Đi chân đất mang lại vô vàn lợi ích cho trẻ nhưng có 5 trường hợp bố mẹ luôn nhớ phải đi tất cho con
Thực ra, để trẻ đi chân đất có rất nhiều lợi ích, nhưng điều quan trọng nhất là cần phải chú ý một số trường hợp nhất định. Khi thời tiết trở lạnh, nhiều bà mẹ bắt đầu lo lắng về việc con mình không chịu mang tất. Họ than phiền rằng, cứ mỗi khi xỏ tất vào là trẻ không chịu mang, cứ nằng nặc đòi cởi ra. Một câu hỏi được nhiều bà mẹ thắc mắc, đó là liệu không mang tất có khiến trẻ bị ốm không? Người xưa có quan niệm rằng, "lạnh bắt đầu từ lòng bàn chân". Quan niệm này bắt nguồn từ người già, vì họ cảm thấy lạnh ở chân trước nên nghĩ rằng trẻ con cũng sẽ như vậy. Thế nhưng trên thực tế, cấu tạo cơ thể trẻ con rất đặc biệt, khác hoàn toàn so với người lớn. Đối với một đứa trẻ, tay chân lạnh không có nghĩa là chúng đang bị lạnh. Hệ tuần hoàn máu của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, tay chân lại nằm cuối vòng tuần hoàn máu, xa tim. Ngoài ra, tuần hoàn động mạch cấp máu cho ngoại vi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ kém, máu cung cấp ít. Do đó, việc đánh giá độ nóng lạnh của trẻ dựa vào nhiệt độ tay chân là không chính xác. Cách đánh giá đúng nhất là sờ vào gáy, nếu thấy cổ ấm, tay chân mát, nhiệt độ cơ thể của trẻ lúc này là vừa phải, bình thường. Đi chân đất có lợi gì cho trẻ sơ sinh? Nếu bỏ qua tâm lý lo sợ trẻ bị bệnh, cha mẹ sẽ không ngờ rằng việc đi chân đất lại có nhiều tác dụng hữu ích đến như vậy. - Thúc đẩy sự phát triển của em bé Sự phát triển trí não của trẻ bắt đầu từ nhận thức, thông qua sự kích thích từ lòng bàn chân. Nếu đi chân đất, các dây thần kinh xúc giác của trẻ sẽ rất nhạy cảm, có thể dễ dàng cảm nhận được sự khác biệt giữa các vật dụng bằng những vật liệu khác nhau. Điều này rất có lợi trong việc trải nghiệm giác quan của trẻ.
- Tốt cho việc tập đi Đối với bé đang tập đi, việc đi chân đất có thể giúp các ngón chân chạm đất tốt hơn, hạn chế trượt ngã. Ngoài ra, nó còn giúp bé học cách giữ thăng bằng, từ đó biết đi nhanh hơn. - Phát triển thể chất tốt hơn Ở các trường mẫu giáo Nhật Bản, mọi người có thể bắt gặp những nhóm trẻ nhỏ dưới dự chỉ dẫn của giáo viên, đi chân đất, chạy bộ quanh sân, dọc hành lang. Đây là một trong những cách giáo dục chân đất nổi tiếng ở xứ sở mặt trời mọc. Trên thực tế, khi đi chân đất một thời gian, hầu hết vóc dáng của bé đều phát triển, chiều cao và cân nặng tăng, cũng ít khi bị cảm cúm vặt.
Khi trẻ đi chân đất, cơ bắp và dây chằng ở chân được vận động đầy đủ, sự phát triển của vòm bàn chân sẽ tốt hơn. Bàn chân hình vòm có rất nhiều lợi ích, nó có thể tạo bước đệm cho việc chạy, nhảy, đi. Ngoài ra, nó còn phân tán lực, tăng cường độ bám vào mặt đất khi di chuyển, giúp trẻ bước đi vững vàng, chắc chắn hơn. Trẻ sơ sinh phải đi tất trong những trường hợp nào? - Trẻ sơ sinh và trẻ sinh non không nên để chân trần Chức năng điều chỉnh nhiệt của trẻ sơ sinh và trẻ sinh non chưa phát triển hoàn thiện, khả năng tự sinh nhiệt còn kém, tản nhiệt tương đối nhanh nên cha mẹ cần chú ý giữ ấm. - Không để chân trần khi sàn nhà lạnh Trong nhiều phòng máy lạnh, hoặc nền nhà lạnh, cha mẹ không nên để cho trẻ đi chân đất. Nhiệt độ sàn gỗ cao hơn sàn gạch men, nếu trẻ muốn chơi đùa hoặc đi chân đất, chỉ nên để trẻ chơi trên sàn gỗ.
- Không để chân đất khi đi chơi Mục đích để chân trẻ không bị bám bụi, vi khuẩn và các vật khác "tấn công". - Không để chân đất khi trẻ bị cảm lạnh hoặc mới ốm dậy Nếu trẻ bị hắt hơi, sổ mũi hoặc mới khỏi bệnh trong vòng 1 hoặc 2 tuần, nên cho trẻ mang tất hoặc mang dép trong nhà. - Không để chân đất khi môi trường ẩm ướt Trong môi trường ẩm ướt và lạnh, chẳng hạn như mùa mưa, cố gắng không để trẻ chạy nhảy bằng chân đất. Trẻ đi chân đất cần lưu ý điều gì? Khi cho trẻ đi chân đất, cha mẹ phải đảm bảo mặt đất an toàn, sạch sẽ, không có dị vật và vết nước. - Nhiệt độ điều hòa phù hợp Nếu phòng thường bật điều hòa mà muốn trẻ đi chân đất, cha mẹ nên để nhiệt độ trong khoảng 24 - 26 độ C và không để gió thổi trực tiếp vào người.
Nguồn Afamily |