Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phụ nữ mang thai uống viên sắt thế nào?



Mẹ bầu cần lưu ý để bổ sung sắt đúng cách, đem lại hiệu quả tối đa cho mẹ và bé.

 

 

Tôi đang mang thai, bác sĩ kê đơn bổ sung viên sắt. Xin hỏi nên dùng viên sắt này thế nào cho đạt hiệu quả nhất? Xin cảm ơn.

Đoàn Thu Thủy (Hà Nội)

Có thể nói, thiếu sắt hiện nay là một vấn đề thường gặp, đặc biệt nguy cơ ở một số đối tượng trong đó có phụ nữ mang thai. Hậu quả của thiếu sắt là thiếu máu thiếu sắt, làm cho số lượng hồng cầu giảm, thường dẫn đến mệt mỏi, trí nhớ kém, chóng mặt, da nhợt nhạt hoặc khó thở... Ở phụ nữ mang thai thiếu sắt, làm gia tăng nguy cơ tử vong thai phụ và trẻ em sinh ra có nguy cơ mắc bệnh cao, yếu ớt, chậm phát triển. Vì vậy, đối với phụ nữ mang thai thường được bác sĩ kê đơn bổ sung uống viên sắt.

Phụ nữ mang thai uống viên sắt thế nào? - Ảnh 1.
Khi được bác sĩ kê đơn dùng thuốc, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau để dùng sắt sao cho có hiệu quả nhất:

Thời điểm và cách uống: Do sắt được hấp thu tốt hơn nếu uống lúc đói và các chất trong thức ăn (đặc biệt là những thức ăn chứa nhiều canxi) sẽ làm ảnh hưởng tới sự hấp thu sắt, nên thời điểm tốt nhất để uống viên sắt thường là trước khi ăn 1 giờ hoặc sau khi ăn 2 giờ. Uống thuốc với ít nhất nửa cốc nước và không nhai viên thuốc khi uống (đối với các dạng viên). Không uống thuốc khi nằm. Khi uống thuốc phân sẽ có màu đen, nhưng không không nguy hiểm. Hiện tượng này sẽ hết khi ngừng thuốc.


Chú ý tương tác với các thuốc dùng cùng: Sự hấp thu sắt bị ức chế bởi các chất như magie trisilicate, các thuốc kháng acid, thuốc chứa canxi, caffein... Do vậy, tránh sự tương tác bất lợi này cần sử dụng các chế phẩm bổ sung sắt trước 1 giờ hoặc 2 giờ sau khi sử dụng các loại thuốc này.

Hằng ngày nên ăn những thực phẩm giàu chất sắt như: Hàu, thịt bò, cá và thịt gà... Ăn những thực phẩm này kèm với thực phẩm, hoa quả giàu vitamin C để giúp hấp thu sắt tốt hơn. Tránh uống trà, cà phê gần bữa ăn (nên uống cách bữa ăn ít nhất 1 giờ), vì những thức uống này có chứa caffein, tanin làm giảm đáng kể khả năng hấp thụ chất sắt của cơ thể.

Nguồn Sức khỏe đời sống