Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trò chơi dân gian thời smartphone: “Công cụ” giáo dục nhân cách


 

Không chỉ khiến con người vui vẻ, hòa nhập và gần gũi, trò chơi dân gian còn chứa đựng những nét đẹp văn hóa.

Trò chơi dù dân gian hay hiện đại cũng đều mang lại giá trị như nhau. Ảnh minh họa

Bên cạnh hoạt động biểu diễn, văn hóa văn nghệ, ẩm thực, các môn thể thao dân tộc…, trò chơi dân gian luôn là điểm nhấn hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của giới trẻ.

Trò chơi dân gian là “phương tiện” giúp trẻ hình thành nhân cách và kỹ năng. Tuy nhiên, ở xã hội hiện đại, trò chơi dân gian đang ngày càng nặng về tính hình thức, thực dụng. Từ đó, khiến những điều vốn dĩ thân thuộc bỗng trở nên lạ lẫm đối với trẻ.

Thứ không thể thiếu

Trò chơi dân gian có nhiều thể loại và phù hợp với sở thích của nhiều lứa tuổi. Mỗi trò chơi đều có luật riêng và mang những sắc thái khác nhau. Trò chơi dân gian giúp người tham gia rèn luyện thể lực, nhanh nhẹn, khéo léo, cũng như phát huy tinh thần đoàn kết, tôn trọng kỷ luật. Đồng thời, đó cũng là chất keo gắn kết cộng đồng.

Trong nghiên cứu “Sử dụng trò chơi dân gian nhằm hình thành biểu tượng số lượng cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi”, Ths Mã Thanh Thuỷ và Ths Nguyễn Thị Triều Tiên - Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho biết:

“Cùng với sự phát triển của công cuộc “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đất nước, nhiều trò chơi của trẻ được thay thế bởi những “cỗ máy” hiện đại, cầu kỳ, với đầy đủ các chức năng, màu sắc sặc sỡ, bắt mắt, các trò chơi trên máy vi tính… Chính vì lẽ đó mà trò chơi dân gian dần bị mai một theo sự phát triển của nền công nghiệp hiện đại, kỹ thuật tiên tiến”.

Tuy nhiên, theo hai chuyên gia giáo dục này, cuộc sống trẻ em không thể thiếu những trò chơi. Theo đó, trò chơi dân gian không đơn thuần là của trẻ, mà còn chứa đựng nền văn hóa dân tộc Việt Nam độc đáo và giàu bản sắc. Trò chơi dân gian giúp trẻ phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, sự khéo léo, hiểu về tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước.

“Trò chơi dân gian là một hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc của mỗi dân tộc. Không dân tộc nào không có những trò chơi riêng cho con em mình. Trò chơi dân gian trẻ em là một loại hoạt động văn hóa được lưu truyền từ vùng này sang vùng khác, đời này sang đời khác, nhằm thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí và giáo dục trẻ em một cách tinh tế, nhẹ nhàng”, các chuyên gia cho biết.

Có thể kể tới một số trò chơi dân gian trẻ em được lưu truyền rộng rãi tại nước ta: Ô ăn quan, đá cầu, bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, trốn tìm, cướp cờ, tập tầm vông…Theo hai chuyên gia này, dưới góc độ giáo dục, các trò chơi dân gian có thể được chia thành bốn nhóm chính: Nhóm trò chơi vận động giúp phát triển sức khỏe, thể chất như bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây…; Nhóm trò chơi học tập nhằm tập cho trẻ cách quan sát, tính toán như các loại cờ, ô ăn quan, giải đố…; Nhóm trò chơi sáng tạo giúp trẻ phát triển trí tưởng tượng, sự khéo léo và khiếu thẩm mĩ như làm con vật từ lá cây, nặn đất…; Nhóm trò chơi mô phỏng hành động của người lớn như xây nhà, mua bán…

Nội dung của trò chơi dân gian thường vui tươi, phong phú, phản ánh những hiện tượng đơn giản trong cuộc sống, gần gũi với trẻ. Bên cạnh đó, trò chơi cũng có tên gọi hấp dẫn, vai chơi tự nguyện, phù hợp với nhu cầu về thể lực, trí tuệ của trẻ. Đồng thời, kết quả chơi có yếu tố bất ngờ và luật chơi khá đơn giản. Nhờ đó, giúp trẻ dễ nhớ, dễ thuộc.

Trong khi đó, dụng cụ đi kèm trong trò chơi dân gian cũng không đòi hỏi sự đầu tư kinh phí. Người chơi có thể tận dụng những đồ dùng, phế liệu, nguyên vật liệu, vật dụng có sẵn. Và, một món đồ có thể sử dụng trong nhiều trò khác nhau. Bởi những ưu điểm này, trò chơi dân gian có thể dễ dàng được tổ chức ở mọi nơi, mọi lúc, ít bị gò bó bởi quy định nghiêm ngặt. Người tham gia có thể chơi một mình hoặc theo nhóm. Đây là lý do khiến trò chơi dân gian có tính linh hoạt rất cao và tiện ích. Thậm chí, những khu vực hẹp, ít đồ chơi cũng có thể diễn ra trò chơi dân gian.

 

Trẻ có thể cải thiện kiến thức qua trò chơi dân gian. Ảnh minh họa

Học qua trò chơi dân gian

Theo Ths Thuỷ và Ths Tiên, trò chơi dân gian có tác động mạnh mẽ đến trẻ em. Đồng thời, là phương tiện giáo dục nhân cách toàn diện. Thông qua trò chơi dân gian, trẻ có thể phát triển nhận thức, nhận biết được đặc điểm, tính chất của các sự vật hiện tượng xung quanh. Quan trọng hơn, trò chơi dân gian còn được coi là cách thức giúp trẻ củng cố, tổng hợp, so sánh, nhận biết số lượng.

“Cùng tên một trò chơi, nhưng nếu được vận dụng vào hoạt động cho trẻ làm quen với toán, nó có thể được chơi theo cách riêng, không dập khuôn”, nghiên cứu nhấn mạnh.

Ví dụ: Trong trò chơi “Rồng rắn lên mây”, thông thường, trẻ sẽ được vận động chạy, đuổi bắt người làm đuôi. Tuy nhiên, khi áp dụng vào hoạt động hình thành biểu tượng số lượng, trò chơi có thể thêm một số chi tiết. Các chuyên gia gợi ý, lúc đoàn làm rắn đến tìm hỏi: “Ông chủ có ở nhà không?”, bà chủ sẽ trả lời: “Muốn gặp ông chủ thì phải trả lời câu hỏi của tôi, ai trả lời đúng thì được”. Câu hỏi đó có thể là: “Bức tranh của tôi có mấy cây kẹo?”; “Lắng nghe tôi gõ mấy tiếng?”; “Trên tay tôi cầm bao nhiêu hạt đậu?”…

Bên cạnh đó, theo các nhà nghiên cứu, trẻ có thể phát triển ngôn ngữ thông qua trò chơi dân gian. Bởi, những trò chơi này sẽ cung cấp, bổ sung cho trẻ vốn từ và phát triển ngôn ngữ mạch lạc. Tùy vào tính chất của trò chơi dân gian, trẻ sẽ có cơ hội phát triển vận động tinh, sự khéo léo của đôi tay. Một số trò chơi mang lại lợi ích này bao gồm: Ô ăn quan; Banh chuyền; Tập tầm vông... Trong khi đó, không ít trò chơi giúp trẻ phát triển vận động thô như đi, chạy, giữ thăng bằng, bò, trườn, trèo, tung, ném bắt, bật nhảy... Có thể kể tới một số trò chơi cụ thể như: Rồng rắn lên mây; Đá cầu; Rút cờ…

“Khi tham trò chơi, trẻ sẽ được hát hoặc đọc các câu vè tương ứng với từng trò chơi nếu có. Ngoài ra, khi chơi, trẻ sẽ cảm nhận và mong muốn tạo ra cái đẹp khi được làm, chọn lựa những vật liệu để chơi. Ví dụ, trong trò chơi “5 hòn”, trẻ sẽ lựa chọn cho mình những hạt sỏi tròn và đẹp nhất để chơi”, hai chuyên gia giáo dục cho biết.

Không chỉ vậy, trò chơi dân gian còn là “công cụ” giúp trẻ phát triển tình cảm xã hội. Bởi, những trò chơi như vậy là điều kiện để trẻ gắn bó môi trường tự nhiên. Từ đó, giúp các em sớm làm quen với những mối quan hệ tương tác giữa thiên nhiên. Và, khi hiểu hơn, trẻ sẽ yêu quý, dễ hình thành trách nhiệm với môi trường. Bên cạnh đó, chỉ khi chơi các trò chơi tập thể, trẻ mới có thể xây dựng tính đoàn kết, biết cách sẻ chia.

 

Ảnh minh họa/INT

Trẻ thành phố cũng có thể chơi trò chơi dân gian

Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, trò chơi từ dân gian đến hiện đại đều có rất nhiều hình thức, từ tập thể đến cá nhân, từ trò động tới tĩnh… Vì vậy, suy nghĩ cho rằng, trẻ ở thành phố không thể chơi các trò chơi dân gian được cho là hoàn toàn sai lầm.

“Vấn đề chỉ là chúng ta có muốn chơi với trẻ, có thể thu xếp thì giờ để chơi, chơi một cách vui vẻ thoải mái tự nhiên như trẻ hay không mà thôi! Khi đã muốn, đã thích, ta sẽ tìm kiếm, chọn lựa những trò chơi thích hợp để chơi với con tại gia đình”, chuyên gia khẳng định.

Theo ông Lê Khanh, điều quan trọng nhất là trẻ sẽ có được niềm hãnh diện khi tham gia trò chơi dân gian cùng cha mẹ. Bởi, khi đó, trẻ sẽ cảm nhận rằng, con là người Việt, con tham gia trò chơi Việt mà trước đây ông bà, bố mẹ từng chơi.

“Đó chính là giá trị lớn nhất mà trò chơi dân gian đem lại cho các em - những công dân Việt Nam tương lai, dù có thể ngay lúc đó, các em không ý thức được”, ông Khanh nhận định.

Theo chuyên gia này, trò chơi của trẻ ở bất cứ đâu cũng có giá trị và chất lượng như nhau. Bởi, dù là trò chơi ở phương Tây cũng sẽ như nước ta. Đó là, chúng đều đem lại cho trẻ niềm vui và sự tự tin.

“Vì thế, trò chơi dân gian và cả những giá trị sống qua các câu ca dao tục ngữ, nếu so sánh với những trò chơi phát triển trí tuệ và kỹ năng của phương Tây hay hiện đại thì không thua kém. Nếu đứng về phương diện tinh thần, nó lại có những giá trị mà các trò chơi hiện đại không thể có được”, chuyên gia Lê Khanh chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Khanh cho rằng, như nhiều giá trị và di sản văn hóa của cha ông truyền lại, trò chơi dân gian cũng đang bị “màu mè hóa”, “hội chợ hóa” bằng những “tổ chức”, “phong trào” mang nặng tính hình thức. Thậm chí, sự xuất hiện của những lễ hội “đến hẹn lại làm” thừa tính “thực dụng” khiến những trò chơi vốn dĩ rất gần gũi với trẻ em bỗng trở nên xa lạ.

“Vì vậy, trách nhiệm của các bậc cha mẹ ngày nay ngày càng nặng nề hơn. Và, những hiểu biết về các loại trò chơi là một điều có khả năng hỗ trợ cho việc giáo dục con em rất nhiều”, ông Lê Khanh nhấn mạnh.

Nguồn https://giaoducthoidai.vn