Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nhiều khó khăn trong xây dựng trường chuẩn ở các huyện miền núi


Mục tiêu của xây dựng trường chuẩn quốc gia (CQG) nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ trong chất lượng giáo dục. Chính vì thế, nhiều năm qua, ngành giáo dục đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện hoạt động này. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế địa phương cũng như công tác huy động các nguồn lực còn hạn chế... khiến cho việc xây dựng trường CQG ở các huyện miền núi gặp không ít khó khăn.

Một hoạt động giữa giờ của học sinh Trường Tiểu học Phú Thanh (Quan Hóa). Ảnh: Phong Sắc

Theo quy định, để được công nhận đạt CQG các trường học phải đáp ứng đủ 5 tiêu chí, gồm: Tổ chức quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội và tiêu chí hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục. Trong những tiêu chí trên, khó khăn lớn nhất đối với các huyện miền núi vẫn là huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị dạy học. Mặc dù những năm qua, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân luôn quan tâm đến công tác phát triển giáo dục, song do điều kiện kinh tế của xã thuộc vùng 135 nên việc xây dựng trường CQG ở Lâm Phú (Lang Chánh) gặp nhiều khó khăn.

Năm học 2020-2021, Trường Mầm non Lâm Phú có 232 học sinh với 15 nhóm lớp thuộc 1 điểm chính và 2 điểm lẻ. Mục tiêu của nhà trường là sẽ đạt CQG mức độ I trong năm học này, tuy nhiên, đến nay nhà trường mới chỉ đạt 4/5 tiêu chí. Theo lãnh đạo nhà trường khó khăn trong quá trình thực hiện vẫn là việc huy động nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất. Cô giáo Nguyễn Thị Việt Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lâm Phú cho biết: Nếu như không làm tốt công tác huy động nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất chắc chắn nhà trường sẽ không đủ điều kiện để được công nhận chuẩn. Xác định được điều này, ngay từ đầu mỗi năm học nhà trường đã vận động ngày công của phụ huynh học sinh để tu sửa khuôn viên nhà trường, trang trí lớp học... song, đây mới chỉ là phần nhỏ. Để hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất trong năm học, nhà trường cần đầu tư hệ thống tường rào, sân chơi, đồ chơi ngoài trời, nhà bảo vệ ở điểm trường chính, nhà vệ sinh khu lẻ, lát nền lớp học khu lẻ... với kinh phí khoảng hơn 1 tỷ đồng. Đây là vấn đề nan giải đối với nhà trường khi đời sống người dân còn nhiều khó khăn”. Không riêng Trường Mầm non Lâm Phú, tại nhiều địa phương khác của huyện Lang Chánh như, Yên Khương, Tam Văn, Giao Thiện việc xây dựng trường CQG cũng đang gặp không ít vướng mắc, khó khăn.

Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học luôn là “bài toán” nan giải đối với cô, trò Trường Mầm non Lâm Phú (Lang Chánh) trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia

Theo kế hoạch của UBND và Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Quan Hóa, trong năm 2021, Trường Tiểu học Phú Thanh sẽ đạt CQG mức độ 1. Thế nhưng, hiện nay còn quá nhiều việc phải làm đối với thầy và trò nhà trường để đạt được mục tiêu này. Thực tế, trong 5 tiêu chí để đạt chuẩn, Trường Tiểu học Phú Thanh cũng gặp khó khăn về xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Nếu muốn đạt chuẩn, nhà trường cần xây dựng nhà hiệu bộ, khu phòng học chức năng, công trình nhà vệ sinh cho cán bộ, giáo viên, phòng bảo vệ... kinh phí dự tính khoảng 5 tỷ đồng. Với nguồn kinh phí lớn, trong khi nguồn vốn xã hội hóa không nhiều, nếu không có sự quan tâm của huyện và ngành chức năng thì mục tiêu xây dựng trường CQG sẽ khó thành. Cùng với cơ sở vật chất, việc thiếu giáo viên các môn đặc thù cũng đang là “bài toán” nan giải của Trường Tiểu học Phú Thanh cũng như nhiều trường miền núi trong xây dựng trường đạt chuẩn. Đồng chí Ngô Phi Hùng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Quan Hóa, cho biết: Những năm qua, công tác xây dựng trường CQG trên địa bàn huyện luôn được ngành và huyện quan tâm đầu tư thực hiện. Tính đến hết học kỳ I năm học 2020-2021, toàn huyện đã có 22/49 trường đạt CQG, tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 57 phòng học, nhà công vụ bị xuống cấp, nhiều trường chưa đủ phòng học, chủ yếu là ở bậc mầm non và tiểu học ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Nhiều khu lẻ thiếu trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi ngoài trời, trong khi kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất hằng năm hạn hẹp. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ, giáo viên còn thiếu, đặc biệt là nhân viên phụ trách thiết bị thư viện... nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xây dựng trường đạt CQG.

Được biết, để thực hiện lộ trình xây dựng trường CQG, Phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh và Quan Hóa đã triển khai nhiều giải pháp như: rà soát, sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý các trường học; xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ quản lý nhằm tăng tính thực tiễn, phát hiện những nhân tố mới, năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý; khuyến khích các nhà trường thực hiện các giải pháp thích hợp phù hợp với mỗi địa phương để nâng cao chất lượng dạy và học nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng của trường CQG. Tuy nhiên, do chất lượng giáo dục của nhiều trường, nhất là các trường ở vùng sâu, vùng xa chưa cao; cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học thiếu thốn trong khi kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất còn hạn chế khiến cho việc thực hiện kế hoạch xây dựng trường CQG gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Có thể thấy, để nâng cao hiệu quả xây dựng trường CQG, thời gian qua, ngành giáo dục, chính quyền các địa phương khu vực miền núi đã quan tâm huy động mọi nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất cho các nhà trường. Theo thống kê của Sở GD&ĐT, từ tháng 1 đến tháng 9-2020, 11 huyện miền núi đã đầu tư hơn 371 tỷ đồng để tăng cường cơ sở vật chất cho các cấp học, bậc học. Trong đó bậc mầm non cải tạo, xây dựng mới 196 phòng học, 17 nhà ăn, 8 nhà hiệu bộ với tổng kinh phí hơn 176 tỷ đồng. Bậc tiểu học cải tạo, xây dựng mới 111 phòng học, 12 nhà hiệu bộ với tổng kinh phí hơn 84,1 tỷ đồng. Bậc THCS cải tạo, xây dựng mới 60 phòng học, 25 phòng học bộ môn, 6 nhà hiệu bộ với tổng kinh phí trên 68,8 tỷ đồng... Tuy nhiên, tính đến hết năm 2019-2020, tỷ lệ trường đạt CQG ở tất cả các cấp học khu vực miền núi của tỉnh mới chỉ đạt 58,1%, tương đương 391/672 trường đạt CQG.

Từ thực tế trên đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn nữa của ngành chức năng, chính quyền các địa phương cũng như các tầng lớp Nhân dân trong công tác xây dựng trường đạt CQG khu vực miền núi. Cùng với đó, các nhà trường cần phải nỗ lực hơn nữa, nhất là trong việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và đổi mới phương pháp dạy học, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, rút ngắn khoảng cách giữa khu vực miền núi và đồng bằng.

Nguồn https://baothanhhoa.vn