Trẻ mầm non hào hứng học an toàn giao thông
Trẻ mầm non không khỏi hào hứng khi được tiếp thu bài học giao thông qua những tập phim vui nhộn của chương trình “Tôi yêu Việt Nam” phiên bản mới “Vui giao thông” hay hóa thân thành các nhân vật để trải nghiệm tình huống giao thông thực tế.
Sau hơn 3 tháng, chương trình “Tôi yêu Việt Nam” phiên bản mới “Vui giao thông” và thí điểm đào tạo An toàn giao thông cấp giáo dục mầm non nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phụ huynh, giáo viên và đặc biệt là các bạn nhỏ.
Thí điểm đào tạo ATGT cho bậc mầm non
Trong năm học 2020-2021, chương trình thí điểm đào tạo ATGT cho trẻ mầm non đã được triển khai thí điểm tại 5 tỉnh thành phố bao gồm: Phú Thọ, Hải Phòng, Nghệ An, Lâm Đồng, Cần Thơ, mỗi tỉnh 3 trường mầm non. Tham gia hoạt động đào tạo tại trường học, các bé đã có cơ hội nhập vai vào các nhân vật khác nhau như: người tham gia giao thông, chú cảnh sát điều hành giao thông để trải nghiệm các tình huống giao thông thực tế.
Thông qua các học liệu an toàn giao thông do HVN phối hợp với Vụ Giáo dục Mầm Non - Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn như: tài liệu hướng dẫn giảng dạy, các tình huống trong các tập phim “Vui giao thông”, các bộ giáo cụ, mô hình giao thông, bài nhạc giao thông, thẻ bài..., giáo viên sẽ hướng dẫn các bé tìm hiểu và trải nghiệm các quy tắc giao thông an toàn.
Với hệ thống các bộ giáo cụ, mô hình giao thông sinh động, hấp dẫn, các bài giảng và hoạt động thực hành trở nên trực quan, gần gũi và thiết thực hơn. Các bé tập trung lắng nghe bài giảng, tỏ ra hào hứng, thích thú và chủ động tham gia thực hành.
Các bé đồng thời được làm quen với các bài học về các phương tiện giao thông, cách lên xuống xe an toàn, đèn tín hiệu giao thông, đội mũ bảo hiểm đúng cách, phân biệt một số biển báo giao thông cùng nhiều nội dung thú vị khác.
“Tôi yêu Việt Nam” phiên bản mới đặc biệt thu hút khán giả nhí
“Tôi yêu Việt Nam” khởi đầu là chương trình hướng dẫn về ATGT và kỹ năng lái xe an toàn (LXAT) được Ủy ban ATGT Quốc gia, Cục Cảnh sát Giao thông - Bộ Công an, Đài truyền hình, Đài tiếng nói Việt Nam và Công ty Honda Việt Nam (HVN) phối hợp triển khai và phát sóng trên truyền hình từ năm 2004.
Từ đó đến nay, chương trình đã liên tục được cải tiến, đổi mới về hình thức và nội dung phù hợp với thị hiếu của đông đảo khán giả cả nước nhằm đem đến những câu chuyện, hình ảnh chân thực về thực trạng giao thông tại Việt Nam cùng những bài học giao thông bổ ích, giúp người xem bổ sung kiến thức và kỹ năng để phòng tránh tai nạn khi tham gia giao thông, góp phần xây dựng một xã hội giao thông văn minh và an toàn.
Năm 2020, “Tôi yêu Việt Nam” trở lại với phiên bản hoàn toàn mới, tập trung vào lứa tuổi Mầm non, từ 3 - 5 tuổi, là độ tuổi hình thành nhận thức, yêu thích khám phá thế giới xung quanh và cũng bắt đầu tham gia giao thông.
Bên cạnh việc phát sóng trên truyền hình, HVN còn phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo triển khai thí điểm chương trình đào tạo trong trường mầm non tại 5 tỉnh thành từ năm học 2020-2021 để trẻ có thể tiếp cận với kiến thức giao thông một cách dễ dàng nhất.
Sau hơn 3 tháng phát sóng với gần 20 tập, loạt phim hoạt hình với tên gọi “Vui giao thông” xoay quanh ba nhân vật ngộ nghĩnh, đáng yêu: Bi (Khỉ) - Bo (Mèo) - Ben (Tắc kè) đã trở thành chương trình được các bạn nhỏ yêu thích và hào hứng đón chờ hàng tuần.
Mỗi tập phim là một bài học, câu chuyện giao thông với nhiều kiến thức bổ ích được truyền tải đến các bạn nhỏ thông qua lăng kính tuổi thơ hồn nhiên, sinh động của ba nhân vật hoạt hình. Bi, Bo, Ben giống như những người bạn đồng hành của các bạn nhỏ, cùng nhau khám phá thế giới và hình thành cho bản thân những nhận thức và bài học đầu tiên về giao thông.
Các bé đặc biệt yêu thích những bản nhạc trong các tập phim, thường “ngân nga” những giai điệu với các quy tắc giao thông được lồng ghép trong lời bài hát.
Đa đạng hóa hình thức đào tạo ATGT tại trường học
Từ khi triển khai “Tôi yêu Việt Nam” phiên bản mới “Vui giao thông”, hoạt động giáo dục về ATGT cho các bé tại các trường mầm non thí điểm, hoạt động đào tạo tại trường học trở nên chuyên nghiệp và bài bản hơn. Các bài giảng, chương trình đã được đưa vào kế hoạch đào tạo, đảm bảo về thời lượng và chất lượng bài giảng để nâng cao nhận thức cũng như tính chủ động của các bé.
Hình thức truyền tải nội dung cũng trở nên đa dạng hơn. Cùng với bài học trong phim hoạt hình, các giáo viên còn linh hoạt vận dụng những bộ giáo cụ, mô hình giao thông để tổ chức hoạt động ngoài trời, kết hợp cùng trò chơi, sáng tác thơ, vè về ATGT cho các bé. Nội dung ATGT còn được lồng ghép nhẹ nhàng, linh hoạt trong nhiều hoạt động giáo dục hàng ngày khác của bé để giúp bé ghi nhớ và thực hành thường xuyên.
Nguồn https://vietnamnet.vn
|