Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bảy thay đổi nhỏ giúp tăng cường sức khoẻ cho trẻ


Để tăng cường sức khoẻ cho con, phụ huynh hãy lén thêm rau bằng một số hoán đổi nhỏ, cắt giảm lượng đường, hạn chế thời gian ngồi trước màn hình của con.

Rất có thể bạn đang làm mọi thứ để đảm bảo con luôn trong trạng thái tốt nhất như đảm bảo con sạch sẽ, được ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ, được chăm sóc và bao bọc. Tuy nhiên, con vẫn ốm khiến bạn luôn tự hỏi liệu mình có thể làm gì hơn nữa cho con, đặc biệt là giữa đại dịch. Trên thực tế, nếu có một điều bạn nghĩ đến từng giây từng phút, đó sẽ là "Làm thế nào để giữ cho con khoẻ mạnh nhất"?

Theo các bác sĩ nhi khoa, có nhiều cách để liên tục cải thiện và tăng cường sức khoẻ của con. TS Alison Mitzner, bác sĩ nhi khoa ở New York cho rằng phụ huynh có thể bắt đầu từ những thay đổi nhỏ để tạo ra tác động lớn.

Dưới đây là những điều bạn nên làm để cải thiện sức khoẻ của con trong thời gian dài. Những việc làm này cần thực hiện càng sớm càng tốt.

1. Lén thêm rau

Không có gì ngạc nhiên nếu như ngày thường con ngoảnh mặt với các món rau. Thật khó để trách chúng khi bánh quy và mì ống ngon hơn. Nhưng điều quan trọng là chế độ ăn uống của con phải được bổ sung các chất dinh dưỡng và vitamin phù hợp, nhiều trong số đó có trong rau củ.

Rất may, việc kết hợp rau củ vào chế độ ăn của con không quá khó và bạn có thể khiến con không nhận ra. Ví dụ, bạn có thể nướng cải xoăn, làm cho cải xoăn đẹp và giòn đến mức có mùi vị gần giống khoai tây chiên hay nướng các lát khoai lang thay cho khoai tây chiên. Mỗi sự hoán đổi nhỏ này sẽ bổ sung dinh dưỡng quan trọng cho đứa trẻ đang lớn.

2. Hạn chế thời gian sử dụng các thiết bị công nghệ

Viện Hàn lâm nhi khoa Mỹ (AAP) từ lâu đã khuyến nghị không nên cho dành thời gian sử dụng thiết bị công nghệ cho trẻ trước 2 tuổi nhưng sau đó đã giảm lời khuyên này do thực tế trẻ ngày nay đang lớn lên trong thời đại kỹ thuật số và việc tiếp xúc với các thiết bị là không thể tránh khỏi.

Khuyến nghị hiện nay là giới hạn thời gian sử dụng ở mức hợp lý để trẻ có thể quan sát và tương tác tốt hơn với thế giới xung quanh. Điều này trở nên khó khăn hơn bao giờ hết vì trong thời kỳ đại dịch, trẻ đang sử dụng thiết bị công nghệ nhiều hơn. Bạn nên tìm những cách nhỏ để hạn chế thời gian sử dụng, trong đó có việc đặt giới hạn thời gian.

TS Stormee Williams, bác sĩ phụ trách y tế học đường ở Children's Health ở Dallas, khuyến cáo nên để tivi và các thiết bị điện tử ở ngoài không gian chơi đùa của trẻ hoặc ít nhất là tắt chúng sau một thời gian nhất định, thường là hai giờ trước khi đi ngủ. Bà cũng khuyên các bậc phụ huynh nên kiểm soát việc sử dụng điện thoại di động, máy tính bảng, thiết bị đọc sách điện tử và tài khoản mạng xã hội của trẻ bất cứ khi nào có thể.

3. Khuyến khích con tham gia các trò chơi vận động

Ảnh: Shutterstock

Không nhiều trẻ tập thể dục đủ 60 phút mỗi ngày theo khuyến nghị mà chủ yếu dành quá nhiều thời gian ở trong nhà. Đó là lý do TS Stormee Williams khuyên bạn nên đan xen các giờ chơi kết hợp vận động cơ thể vào thói quen hàng ngày của con, ngay cả theo những cách đơn giản mà trẻ có thể không nhận ra.

"Hãy đưa con đến công viên, đi bộ đường dài hoặc đạp xe. Khi thời tiết ấm, bạn có thể cho con đi bơi hoặc bật vòi nước ở sân vườn và cùng chơi đùa với chúng", TS Williams nói. Tất nhiên, trong thời gian bị ảnh hưởng bởi Covid-19, bạn cần đảm bảo tuân thủ các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội khi ở nơi công cộng.

4. Cắt giảm lượng đường

Đứa con nhỏ của bạn có thể là người hảo ngọt trong khi chế độ ăn nhiều đường có liên quan đến vô số bệnh bao gồm béo phì, tiểu đường type 2, bệnh tim mạch, thậm chí một số bệnh ung thư. Vì vậy, bạn cần giữ thói quen ăn vặt ở mức tối thiểu cho trẻ.

Chỉ với một vài điều chỉnh, bạn có thể cắt giảm lượng đường nạp vào cơ thể mà trẻ không nhận ra. Chẳng hạn, bạn có thể mua nước trái cây nguyên chất 100% thay vì nước ngọt đóng chai và chỉ để các đồ tráng miệng như kem, snack cho những dịp đặc biệt. TS Williams nhấn mạnh những thứ này không có giá trị dinh dưỡng. Chúng không nên được coi là món ăn chính hàng ngày.

5. Giữ giờ ngủ nhất quán

Một đứa trẻ mệt mỏi không chỉ cáu gắt, kém tập trung mà còn có khả năng mắc bệnh vì thiếu ngủ có thể làm giảm khả năng miễn dịch. Ngoài việc đảm bảo con ngủ đủ giờ, bạn cũng cần đảm bảo con có giấc ngủ chất lượng. Bác sĩ nhi khoa Alison Mitzner cho biết nếu quá mệt mỏi, trẻ thường bị kích thích quá mức và quá khích. Điều này khiến việc đưa chúng đi ngủ thậm chí còn khó khăn hơn. Bà khuyên phụ huynh nên thực hiện thói quen đi ngủ đúng giờ.

"Giảm độ sáng của đèn, đọc sách và nếu cần hãy chọn màu rèm có độ tối phù hợp. Nếu thấy con ngủ không đủ giấc, hãy thử đẩy giờ ngủ sớm hơn thậm chí chỉ 10-15 phút và bạn có thể bắt đầu thấy sự khác biệt chỉ với thay đổi nhỏ về thời gian", bà Mitzner nói.

6. Luôn cập nhật thông tin khám chữa bệnh

Các cuộc thăm khám phòng ngừa cho con bạn, chẳng hạn khám sức khoẻ hàng năm, khám nha sĩ sáu tháng một lần để đảm bảo con đang phát triển bình thường. TS Williams cho biết hầu hết bậc cha mẹ làm tốt công việc đưa trẻ sơ sinh đi khám bác sĩ thường xuyên nhưng rất dễ quên việc này khi trẻ lớn lên.

Một mẹo hay để ghi nhớ những cuộc hẹn này là lên lịch thăm khám sức khoẻ và nha khoa trong thời gian nghỉ học định kỳ, ví dụ vào mỗi kỳ nghỉ hè và giáng sinh. Việc ghi các cuộc hẹn này vào lịch hoặc rủ các phụ huynh khác cùng đi có thể đảm bảo bạn luôn cập nhật mọi thứ.

Trong thời kỳ đại dịch, phụ huynh đang chú ý đến các cuộc hẹn khám bệnh từ xa. Những điều này có thể hữu ích nhưng các bác sĩ vẫn khuyên nên thăm khám trực tiếp. Nếu cảm thấy e ngại về cuộc hẹn trực tiếp, bạn nên gọi đến văn phòng của bác sĩ để hỏi về các biện pháp bảo vệ an toàn của họ như đeo khẩu trang, cách họ xử lý các cuộc hẹn, đặc biệt với người đang bị ốm và việc vệ sinh.

7. Trở thành hình mẫu tốt nhất có thể

Các chuyên gia đồng ý một trong những điều tốt nhất mà bố mẹ có thể làm để tăng cường sức khoẻ cho con là trở thành tấm gương tốt và tự thực hiện những lựa chọn lành mạnh.

TS Williams nói "khi bố mẹ đưa ra những quyết định đúng đắn về sức khoẻ của mình, con cái sẽ làm theo. Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, không hút thuốc, sống năng động, thắt dây an toàn khi lái xe, đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp là những ví dụ mà bố mẹ có thể làm gương".

Nguồn https://vnexpress.net