Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dây rốn thắt nút nguy hiểm thế nào?



Biến chứng thai kỳ liên quan đến dây rốn không phải ai cũng nắm được. Trong đó, hiện tượng dây rốn thắt nút, gây nguy hiểm rất lớn đến sự sống của...

 

Biến chứng thai kỳ liên quan đến dây rốn không phải ai cũng nắm được. Trong đó, hiện tượng dây rốn thắt nút, gây nguy hiểm rất lớn đến sự sống của thai nhi.

Theo các số liệu thống kê, tỷ lệ dây rốn thắt nút chiếm 0,3 - 2,2% các trường hợp mang thai và tỷ lệ tử vong của thai nhi gặp phải tình trạng này thường tăng cao gấp 4 lần so với thai bình thường. Khi dây rốn thắt thành 1 nút thắt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình mang thai và chuyển dạ. Khi tình trạng này xảy ra, thai nhi sẽ không cung cấp các dưỡng chất cần thiết.

Dây rốn thắt nút có thể thắt lỏng hoặc thắt chặt, mức độ nguy hiểm sẽ tùy thuộc vào tình trạng thắt nút của dây rốn. Nếu thắt lỏng thì thai sẽ bị ít ảnh hưởng hơn. Ngược lại, dây rốn thắt chặt thì tuần hoàn của thai nhi sẽ bị cản trở, em bé có thể tử vong ngay trong bụng mẹ.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn, rất khó có thể xác định chính xác thời điểm tạo thành hoặc hình ảnh dây rốn thắt nút trong thai kỳ của người mẹ, vì không phải lúc nào vị trí thắt nút cũng thuận lợi cho hình ảnh trên máy siêu âm.

 


Dây rốn thắt nút là một trong những biến chứng thai kỳ nguy hiểm. (Ảnh minh họa)

 

Một số nguyên nhân có thể dẫn đến sự hình thành của dây rốn thắt nút, đó là mẹ lớn tuổi, thai giới tính nam, thai nhỏ, thai hoạt động nhiều, dây rốn dài, nước ối nhiều, đa thai.

Việc chẩn đoán dây rốn thắt nút chủ yếu dựa vào siêu âm thai nhi Doppler màu và siêu âm 4D khi thấy dòng chảy dây rốn quấn thành hình vòng tròn. Tuy nhiên, cần phân biệt với dây rốn thắt nút giả do sự dày lên của Wharton hoặc phù nề mạch máu dây rốn, không gây nguy hại gì cho thai nhi trong thai kỳ và thời kỳ chuyển dạ.

Ở giai đoạn sau, thông qua siêu âm Doppler động mạch rốn, động mạch não giữa thai nhi và đo biểu đồ tim thai có thể giúp phát hiện biến chứng dây rốn thắt nút và suy thai để kịp thời cấp cứu.


Mẹ lơ là ít phút, bé trai suýt mất mạng vì chơi trò thắt dây treo cổ ngay cánh cổng nhà mình

Để làm giảm những biến chứng nguy hiểm của thắt nút dây rốn, các sản phụ nên theo dõi cử động thai mỗi ngày, đặc biệt trong những tuần cuối thai kỳ, đến khám để đánh giá sức khỏe thai nếu phát hiện các dấu hiệu cử động thai ít hoặc yếu, bụng trồi, không tròn.

Việc tuân thủ lịch khám thai định kỳ là điều quan trọng cần thực hiện. Đặc biệt là đối với những thai gần đến ngày dự sinh. Trường hợp may mắn, sản phụ có thể cảm thấy bất thường và khám kịp thời, bác sĩ chẩn đoán chính xác dây rốn thắt nút và quyết định mổ bắt con nhanh chóng.


Khi đã phát hiện dây rốn thắt nút, đa số phải mổ bắt con càng sớm càng tốt trước khi suy thai xảy ra. Nếu thắt nút dây rốn xảy ra trong quá trình chuyển dạ, thai nhi cần được giám sát, đo nhịp tim để phát hiện bất thường của nhịp tim thai. Hầu hết các trường hợp dây rốn thắt nút cần phải sinh mổ, không thể sinh tự nhiên vì nguy cơ rất cao.

Dây rốn thắt nút không có cách chữa cũng như phòng ngừa hiệu quả. Bởi thế việc nhận biết thông qua sự theo dõi cử động thai đóng vai trò quyết định trong công tác cấp cứu dây rốn thắt nút. Đã có rất nhiều trường hợp cấp cứu thành công dây rốn thắt nút song cũng có vô số trường hợp đáng tiếc xảy ra. Bởi thế, thai phụ không nên chủ quan, đặc biệt là trong những tháng cuối thai kỳ.


Theo vtv.vn