Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Hậu quả khi bố mẹ quá 'hồn nhiên' trước mặt con cái


 

Vừa đi học về, Nguyễn Bảo Châu, 10 tuổi, nhìn thấy mẹ không mặc quần áo, đi từ nhà tắm ra. Cô bé hét lên rồi chạy vào phòng, đóng sầm cửa lại.

 

Đó không phải lần đầu tiên Bảo Châu thấy người lớn không mặc đồ. Mọi chuyện diễn ra từ giữa năm 2020, khi gia đình cô bé chuyển ra ở riêng ở quận Đống Đa, thay vì sống chung với ông bà nội.

Nhà tắm nhỏ nên bố mẹ Bảo Châu không thích thay đồ trong đó, chỉ quấn khăn tắm vào phòng ngủ mặc quần áo sau. Nhiều lúc, họ còn không che chắn gì dù phòng con gái ở ngay đối diện.

Châu biết "ai cũng phải mặc quần áo" nên tức giận khi bố mẹ "cư xử xấu hổ" như thế. Nhưng nói mãi mà bố mẹ vẫn chỉ coi đó là "lời trẻ con" nên cô bé chuyển sang cáu giận, thể hiện qua hành vi đóng sập cửa phòng. Bên cạnh đó, cô luôn luôn mặc quần áo dài, kể cả khi trời nóng 40 độ.

Bố mẹ Châu nghĩ con "có vấn đề" nên đưa cô bé đến gặp một chuyên gia tâm lý ở quận Thanh Xuân. Khi chuyên gia tâm lý đề cập đến việc người lớn quá "hồn nhiên" ở nhà, bố mẹ Châu đáp: "Chuyện đó là bình thường, đâu có gì nghiêm trọng".

Ở tuổi 22, Vũ Thu Phương mới tốt nghiệp đại học, diện mạo cao ráo và ưa nhìn. Thế nhưng, cô không dám yêu ai vì cứ gần gũi với bạn khác giới là Phương lại nhớ lại cảnh tượng bố mẹ "làm chuyện ấy".

Hồi nhỏ, Phương ở cùng bố mẹ trong căn hộ tập thể rộng 30 m2, chỉ có một phòng ngủ. Mỗi tuần, lại có 2-3 đêm cô bé mất ngủ vì bố mẹ "làm ồn". Chưa hiểu chuyện, Phương chỉ biết trùm chăn kín mít và bịt tai.

Lên cấp hai, gia đình Phương chuyển chỗ ở. Bố mẹ không còn ngủ chung với con gái nhưng tường nhà mỏng, họ lại không bao giờ đóng cửa phòng, khiến Phương đôi lúc vẫn giật mình tỉnh giấc. Nói thẳng với mẹ "đừng làm ồn nữa", Phương nhận được câu trả lời: "Sau này con lớn cũng thế thôi".

Gia đình vẫn hòa thuận, Phương vẫn yêu thương bố mẹ nhưng sự "hồn nhiên" của họ khiến cô cảm thấy khó chịu trong chính ngôi nhà của mình. Càng lớn, Phương càng hay nhớ đến những gì đã chứng kiến, "rõ ràng về cả hình ảnh lẫn âm thanh". Cô sợ động chạm với bạn trai, không cho đối phương nắm tay vì "thấy ghê". Tự nhận thấy bản thân không ổn, Phương quyết định đi trị liệu tâm lý ở một phòng khám trên đường Hồ Đắc Di.

 

 

Ảnh: hearstapps.

Như các nước Á Đông khác, người Việt thường ngại thể hiện tình cảm riêng tư song không phải ai cũng vậy. Theo tiến sĩ tâm lý Đặng Hoàng Ngân, giảng viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia (Hà Nội), bố mẹ quá "hồn nhiên" trước mặt con có thể do không ý thức được ranh giới riêng tư. Họ không nghĩ rằng hành vi thân mật của mình đang "gây ảnh hưởng xấu tới tâm trí" người khác mà cụ thể ở đây là những đứa trẻ.

"Hành vi đó không phụ thuộc vào độ tuổi, thời đại hay nền văn hóa", tiến sĩ Ngân lưu ý. Thực tế, ở những các nước phương Tây vốn nổi tiếng "thoáng", các phụ huynh cũng không bao giờ suồng sã trước mặt con.

Cũng có khi bố mẹ đã cố ý tứ mà vẫn vô tình để con cái chứng kiến cảnh tượng nhạy cảm, chủ yếu do văn hóa ngủ chung. Thạc sĩ tâm lý Lã Linh Nga, giám đốc Trung tâm Tâm lý - giáo dục PPRAC (Hà Nội) nhận định ở Việt Nam, ngay cả những gia đình khá giả có nhà rộng rãi vẫn thích cả bố mẹ lẫn con cái ngủ chung cho vui. Bên cạnh đó, một số phụ huynh, nhất là các bà mẹ, muốn giữ con cạnh mình nên không để đứa trẻ ở phòng riêng.

Đã chung phòng, bố mẹ Việt lại hay tưởng rằng con đã ngủ mà thoải mái gần gũi nhau. "Kể cả khi đã ngủ, đứa trẻ vẫn có thể tỉnh dậy giữa chừng", bà Nga nói. Bên cạnh đó, nhiều bé có trí nhớ rất tốt, ghi nhớ được chuyện xảy ra từ hồi mới 2-3 tuổi chứ không phải nhìn rồi quên ngay như một số phụ huynh lầm tưởng.

Việc bố mẹ "hồn nhiên" trước mặt con cái có thể gây ra nhiều hệ quả khác nhau, tùy đứa trẻ. "Có bé không ảnh hưởng mấy. Có bé ý thức hơn về sự riêng tư, phép lịch sự. Cũng có bé chuyển sự xấu hổ trong tâm trí sang xấu hổ về cơ thể của mình", bà Ngân cho biết. Trường hợp của Bảo Châu, mặc áo quần "kín như bưng" chính là để che đi nỗi xấu hổ về bố mẹ và bản thân.

Bị "in" vào đầu những hình ảnh nhạy cảm của bố mẹ, đứa trẻ lớn lên có nguy cơ gặp khó khăn trong các mối quan hệ tình cảm như Thu Phương. Khi còn nhỏ, trẻ không cắt nghĩa được cảnh tượng đã thấy, chỉ coi đó như thước phim. Lớn lên, bắt đầu vào độ tuổi dậy thì, chúng sẽ nhớ lại và hiểu ra. Chuyên gia Lã Linh Nga từng tiếp nhận các trường hợp vì lỡ thấy bố mẹ âu yếm quá mức mà sợ động chạm và quan hệ tình dục, thậm chí tuyên bố không kết hôn.

Đặc biệt, nếu thường xuyên chứng kiến sự thân mật quá đà của bố mẹ đi kèm cảm giác thiếu quan tâm và tình thương, đứa trẻ sẽ tăng thêm cảm xúc tiêu cực với người lớn, trở nên ghét bố mẹ hay không muốn về nhà.

Những ảnh hưởng của việc bố mẹ quá "hồn nhiên" trước mặt con không bộc phát ngay mà tích tụ lại, sau này mới lộ rõ nên tốt nhất, phụ huynh cần kiểm soát hành vi của mình. Tiến sĩ Ngân khuyến cáo bố mẹ hãy thể hiện cử chỉ yêu thương ý nhị với nhau trước mặt con như trước mặt một đứa trẻ xa lạ. Như vậy đủ yêu thương cho bố mẹ mà đủ tôn trọng trẻ em.

Thạc sĩ Nga thì khuyên người lớn tìm hiểu con cảm thấy thế nào về việc bố mẹ bày tỏ tình cảm với nhau bằng cách gợi vấn đề trong các buổi nói chuyện về giới tính. Hãy xem trẻ vô tư hay khó chịu, nếu khó chịu thì khó chịu về điều gì. Trường hợp trẻ khó chịu chỉ vì bố mẹ ôm hôn nhau, phụ huynh hãy giúp trẻ hiểu rằng đây là chuyện bình thường giữa những người thân thiết trong gia đình.

Nhỡ con nhìn thấy bố mẹ "làm chuyện ấy", bố mẹ không nên quát mắng, giận dữ trẻ bởi nếu không, trẻ sẽ tin chuyện bố mẹ đang làm là đáng xấu hổ. Thay vào đó, hãy cư xử tùy theo độ tuổi của trẻ. Cụ thể, đối với trẻ dưới ba tuổi, bố mẹ không cần giải thích mà hãy xoa dịu trẻ rằng bố mẹ đang yêu thương nhau, tránh trẻ tưởng rằng bố làm mẹ đau. Với trẻ lớn hơn, bố mẹ có thể giải thích "bố mẹ là người lớn, yêu nhau nên thể hiện tình cảm với nhau".

Lưu ý, bố mẹ hãy chọn chỗ kín đáo, riêng tư khi thân mật. Điều này cũng giúp trẻ học được cách tôn trọng ranh giới của mỗi người.

 

Nguồn VNE