Giáo viên mừng rơi nước mắt khi hay tin Bộ Giáo dục đã bỏ chứng chỉ
"Thầy ơi, đọc thông tin mà em rơi nước mắt, những mong chờ của chúng em đã trở thành sự thật."
Ngày 02/02/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT thay thế các Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ ban hành năm 2015 và có hiệu lực thi hành từ 20/ 3/2021.
Theo đó, yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học của giáo viên các cấp, các hạng được điều chỉnh từ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng sang tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ.
Cụ thể, các yêu cầu về ngoại ngữ không còn quy định “cứng” là phải đảm bảo bậc 1 hay bậc 2, bậc 3 như trước đây mà chuyển thành “có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao”.
Yêu cầu về trình độ tin học không còn là đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin mà là “có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ” của giáo viên theo hạng chức danh nghề nghiệp.
Điều này không có nghĩa là yêu cầu về ngoại ngữ, tin học của giáo viên được xem nhẹ hoặc hạ thấp, mà đã được nghiên cứu, điều chỉnh một cách hợp lý để đảm bảo yêu cầu về các năng lực này được quy định hiệu quả và thực chất hơn.
Cùng với việc điều chỉnh quy định về trình độ ngoại ngữ trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo đưa yêu cầu về trình độ ngoại ngữ vào chương trình đào tạo theo khung trình độ quốc gia và chuẩn đầu ra của sinh viên sư phạm.
Đối với giáo viên ngoại ngữ, nỗi lo về “ngoại ngữ 2” không còn làm khó giáo viên nữa, để dành thời gian và tâm huyết cho giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu mới.
Như vậy, chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ từng gây khổ sở cho giáo viên đã chính thức bị bãi bỏ.
Giáo viên mừng rơi nước mắt khi biết tin Bộ đã bỏ chứng chỉ
Là người từng viết bài “Không đủ chứng chỉ giáo viên sẽ bị thu quyết định tuyển dụng, Bộ trưởng có biết?” khi nhận được lời cầu cứu của giáo viên tỉnh Đắk Nông phản ánh đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, người viết đã xúc động khi nghe tâm sự của thầy giáo (đề nghị không nêu tên) nơi miền cao nguyên nắng gió ấy:
"Thầy ơi, đọc thông tin mà em rơi nước mắt, những mong chờ của chúng em đã trở thành sự thật.
Thế là chúng em thoát cảnh bị cái chứng chỉ ngoại ngữ, tin học “gông cùm” rồi thầy ạ.
Không chỉ em, kể cả những giáo viên đã “chạy” được đủ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học họ cũng mừng.
Mừng vì từ nay họ không bị cảm giác dối lừa đè nặng khi sử dụng bằng thật học giả, mừng vì từ nay họ không cảm thấy thẹn lòng với đồng nghiệp chưa có chứng chỉ như chúng em”.
Trên các trang mạng xã hội hôm nay, thông tin được chia sẻ nhiều nhất chính là các Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT.
Chia sẻ của giáo viên trên các cộng đồng mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình)
Việc thực hiện lời hứa của mình trước Quốc hội của đồng chí Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về cam kết sẽ bỏ quy định chứng chỉ tin học, ngoại ngữ được cộng đồng giáo viên khắp mọi miền đất nước hết sức cảm phục.
Phần bình luận của bạn đọc đều dành lời khen tặng “có cánh” cho tư lệnh ngành giáo dục. Có thể nói, việc kịp thời ra văn bản bãi bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ của Bộ là dấu ấn đáng ghi nhớ của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong nhiệm kì của mình.
“Cương vị Bộ trưởng Giáo dục luôn phải đối diện với nhiều áp lực, sóng gió” vì bất cứ một vấn đề nhỏ nào phát sinh trong giáo dục sẽ ảnh hưởng nhanh nhất, rộng nhất, đến toàn xã hội.
Cho dù còn đó những điều chưa được như mong muốn của giáo viên, nhưng những dấu ấn để lại trong suốt gần 5 năm qua của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đối với ngành giáo dục nước nhà là điều không thể phủ nhận được. Chúc Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đón một năm mới hạnh phúc và thành công hơn.
Tài liệu tham khảo:
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-giao-duc-chinh-thuc-bo-yeu-cau-chung-chi-tin-hoc-ngoai-ngu-cho-thay-co-post215431.gd
Nguồn https://giaoduc.net.vn
|