Trẻ lớp 1 đi học thêm bởi cha mẹ không có nghiệp vụ sư phạm làm sao dạy?
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng học thêm hay học tiền lớp 1 nếu là tổ chức các hoạt động giúp hình thành và phát triển năng lực cho học sinh thì quá tốt.
Chiều thứ 7 nhưng chị Thúy Nga (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vội vàng giục đứa con lớp Lá mặc chiếc áo ấm, cầm cặp sách đến lớp học tiền lớp 1. Khi được hỏi, chị có từng nghe chuyên gia khuyến cáo rằng không nên cho con học trước lớp 1 không thì chị Nga bình thản đáp rằng cho con đi học thêm là một nhu cầu chính đáng của các bậc phụ huynh như chị, bởi lẽ làm kinh doanh nên hai vợ chồng chị Nga rất bận, lại không có nghiệp vụ sư phạm nên không tự tin dạy con.
“Xã hội đã có phân công lao động rõ ràng. Tôi quan niệm là giáo viên thì dạy học sinh sẽ là tốt nhất, còn nếu làm kinh doanh như vợ chồng tôi thì buôn bán mới là sở trường. Vậy tại sao xã hội có phân công lao động rõ như vậy lại cấm việc dạy thêm?
Phụ huynh không dạy được con tốt nhất nên có nhu cầu cho con đến lớp để được thầy cô hỗ trợ có gì sai? Mọi người cứ nghĩ học thêm là xấu, học thêm cũng có những lớp học dạy con kỹ năng thiết yếu, kỹ năng phát triển tư duy, định hướng năng lực cho con.
Tôi nghĩ thế còn hơn cho bọn trẻ ở nhà với điện thoại và ti vi, cha mẹ không có thời gian lại quát mắng thành ra sứt mẻ tình cảm”, chị Nga nói.
Ảnh minh họa
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, chương trình giáo dục phổ thông mới chuyển định hướng từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực, tức là bản thân phụ huynh phải chú trọng dạy kỹ năng, cách tư duy cho con.
Thế nhưng, thực tế, chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 1 đã đi được một nửa học kỳ nhưng nhiều phụ huynh vẫn dạy con theo cách truyền thống. Đó là chưa kể, những phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 cũng sốt sắng tìm lớp học tiền lớp 1, dạy trước cho con vì lo con không theo kịp các bạn.
Trao đổi vớ Infonet, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng học thêm hay học tiền lớp 1 nếu là tổ chức các hoạt động giúp hình thành và phát triển năng lực cho học sinh thì quá tốt.
“Tất nhiên, những lớp học để định hướng phát triển tư duy, năng lực cho học sinh không phải giới hạn trong một không gian lớp học chật hẹp hay những bài kiểm tra lý thuyết trên giấy mà học sinh được hoạt động, được thử sức phản ứng với những tình huống thực tiễn trong cuộc sống. Đó cũng là triết lý giáo dục mới trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nếu được, phụ huynh nên cho con tham gia các hoạt động phù hợp với con, có định hướng giáo dục trong thực tế, trở thành người dẫn dắt và đồng hành cùng con trong mỗi chặng đường”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Cũng theo PGS.TS Trần Thành Nam, hiện nay nhiều phụ huynh vẫn chưa hiểu rõ định hướng chuyển từ dạy nội dung sang phát triển năng lực là thế nào. Vì thế, vẫn còn hiện tượng phụ huynh cho con đi học thêm theo kiểu nhồi nhét.
“Cá nhân tôi nghĩ, ngoài giáo viên, phụ huynh cũng cần được truyền thông về chương trình mới, khi họ hiểu thì họ mới định hướng cho con học thế nào là hiệu quả, là tốt chứ không phải như cách học truyền thống, cứ nhồi nhét là tốt”, PGS.TS Trần Thành Nam khẳng định.
Ngồi https://infonet.vietnamnet.vn
|