Bị phụ huynh “tẩy chay” vẫn theo nghề
Từng bị gia đình phản đối, bị phụ huynh “tẩy chay” nhưng vì yêu trẻ, gần 12 năm thầy đã trải qua những vui buồn của nghề.
Giáo viên dạy trẻ mầm non thường hợp với phụ nữ nhưng vì yêu trẻ nên nhiều thầy giáo đã lựa chọn và gắn bó với nghề.
Ghé thăm lớp học vào đúng giờ chiều, thầy Âu Dương Đăng Khoa, giáo viên (GV) Trường Mầm non Sơn Ca, quận 5, TP.HCM đang tất bật cho các bé ăn xế. Đa phần trẻ đều tự xúc ăn ngon lành, tuy nhiên có bé ăn chậm hơn các bạn nên được thầy Khoa đút để kịp giờ các hoạt động khác. Cách thầy cho trẻ ăn cũng khéo léo như các GV khác.
“Mỹ Đình nói Khoa nghe nè!”
Sau khi ăn xong, dưới sự hướng dẫn của thầy, các con tự dọn, gấp bàn ghế vào chỗ cũ và lấy giỏ thay quần áo.
“Mỹ Đình nói Khoa nghe nè! Mỹ Đình được cô thay đồ rồi nhé!” - giọng nói thỏ thẻ của một cô bé cất lên khiến mọi người đều cười.
Thầy Khoa mỉm cười trìu mến và bảo: “Các bạn nam qua đây Khoa thay đồ nhé. Bạn nào có thể tự thay được càng tốt”. “Các con dễ thương lắm! Lúc nhớ các con sẽ gọi thầy, còn khi thích chỉ gọi Khoa như gọi bạn mình. Và tôi thích điều đó” - thầy chia sẻ.
Đến đón con, chị Nguyễn Thị Đức Hạnh, phụ huynh của bé Đình Nguyên, bày tỏ: “Tôi rất vui khi con được thầy dạy. GV nam dạy trường mầm non, cả TP chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hơn nữa, nghe nhiều phụ huynh kể lại thầy dạy rất giỏi lại có tâm. Vì thế, tôi hy vọng với sức trẻ và phương pháp dạy học đổi mới, thầy sẽ khiến con thích đến trường”.
Chị Hạnh cho biết từ ngày được thầy dạy, bé có sự thay đổi rõ rệt. Bé tự lập hơn, cách nói chuyện và tiếp thu vấn đề cũng khác hơn trước, nhìn con trưởng thành hơn. Đối với phụ huynh, thầy cũng rất thân thiện. Những câu chuyện bé kể về gia đình đều được thầy tâm sự để phụ huynh có sự thay đổi.
Thầy Âu Dương Đăng Khoa cùng với các học trò của mình.
Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Giấu gia đình làm hồ sơ thi ngành mầm non
Nói về tình yêu với nghề, thầy Khoa cho biết hồi năm lớp 9, nhà có nhiều bé nhỏ nhưng không có điều kiện gửi trẻ nên thời gian rảnh, thầy thường giữ giùm. Càng chơi thầy thấy mình hợp với trẻ con. Đến năm lớp 12, khi đăng ký thi đại học, thầy nộp một lúc ba bộ hồ sơ thi vào ngành mầm non.
“Thời điểm đó, chỉ có mẹ là người ủng hộ và động viên tôi theo đuổi đam mê trong khi ba lại phản đối. Tôi chỉ mới nói ý định, ba đã gạt phăng và bảo: “Học ngành đó làm gì. Ngành đó chỉ phù hợp với con gái”. Vì thế, trong suốt quá trình làm hồ sơ cho đến khi nộp, tôi đều giấu. Đến ngày có giấy báo dự thi, ba phát hiện, la một trận và cấm tôi không được đi thi. May sao, khi đó các anh chị hiểu được niềm đam mê của tôi nên đã thuyết phục ba. Cuối cùng tôi vẫn dự thi và đậu nhưng ba vẫn không hài lòng về ngành học của tôi” - thầy Khoa nhớ lại, đôi mắt đỏ hoe.
Sau khi ra trường, thầy được phân công về dạy tại Trường Mầm non Sơn Ca, quận 5. “Tôi được phân dạy lớp nhà trẻ từ 24 đến 36 tháng tuổi. Nhiều phụ huynh khi thấy tôi dạy con mình, họ không chấp nhận, lên thẳng phòng ban giám hiệu đòi chuyển lớp. Thế nhưng sau khi được ban giám hiệu thuyết phục, giải thích, họ cũng đồng ý nhưng vẫn không tin tưởng” - thầy Khoa kể lại.
“Thời gian đầu tôi quần quật với trẻ cả ngày. Có những ngày về tới nhà mệt rã rời, không ăn gì, chỉ nằm. Xót con, ba tôi bắt nghỉ việc. Nhưng tôi vẫn ráng theo đuổi vì nghề đã chọn. Hơn nữa, thấy các con cười giòn khi tôi bế, tôi lại vui. Ban giám hiệu và đồng nghiệp cũng luôn hỗ trợ hết mình nên là động lực để tôi cố gắng. Nếu không thương học trò, có lẽ tôi đã bỏ nghề từ lâu” - thầy Khoa nói và ôm trẻ vào lòng.
Thời gian sau này, thầy dần nhận được tin tưởng của phụ huynh. Nhiều phụ huynh trước đây có con học lớp thầy dạy đều mong muốn xin cho đứa sau vào học. “Lớp này có một bé tên là Minh Triết, trưa nào bé cũng tự trải nệm và lấy gối. Khi tôi hỏi thăm để làm gì, bé bảo để Khoa nằm ngủ. Lúc nào con cũng giành ngủ kế thầy. Nhiều hôm có nhiều chuyện áp lực nhưng chỉ cần thấy các con tươi cười, tíu tít vây quanh mình, mọi nỗi buồn tan biến. Có lẽ tôi chỉ hợp với nghề gõ đầu trẻ” - thầy giáo trẻ tâm sự.
Hỏi về hạnh phúc của riêng mình, thầy bảo chưa có thời gian nghĩ đến vì đã dành hết cho các con. “Tôi sợ khi lập gia đình sẽ không có nhiều thời gian để chăm lo cho các con. Hiện tại tôi chỉ muốn toàn tâm, toàn ý chăm sóc cho các con” - thầy Khoa bày tỏ.
Nguồn https://plo.vn/
|