Phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi ở Lai Châu: Thành tựu hôm nay là điểm tựa cho ngày mai
Sau 10 năm nỗ lực phấn đấu Lai Châu được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn PCGDMN trẻ 5 tuổi vào năm 2015. Báo GD&TĐ có cuộc trao đổi với NGƯT Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu để làm rõ vấn đề trên.
Học sinh trường Mầm non Đoàn Kết (TP Lai Châu) trong giờ trải nghiệm
- Thưa NGƯT Đinh Trung Tuấn, ông có thể khái quát những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) trẻ 5 tuổi ở Lai Châu?
NGƯT Đinh Trung Tuấn: Xác định công tác PCGDMN trẻ 5 tuổi là mục tiêu, nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh, chính vì vậy Sở GD&ĐT Lai Châu đã tích cực tham mưu với UBND tỉnh để triển khai thực hiện đồng bộ tới cấp ủy, chính quyền các địa phương; sự vào cuộc tích cực toàn xã hội, qua đó công tác PCGDMN trẻ 5 tuổi của Lai Châu trong 10 năm qua đã hoàn thành các mục tiêu đặt ra.
Thứ nhất, đó là công tác tuyên truyền Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về công tác PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi đi vào chiều sâu, được các cấp ủy đảng, chính quyền đưa mục tiêu, nhiệm vụ phổ cập vào chương trình hành động, nghị quyết, kế hoạch theo giai đoạn, nhiệm kỳ và năm để phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu PCGDMN trẻ 5 tuổi.
Thứ hai: Để đáp ứng nhu cầu của nhân dân đưa trẻ đến trường, ngành GD&ĐT Lai Châu tham mưu quy hoạch mạng lưới trường lớp MN hợp lý, phân bố đến các địa bàn dân cư xã/phường/thị trấn; mỗi xã/phường/thị trấn có 1 trường mầm non, xóa được xã trắng về GDMN vì vậy đáp ứng nhu cầu đưa trẻ đến trường và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ (hiện toàn ngành có 114 trường trong đó có 01 trường ngoài công lập; so với năm học 2011-2012 giảm 15 trường.
NGƯT Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu
Thứ ba: Chúng tôi ưu tiên bố trí đủ giáo viên cho phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi; đảm bảo về số lượng và chất lượng. Tổng số giáo viên lớp 5 tuổi: 1.307 GV/788 lớp, tỷ lệ giáo viên/lớp 1,7; 100% giáo viên dạy lớp 5 tuổi đạt chuẩn trở lên, trong đó giáo viên đạt trên chuẩn 72,4%; so với năm học 2011-2012 giáo viên đạt trình độ trên chuẩn tăng 12,6%.
Các cấp ủy chính quyền và nhân dân nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí của GDMN trong hệ thống giáo dục quốc dân vì vậy vào cuộc đồng bộ, huy động trẻ 5 tuổi ra lớp và duy trì tốt tỷ lệ chuyên cần để nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, trong đó:
Về huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,9% so với tiêu chuẩn vượt 9,9% (so với năm 2011-2012 tăng 1,0 %); 100% trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày và ăn bán trú.
Về chất lượng chăm sóc giáo dục: Trẻ 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chiếm 7,6%; trẻ 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi: chiếm 9,7% (so với năm 2011-2012 trẻ 5 tuổi SDD thể nhẹ cân giảm 1,3%; SDD thể thấp còi giảm 1,0%). 100% trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non vào lớp 1.
Thứ tư: Với sự nỗ lực của ngành GD&ĐT, năm 2015 Lai Châu được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi.
Lai Châu được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi vào năm 2015
- Theo ông, công tác bồi dưỡng, tập huấn PCGDMN cho trẻ 5 tuổi có vai trò như thế nào để làm nên thành công của quá trình phổ cập?
NGƯT Đinh Trung Tuấn: Đối với Ban chỉ đạo phổ cập, đặc biệt với các xã giai đoạn đầu thực hiện PCGDMN cho trẻ 5 còn gặp khó khăn về cụ thể hóa văn bản chỉ đạo của các cấp vào thực tiễn để xây dựng kế hoạch; kỹ thuật (nhập liệu, thống kê), phương pháp điều tra, cách thức tổ chức… vì vậy việc bồi dưỡng, tập huấn PCGDMN trẻ 5 tuổi có vai trò vô cùng quan trọng và quyết định sự thành công của quá trình phổ cập. Ngành GD&ĐT đã tập trung bồi dưỡng, tập huấn:
Vai trò về công tác tuyên truyền trong đó khâu then chốt là công tác dân vận; làm tốt công tác tuyên truyền, công tác dân vận để nâng cao nhận thức về nhiệm vụ chính trị trong công tác PCGDMN trẻ 5, tạo sự ủng hộ, đồng thuận, hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, của nhân nhân.
Xác định đối tượng làm công tác phổ cập để thành lập ban chỉ đạo phổ cập (đúng người, đúng việc, đúng chức năng, nhiệm vụ), bồi dưỡng cho ban chỉ đạo và các trường MN về nghiệp vụ phổ cập; công tác điều tra, rà soát đối tượng phổ cập để xây dựng kế hoạch thực hiện.
Việc lập hồ sơ phổ cập, khai thác và sử dụng hệ thống thông tin điện tử, phần mềm phổ cập giáo dục, nhập liệu và in báo cáo phổ cập tại địa phương. Quy trình kiểm tra, công nhận đơn vị đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi.
- Lai Châu là địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nhận thức của người dân ở vùng sâu, vùng xa không đồng đều. Nhiều nơi, bà con còn chưa thực sự quan tâm đến công tác giáo dục. Vậy trong 10 năm qua, ngành GD&ĐT Lai Châu đã tuyên truyền như thế nào để nâng cao nhận thức cho người dân và cán bộ giáo viên trong toàn ngành để có sự đồng thuận trong quá trình thực hiện?
NGƯT Đinh Trung Tuấn: Chúng tôi tập trung tuyên truyền vai trò của giáo dục trong việc xóa đói, giảm nghèo để tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, Nhân dân về quan điểm chỉ đạo của Đảng giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của toàn Đảng, Nhà nước và của Nhân dân. Tăng cường sự lãnh đạo các cấp uỷ, chính quyền, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc huy động trẻ ra lớp và kiểm tra, giám sát nhiệm vụ PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi.
Bên cạnh đó là việc xây dựng các trung tâm học tập cộng đồng, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục, y tế, nông, lâm nghiệp, các kiến thức pháp luật…cho nhân dân. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, dòng họ học tập được quan tâm phát triển; tổ chức vinh danh công tác khuyến học, dòng họ học tập để nhân rộng và tạo sức lan tỏa cả chiều sâu và bề rộng chính vì vậy đã nâng cao trình độ dân trí và nhận thức cho người dân về công tác PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi.
Ngoài ra, phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Y tế, phụ nữ, đoàn thanh niên hỗ trợ các trường mầm non trong việc chăm sóc giáo dục trẻ; trong đó tập trung tuyên truyền cho nhân dân và phụ nữ các kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ. Phối hợp với Đài PT-TH tỉnh tuyên truyền, thực hiện các chuyên mục Vì trẻ thơ; Chăm sóc và nuôi dạy trẻ; Cùng bé lớn khôn.
Cùng với đó là việc phát động các phong trào thi đua đối với cấp học mầm non, trong đó trọng tâm phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” gắn với “Xây dựng trường mầm non an toàn, thân thiện; cô (thầy) đổi mới sáng tạo, trẻ tích cực hoạt động”.
Chính vì vậy ngành GD&ĐT Lai Châu đã tạo được sự ủng hộ của các cấp ủy chính quyền, nhân dân; đội ngũ CBQL, GV, NV và cha mẹ trẻ đồng thuận, sát cánh cùng ngành hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ về PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi.
Một buổi sinh hoạt ngoài giờ của trẻ ở điểm bản vùng cao
- Được biết, trong quá trình thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non, Lai Châu cũng gặp không ít khó khăn. Xin ông chia sẻ để bạn đọc thấy rõ được điều này?
- NGƯT Đinh Trung Tuấn: Chúng tôi luôn gặp rất nhiều khó khăn, đó là: Công tác tuyên truyền về công tác PCGDMN cho trẻ 5 tuổi ở các xã biên giới và các xã đặc biệt khó khăn chưa hiệu quả, chưa đi vào chiều sâu; thiếu sự phối hợp và còn phó mặc cho ngành Giáo dục và Đào tạo.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học thiếu trầm trọng; phòng tạm, mượn chiếm 37% không đảm bảo an toàn cho trẻ đến trường, nhất là ở các điểm lẻ do đó việc huy động trẻ đến trường gặp khó khăn.
Tỷ lệ trẻ ăn cơm cặp lồng cao (trên 60%), chất lượng bữa ăn không đảm bảo do đó ảnh hưởng đến việc chăm sóc, giáo dục trẻ và nâng cao thể trạng cho trẻ.
Số lượng trẻ tại các xã, thị trấn có nhiều biến động trong quá trình chuyển đến, chuyển đi, thay đổi nơi ăn chỗ ở nên gây khó khăn cho việc điều tra, tổng hợp.
PV: Từ thực tế như vậy, Lai Châu đã thực hiện những giải pháp gì để khắc phục những tồn tại, khó khăn?
NGƯT. Đinh Trung Tuấn: Trước những rào cản như vậy, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ nhằm bảo đảm các tiêu chí phổ cập. Cùng với đó, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong nhân dân về chủ trương PCGDMN cho trẻ 5 tuổi của Đảng và Nhà nước tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, nâng cao ý thức trách nhiệm cho người dân, góp phần nâng cao chất lượng PCGDMN cho trẻ 5 tuổi.
Hàng năm, đưa chỉ tiêu Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi vào chương trình; kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, để chỉ đạo thực hiện; đưa kết quả thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi vào tiêu chuẩn bình xét, đánh giá các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, đoàn thể, bình xét gia đình văn hóa và đơn vị văn hóa.
Cấp ủy, chính quyền địa phương giao trách nhiệm cho các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn phối hợp vận động các gia đình đưa trẻ em năm tuổi đến trường, lớp học 2 buổi/ngày, đồng thời tổ chức nấu ăn cho trẻ, đảm bảo dinh dưỡng để nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ.
Chỉ đạo các trường MN tham mưu với cấp ủy chính quyền, chỉ đạo các trưởng bản tuyên truyền cho nhân dân sau khi sinh đăng ký giấy khai sinh cho trẻ; phối hợp điều tra và cập nhật thông tin trẻ trong độ tuổi để xây dựng kế hoạch phổ cập.
Bên cạnh đó, tham mưu với tỉnh hằng năm bổ sung kinh phí để xây dựng trường lớp kiên cố, phù hợp với cấp học MN; tuyển dụng giáo viên MN để đảm bảo tỷ lệ GV/lớp. Hằng năm tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp cho giáo viên; đặc biệt, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trường học; người đứng đầu phải gương mẫu, thường xuyên học tập để nâng cao trình độ, năng lực và phẩm chất, có khả năng quy tụ và lãnh đạo tập thể hoàn thành nhiệm vụ giáo dục và đào tạo trong đó có nhiệm vụ PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi.
- Ông có thể chia sẻ bài học kinh nghiệm sau 10 năm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi?
NGƯT Đinh Trung Tuấn: Theo tôi, muốn thực hiện thành công nhiệm vụ, mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo phải có sự quan tâm, đầu tư, chăm lo, chung tay, vào cuộc và đồng thuận của toàn xã hội, sự phối hợp, ủng hộ của các cấp, các ngành, các địa phương, các đoàn thể trong đó ngành Giáo dục và Đào tạo phải nêu cao vai trò chủ động, sáng tạo và quyết tâm cao. Song song với đó, phải xác định phổ cập GDMN cho trẻ em năm tuổi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu nhằm chuẩn bị tốt nhất cho trẻ vào lớp 1. Việc chăm lo để trẻ em năm tuổi được đến trường, lớp mầm non là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của mỗi gia đình và toàn xã hội.
Ngành GD&ĐT là lực lượng nòng cốt trong việc tham mưu thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi. Vì vậy phải chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương và Ban chỉ đạo cấp tỉnh để xây dựng kế hoạch, có biện pháp cụ thể phù hợp trong việc thực hiện các mục tiêu phổ cập, mặt khác phải nắm vững các vấn đề về kỹ thuật và chuyên môn nghiệp vụ của công tác phổ cập giáo dục để triển khai có hiệu quả.
Cùng với đó, thực hiện phổ cập giáo dục là cơ sở để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, do vậy, phải được triển khai nghiêm túc, đồng bộ, khoa học và phù hợp với thực tiễn vùng, miền. Từ việc xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch, đảm bảo các điều kiện đến quy trình kiểm tra, đánh giá, công nhận kết quả đến việc quy hoạch mạng lưới trường, lớp, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học; xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng đươc tiến hành đầy đủ, đồng bộ, đảm bảo về chất lượng là những yếu tố có tính chất quyết định tới chất lượng PCGD trẻ em 5 tuổi.
- Những kết quả đạt được là tiền đề vững chắc thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ 4 tuổi. Lai Châu đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ gì trong giai đoạn tới?
- NGƯT Đinh Trung Tuấn: Về mục tiêu, giai đoạn tới để GDMN phát triển bền vững và đặc biệt tạo tiền đề cho phổ cập GDMN cho trẻ 4 tuổi, Lai Châu tập trung huy động trẻ ra lớp; cụ thể giai đoạn 2020-2025: Huy động trẻ dưới 3 tuổi ra lớp đạt trên 25%; huy động trẻ từ 3 đến 5 tuổi ra lớp đạt trên 98%; trong đó trẻ 5 tuổi ra lớp đạt trên 99,9%.
Về nhiệm vụ: Chúng tôi xác định sẽ duy trì mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương (huyện, thành phố); tăng cường cơ sở vật chất, các công trình phụ trợ, phấn đấu 75% phòng học kiên cố, trên 60% trường đạt chuẩn quốc gia.
Thực hiện công bằng trong giáo dục mầm non; nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách.
- Xin cảm ơn ông!
Tăng cường phổ biến kiến thức và tư vấn nuôi dạy trẻ cho các gia đình và thực hiện tốt Chuyên đề “Nghe – nói tiếng Việt” cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phát triển giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi.
Nguồn https://giaoducthoidai.vn
|