Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Mơ ước có ánh điện của cặp vợ chồng giáo viên mầm non nơi thâm sơn cùng cốc


Mong ước của cặp vợ chồng giáo viên mầm non ở U Pa Tết thật đơn giản, mong có cái ánh sáng vào ban đêm để soạn bài đỡ vất vả.

Buổi sáng sớm những cơn mưa phùn và sương mù phủ dày đặc đến mức người đi sau nhiều khi không nhìn thấy người đi trước mình dù chỉ cách nhau chưa đến 10 mét.

Con đường ngoằn ngoèo như sợi chỉ vắt giữa những quả đồi từ trung tâm điểm bản Nậm Ngà (xã Tà Tổng, Mường Tè, Lai Châu) vào U Pa Tết như sợi chỉ mảnh vắt qua từng quả đồi, con suối để đi vào.

Một vị cán bộ của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè cho biết, trước đây dân không có đường, họ sống biệt lập không giao du với thế giới bên ngoài. Các thầy cô giáo phải men theo đuôi trâu để vào bản mở lớp.

Sau này, chính quyền đã mở một con đường mòn để dẫn vào điểm bản heo hút giữa rừng sâu này.

Có đường, các thầy cô giáo không còn phải vượt đồi, vượt núi đi mở lớp nữa.

Nhưng con đường từ Nậm Ngà vào đến U Pa Tết vẫn là hành trình thử thách và gian khó với bất cứ ai.

Đường vào điểm bản U Pa Tết. Ảnh LC

Đã có những thầy cô giáo bị trơn, trượt gãy chân khi đến công tác, kểm tra tại U Pa Tết.

Đường gian khó là vậy, nhưng như một sự đền trả của thiên nhiên, khi cũng có những cung đường đủ lãng mạn để xoa dịu bớt nỗi vất vả của các thầy cô giáo.

Những ngày cuối năm, trời phây phẩy rét, đường vào U Pa Tết cũng bớt nhọc nhằn hơn khi tay lái cứng có thể phi xe máy một mạch vào đến điểm bản.

Suốt chặng đường cũng có những chỗ có thể nghỉ một chút. Trên những triền đồi, triền nương của người dân, gió vẫn chạy dọc những triền cỏ may vàng đang thay sắc áo.

Trên những khúc cua quanh đồi, không còn lúa, cỏ dại bung mình những bông tím rực rỡ như phút tình gửi lại cho mùa xuân sắp tới, động viên các thầy cô giáo vào trong U Pa Tết gieo chữ trước khi hoá gió về với thiên nhiên…

Những con dốc lượn qua những khe nước đổ về suối Nậm Ngà… tất cả lặng lẽ như khép mình lại, chuẩn bị cho một đợt giao mùa đổi sắc với thiên nhiên.

Nằm bình yên trong thung lũng, mái trường cạnh suối Nậm Ngà vang lên tiếng ê a của học trò, những bài hát quen thuộc: “Ai hỏi cháu cháu học trường nào đây, bé thì xinh lại múa hát thật hay…”

Tiếng róc rách của suối, tiếng hát của học trò trong lòng núi phá vỡ không gian yên ả của vùng sơn cước này.

Lớp học của thầy giáo Đao Văn Thích và cô giáo Chim Thị Mừng. Ảnh: LC

Điểm trường U Pa Tết của trường Mầm non Tà Tổng nằm giữa bản. Phụ trách điểm trường này là thầy giáo Đao Văn Thích (Sinh năm 1986) và cô Chim Thị Mừng (Sinh năm 1991).

Cả 2 vợ chồng thầy Thích và cô Mừng xung phong vào cắm ở bản khó đã được 3 năm.

Điểm bản có 55 học sinh, độ tuổi từ 2 – 5 tuổi, các con cũng đều là dân tộc Mông.

Ở bản U Pa Tết tiếng phổ thông cần như chỉ được cất lên trong lớp Mầm non và lớp tiểu học.

Thấy khách lạ, thầy Thích tất tả sắp xếp lại lớp học để thầy tiếp khách.

Thầy Thích và cô Mừng cùng ở chung xã Bum Nưa, thầy Thích đi học trước, duyên số thế nào lại chọn là giáo viên mầm non, rồi kéo theo cô bạn thuở “thanh mai trúc mã” chọn theo nghề, để rồi cả 2 vợ chồng tình nguyện xung phong đưa nhau đến chốn “thâm sơn, cùng cốc” như U Pa Tết này cùng nhau gieo chữ.

Thầy Đao Văn Thích đang ổn định lớp mầm non. Ảnh: LC

Để cùng nhau về một bản, các thầy, cô cũng đã phải xa nhau một thời gian khá dài.

Vào nghề từ năm 2011, thầy giáo mầm non Đao Văn Thích lên công tác tại xã Ka Lăng cùng huyện Mường Tè, cùng thời gian đó, cô Mừng là nữ sinh của trường sư phạm.

Ra nghề, họ kết hôn rồi cùng nhau lên những miền cao dạy học, năm 2017 cùng đưa nhau về U Pa Tết. Thầy cô đã có với nhau 2 mặt con, các con đều ở với ông bà, hiềm một nỗi trong bản không có sóng, đường về thì xa nên các thầy cô phải đi dò sóng.

Cũng vì không liên lạc thường xuyên, việc dò sóng khó khăn, cô Mừng bảo, có hôm các con giận dỗi vì mãi không thấy bố mẹ gọi về. Trong bản không có điện, việc tìm ánh sáng, sạc điện thoại khó khăn. Ở trong U Pa Tết, thứ được tiết kiệm nhất là điện.

Lớp học của cô Chim Thị Mừng, lớp của cô Mừng được đánh giá cao, hoàn thành xuất sắc 100% chỉ tiêu đảm bảo chất lượng giáo dục. Ảnh: LC

Điện không có nên bất cứ thời gian nào, ai đi ra Nậm Ngà là hai thầy cô đều nhờ đi xin…điện. Từ sạc điện thoại dự phòng, sạc bóng tích điện… các thầy cô đều nhờ, hoặc có việc ra Nậm Ngà thì tranh thủ.

Kể về những ngày đầu vào U Pa Tết, cô Mừng kể may là có chồng đi cùng nên cũng đỡ bởi hai vợ chồng vào đúng mùa mưa, xe máy phải để lại ở Nậm Ngà, đi bộ mất 5 tiếng đồng hồ mới vào được trong bản.

Trên đường đi, cả hai vợ chồng đều ngã mấy lần, thế rồi chồng động viên vợ, vợ động viên chồng, cả hai cùng nhau ở lại cắm bản, dạy học nơi vùng khó.

Khi hỏi về nguyện vọng, cô Mừng bảo: “Chúng em ở đây chỉ mong có ánh sáng thôi, kể có đèn chạy bằng pin mặt trời thì dân trong bản cũng đỡ khổ. Thầy cô giáo cũng đỡ lọ mọ soạn bài khi đêm về. Nhiều đêm chúng em soạn bài bên bếp lửa, tàn lửa cháy cả vào trang giáo án”.

Nói về chất lượng dạy học trong điểm bản U Pa Tết, thầy giáo Đao Văn San, Hiệu phó trường Mầm non Tà Tổng cho biết: “Dù công tác trong vùng khó nhưng chất lượng tại điểm bản U Pa Tết luôn đạt yêu cầu 100%.

Hai vợ chồng thầy Thích và cô Mừng cùng các "con" của mình

Chất lượng khảo sát trẻ 5 tuổi đều đạt. Sắp tới trường cũng có đề nghị lên cấp trên tiến hành khen thưởng cho cô Mừng”.

Nói về các cặp vợ chồng mầm non ở Tà Tổng, cô giáo Đỗ Lan Hương – Hiệu trưởng trường Mầm non Tà Tổng cho biết, những cặp vợ chồng thầy cô giáo mầm non ở trường họ đều xung phong đi những điểm xa, ở những điểm xa ấy, các thầy cô đã góp phần vào ổn định công tác giáo dục tại địa phương”.

Toàn cảnh lớp mầm non U Pa Tết. Ảnh: LC

Thầy Thích sửa từng đôi dép cho các con. Ảnh: LC

Khu trữ nước của các thầy cô giáo được làm tạm. Ảnh: LC

Sân trường mầm non gọn gàng. Ảnh: LC

Cơ sở vật chất của các thầy cô còn vô cùng thiếu thốn. Ảnh: LC

Nguồn https://giaoduc.net.vn