhiều trẻ em dân tộc thiểu số còn khó khăn chưa được đi học, góp phần xóa nạn mù chữ ở vùng cao”.

Hoàng Trù Văn là điểm bản nghèo khó. Ở đây không có điện, không có sóng điện thoại…, đời sống nhân dân khó khăn, sự quan tâm đến việc học hạn chế. Để đưa được con chữ đến với những đứa trẻ ở đây không phải là điều dễ dàng. Làm được điều này cần phải có tình yêu thương, sự kiên trì và dũng cảm của đội ngũ giáo viên cắm bản như cô Mỷ.

Hơn ai hết, những nhà giáo như cô Mỷ luôn nỗ lực không biết mệt mỏi chỉ với mong ước đơn giản là để các con không bị “đứt học”.

Nguồn https://giaoducthoidai.vn