Viêm mũi họng ở trẻ em: Cẩn trọng khi dùng thuốc
Việc dùng thuốc ở trẻ em có sự khác biệt so với người lớn, vì vậy cần cẩn trọng khi dùng thuốc khi trẻ bị bệnh nói chung và trong viêm mũi họng nói riêng...
Viêm mũi họng là bệnh thường gặp, nhất là khi thay đổi thời tiết, thời tiết lạnh, hoặc ô nhiễm không khí... Viêm mũi họng có thể do virus hoặc vi khuẩn gây ra. Nếu không điều trị đúng cách có thể gây các biến chứng như: viêm tai giữa cấp, viêm xoang cấp, viêm thanh quản cấp, viêm phổi, viêm hạch và áp-xe hạch vùng cổ, áp xe thành sau họng... Các thuốc sau thường dùng để trị triệu chứng của viêm mũi họng ở trẻ:
Dùng paracetamol để hạ sốt
Khi trẻ sốt trên 38,5 độ C, nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Thuốc hạ sốt thường dùng là paracetamol. Cần dùng đúng liều trong hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Không được tự ý tăng hay giảm liều (vì nếu tăng sẽ dẫn đến ngộ độc thuốc, nhất là với trẻ nhỏ, còn nếu giảm thì thuốc không đủ hiệu lực để hạ sốt).
Lưu ý, trên thị trường có nhiều sản phẩm có chứa cùng hoạt chất paracetamol, và ở các dạng dùng khác nhau. Vì vậy, khi dùng bất cứ dạng thuốc nào cần đọc kỹ xem trong thành phần có chứa paracetamol hay không, để tránh dùng trùng lặp thuốc, gây quá liều. Việc quá liều thuốc sẽ gây độc cho gan.
Dùng thuốc cho trẻ nhỏ cần hết sức thận trọng
Thuốc chống ngạt, tắc mũi
Nhỏ nước muối sinh lý 0,9%. là biện pháp đơn giản, hiệu quả sẽ giúp làm trôi các dịch mũi ra ngoài làm cho mũi thông thoáng, dễ thở. Sau đó có thể nhỏ các thuốc như sulfarin, ephedrin... Có thể dùng dạng nhỏ hoặc xịt (trẻ nhỏ dùng loại có nồng độ thấp). Không dùng quá 7 ngày liền và không nên dùng cho trẻ dưới 3 tuổi.
Thuốc co mạch naphazolin cũng hay được sử dụng để chống ngạt mũi nhưng không dùng cho trẻ dưới 6 tuổi. Trẻ em từ 6-12 tuổi, dùng dung dịch 0,025% hoặc 0,05% (dưới sự theo dõi của thầy thuốc). Nhỏ 1-2 giọt hoặc xịt vào lỗ mũi, 4-6 giờ một lần nếu cần. Trẻ trên 12 tuổi, dùng dung dịch 0,05%. Thời gian dùng không nên quá 3-5 ngày. Không được dùng quá liều có thể gây ngộ độc thuốc như gây ức chế hệ thần kinh trung ương.
Thuốc trị ho
Ở điều kiện sinh lý bình thường, ho là một phản xạ có tính bảo vệ cơ thể. Chính nhờ các phản xạ ho này, giúp làm sạch đường thở, tống xuất đàm, dịch tiết hoặc vật lạ lọt vào đường hô hấp, giúp nhung mao hô hấp hoạt động tốt. Có nhiều kiểu ho khác nhau như ho khan và ho đờm. Vì vậy, cần căn cứ vào tính chất ho để chọn thuốc ho cho phù hợp.
Nếu ho gây tăng tiết đờm thì cần dùng thuốc ho long đàm, để tống đờm dãi ra ngoài như acetylcystein, bromhexin, hoặc thuốc long đờm làm dịu cơn ho như guaifenesinn (giúp giảm độ nhày của đàm nhớt, làm dễ khạc đàm), siro thảo dược...; Nếu ho khan có thể dùng dextromethorphan (không được sử dụng cho trẻ bị hen và sử dụng thận trọng với trẻ bị dị ứng có thể làm trầm trọng thêm bệnh)...
Cần lưu ý, không phải các thuốc trên được dùng cho tất cả các trẻ. Tùy theo độ tuổi của trẻ, hoặc là những bệnh đi kèm, mà trẻ chỉ được dùng thuốc này mà không được dùng thuốc kia. Cần đọc kỹ phần chống chỉ định của thuốc và những chú ý, thận trọng khi dùng thuốc để biết được điều này. Thuốc dùng thường theo lứa tuổi, hay trọng lượng cơ thể, nên nhất thiết phải dùng đúng liều lượng.
Ngoài ra, có thể dùng các bài thuốc dân gian như quất hồng bì ngâm đường phèn, lá hẹ hấp đường phèn, nước tỏi ngâm mật ong... cũng có tác dụng chữa ho rất tốt ở trẻ em.
Thuốc kháng sinh
Vì phần lớn viêm mũi họng ở trẻ là do virus vì vậy không dùng kháng sinh trong trường hợp này. Chỉ nên dùng thuốc kháng sinh khi có biến chứng, hoặc có bội nhiễm gây chẩy mũi mủ đặc xanh theo chỉ định của bác sĩ. Hiện trên thị trường có rất nhiều loại kháng sinh được dùng để trị viêm mũi họng ở trẻ do vi khuẩn hoặc do bội nhiễm. Khi trẻ được kê đơn dùng thuốc kháng sinh, người chăm sóc trẻ cần cho trẻ uống thuốc theo hướng dẫn, đúng liều, đủ thời gian quy định... Tránh tự ý ngừng thuốc khi thấy bệnh thuyên giảm, làm cho bệnh không khỏi dứt điểm mà còn gây tình trạng kháng thuốc nguy hiểm cho chính bản thân trẻ và cộng đồng...
DS. Hoàng Thu Thủy
Nguồn https://suckhoedoisong.vn
|