Bồi đắp trí tuệ cảm xúc cho trẻ Trí tuệ cảm xúc (EQ) là khả năng thể hiện và quản lý cảm xúc cá nhân, tôn trọng người khác. Trẻ có thể bồi đắp EQ từ khi mới biết đi.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà nghiên cứu chỉ ra sở hữu trí tuệ cảm xúc cao là tài sản vô giá. EQ cao liên quan trực tiếp đến IQ cao. Nghiên cứu cho thấy trẻ sở hữu EQ cao hoàn thành tốt và thường đạt điểm cao bài kiểm tra tiêu chuẩn. EQ cũng giúp các em quản lý xung đột, hình thành các mối quan hệ sâu sắc. Người sở hữu EQ cao từ thời thơ ấu có nhiều khả năng thành công hơn khi trưởng thành. Nghiên cứu kéo dài 19 năm được công bố trên Tạp chí Y tế công cộng Mỹ cho thấy những trẻ có EQ cao có nhiều khả năng lấy bằng đại học, nhận được công việc ổn định vào năm 25 tuổi. Khi trưởng thành, các em cũng ít mắc bệnh trầm cảm và bệnh tâm thần khác. Dưới đây là năm bước giúp trẻ phát triển trí tuệ cảm xúc. 1. Gọi tên cảm xúc cá nhân Trẻ sở hữu EQ cao có khả năng nhận biết và biểu đạt cảm xúc cá nhân. Cha mẹ có thể giúp con hình thành thói quen này qua việc hướng dẫn gọi tên cảm xúc. Chẳng hạn, khi con đang buồn vì thua trò chơi, bố mẹ có thể nói: "Có vẻ con đang cảm thấy tức giận ngay lúc này phải không?". Nếu trẻ buồn bã, hãy thử hỏi: "Con đang cảm thấy thất vọng vì không được đi thăm ông bà đúng không?". Các tính từ như tức giận, khó chịu, xấu hổ, đau đớn giúp trẻ tích lũy vốn từ để diễn đạt cảm xúc. Dù trẻ đang vui vẻ, đừng quên nhấn mạnh vào những cảm xúc tích cực như vui vẻ, phấn khích, hồi hộp, hy vọng. 2. Thể hiện sự đồng cảm Khi trẻ đang buồn, bố mẹ có xu hướng an ủi, giúp bé lấy lại niềm vui. Nhưng những câu nói có tính chất phủ định như "Đừng buồn nữa", "Có gì đâu mà buồn" khiến trẻ hiểu rằng cảm xúc tiêu cực là sai trái. Cách tiếp cận tốt hơn là đối diện, chia sẻ và đồng cảm với cảm xúc của trẻ. Nếu trẻ khóc vì không được đi chơi mà phải dọn nhà, bố mẹ có thể nói: "Con buồn vì không được làm điều mình muốn. Bố mẹ cũng vậy khi phải làm điều không muốn nhưng chúng ta phải hoàn thành những công việc trước mắt". Khi được bố mẹ đồng cảm, trẻ hầu như không cảm thấy bị ép buộc. Do đó, thay vì la hét, tức giận để biểu đạt cảm xúc, trẻ cảm thấy thoải mái hơn vì được hiểu và chia sẻ.
3. Mô hình hóa cách thể hiện cảm xúc Trẻ cần được dạy cách thể hiện cảm xúc phù hợp trong từng tình huống. Khi con cảm thấy tổn thương, bạn có thể khuyến khích con nói ra, vẽ mặt mếu, nhưng nói không với hành vi la hét, ném đồ đạc. Trẻ cũng nên được dạy kỹ năng đối phó lành mạnh với cảm xúc cá nhân. Chẳng hạn khi tức giận, hãy hướng dẫn trẻ hít thở sâu để lấy lại bình tĩnh. Phương pháp dạy trẻ thường được các chuyên gia khuyến khích là "thổi bong bóng khi tức giận", nghĩa là hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng như động tác thổi bong bóng. 4. Phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề Một phần của việc hình thành EQ cao có liên quan đến học cách giải quyết vấn đề. Sau khi cảm xúc đã được xác định, trẻ cần học cách khắc phục vấn đề. Kỹ năng giải quyết vấn đề có thể hình thành EQ cao vì nếu biết bày tỏ, trẻ cũng cần biết tìm ra giải pháp mang tính xây dựng, để cảm xúc và vấn đề cá nhân không làm ảnh hưởng đến cộng đồng. Ví dụ, trẻ tức giận vì không được chơi điện tử, hãy giúp các em diễn đạt cảm xúc này. Sau đó, khuyến khích nghĩ năm cách để giải quyết vấn đề. Các giải pháp không cần quá hay hoặc chính xác vì mục tiêu ban đầu là giúp trẻ hình thành tư duy giải quyết vấn đề. Với 5-6 giải pháp, trẻ có thể cân nhắc ưu, nhược điểm của từng thứ để chọn ra phương án tốt nhất. Ngoài ra, phụ huynh không nên thay con giải quyết vấn đề mà chỉ nên ở bên hướng dẫn và để trẻ tự giải quyết. Ưu điểm khác của kỹ năng này là trẻ sẽ học được cách đặt mình vào vị trí của người khác. 5. Rèn luyện liên tục Dù sở hữu EQ cao, trẻ vẫn có những thiếu sót cần cải thiện. Vì vậy, hãy biến việc rèn luyện EQ trở thành mục tiêu xuyên suốt quá trình trưởng thành. Khi con còn nhỏ, bạn có thể thảo luận về cảm xúc của nhân vật trong sách truyện, phim ảnh. Khi con lớn hơn, bạn hãy nói về tình huống thực tế như vấn đề thời sự, tin tức.
Nguồn VNE |