Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Ông bố trẻ bất lực vì vợ bắt con 2 tuổi kiêng hoàn toàn muối, đường, dầu mỡ: Sai lầm nhiều mẹ mắc phải có thể làm hại con


 

Khi không có đủ kiến thức đúng đắn trong việc chăm sóc trẻ thì mẹ có thể vô tình gây hại đến sức khỏe của con.

 

Ngày nay, sách báo nhiều, internet, mạng xã hội phát triển giúp các mẹ có nhiều cơ hội để tìm hiểu về các phương pháp nuôi con, chăm sóc trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu không tìm hiểu kỹ càng, áp dụng đúng đắn thì có thể lâm vào cảnh "khoa học nửa mùa". Đó là nguyên nhân khiến nhiều mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, vợ - chồng rạn nứt vì mâu thuẫn trong cách chăm trẻ. Nhưng quan trọng hơn cả là chính những sai lầm của mẹ sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

Mới đây, một ông bố đã lên mạng than trời vì cách nuôi con của vợ: "Góc bất lực với vợ. Có ai bất lực như mình không? Nhà có 2 bé 2 tuổi mà vợ theo trường phái ăn kiêng nên áp dụng luôn cho các con. BỐN KHÔNG luôn:

- Không muối, ăn nhạt hoàn toàn
- Không đường
- Không dầu, mỡ, bơ
- Không đồ chiên rán, chỉ cho ăn đồ luộc, xay

Chỉ lo sức khỏe các con nhưng bất lực quá mọi người ơi".

 


Ông bố trẻ than trời vì bất lực với cách nuôi con của vợ.

Chia sẻ của ông bố này đã nhận được rất nhiều sự chú ý của mọi người, đặc biệt là những cư dân mạng đã làm cha, làm mẹ. Đa số ý kiến đều tỏ ra không đồng tình với quan điểm nuôi con của người mẹ này dù cũng có cái đúng, cái sai. Vậy người mẹ này đúng, sai ở đâu, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về từng gạch đầu dòng mà chị quyết tâm cho con kiêng hoàn toàn.

Trẻ có nên kiêng muối, đường, dầu mỡ, đồ chiên rán hoàn toàn?

Muối

Theo PGS.TS Hồ Bá Do, Giảng viên cao cấp Học viện Quân y, trào lưu không cho trẻ ăn muối, thậm chí cắt giảm lượng muối dưới mức quy định sẽ gây ra những tác hại cho sức khỏe của trẻ nhỏ.

Việc kiêng không ăn muối tuyệt đối chỉ đúng với nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi. Giai đoạn này trẻ cần được bú sữa mẹ hoàn toàn, trong sữa mẹ và sữa công thức đã có lượng muối đáp ứng đủ nhu cầu cho trẻ nhỏ. Còn khi trẻ tới tuổi ăn dặm thì cần phải được bổ sung theo lượng muối đúng với nhu cầu.

"Muối là nhu cầu thiết yếu của cơ thể số lượng dùng muối sẽ tăng theo độ tuổi. Ví dụ, trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi chỉ cần 1g muối/ngày, từ 1-3 tuổi trẻ cần 2g muối/ngày, trẻ từ 4-6 tuổi cần 3g muối/ngày, trẻ từ 7-10 tuổi cần 5g muối/ngày và từ 11 tuổi trở lên cần 6-7g muối/ngày", PGS.TS Hồ Bá Do chia sẻ cụ thể.

 


PGS.TS Hồ Bá Do nói thêm, việc cho trẻ ăn ít muối là đúng nhưng không có nghĩa là phải kiêng hoàn toàn hay ăn quá nhạt. Không cho trẻ ăn muối, ăn quá nhạt sẽ làm ảnh hưởng tới những phản ứng sinh hóa trong cơ thể. Khi những phản ứng không được thực hiện sẽ gây ra rối loạn điện giải, rối loạn chất trong cơ thể.

Các chất trong cơ thể mất cân bằng sẽ sinh ra nhiều căn bệnh nguy hiểm đối với cơ thể, hậu quả không thể lường trước được. Vì vậy, cha mẹ cần cho trẻ ăn đủ lượng muối theo đúng khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, không nên tự ý cắt hoàn toàn lượng muối trong khẩu phần ăn của con.

Đường

Dù không nên kiêng muối hoàn toàn khi nấu ăn cho trẻ nhưng các chuyên gia lại khuyến cáo nên hạn chế cho trẻ ăn đường. Việc cho trẻ ăn nhiều đồ ngọt, chứa nhiều đường không chỉ làm hại đến răng mà còn ảnh hưởng đến tim mạch, hệ miễn dịch, xương, tuyến tụy... và làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2.

 


Kem, chè, bánh ngọt... là những món mà trẻ rất thích song bố mẹ nên hạn chế cho con ăn những món này vì chúng chứa rất nhiều đường (Ảnh minh họa).

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo trẻ em không nên tiêu thụ quá 6 muỗng cà phê đường mỗi ngày. Lượng đường này tương đương với một thanh socola nhỏ và ít hơn một lon nước ngọt. Riêng với trẻ dưới 2 tuổi, khẩu phần dinh dưỡng của bé không nên bổ sung thêm đường, vì thế gây nguy hại cho sức khỏe của trẻ.

Vì vậy, bố mẹ không nên cho con ăn nhiều các loại bánh ngọt, kẹo, kem, chè, trà sữa... vì đây là những món chứa nhiều đường. Thay vào đó là bổ sung cho con các loại thực phẩm chứa đường tự nhiên như hoa quả, rau xanh...

Dầu mỡ

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, bữa ăn hàng ngày phải có dầu hoặc mỡ thì lượng vitamin A trong thức ăn mới được cơ thể hấp thu bởi vitamin A là một loại vitamin tan trong dầu, mỡ. Bữa ăn không có dầu, mỡ là một trong những nguyên nhân gây thiếu vitamin A, mặc dù bữa ăn có sử dụng thực phẩm giàu vitamin A.

Ngoài ra dầu, mỡ là những thức ăn giàu năng lượng, làm cho thức ăn mềm hơn dễ nuốt. Do vậy việc sử dụng dầu, mỡ không những để hấp thu vitamin A mà còn bổ sung năng lượng vào bữa ăn của trẻ.

 


Việc loại bỏ dầu, mỡ ra khỏi khẩu phần ăn của trẻ là sai lầm (Ảnh minh họa)..

Về số lượng, khi trẻ bắt đầu ăn dặm sẽ cần khoảng 2,5ml dầu mỡ/bữa (khoảng nửa thìa cà phê), tầm 7-8 tháng sẽ cần khoảng 5ml (1 thìa cà phê). Trẻ khoảng 1 tuổi thì lượng dầu mỡ mỗi bữa sẽ khoảng 1,5 thìa.


Với trẻ thừa cân, béo phì cũng vẫn cần dầu, mỡ, chỉ nên giảm bớt chứ không nên cắt hoàn toàn vì bé đang trong giai đoạn phát triển, cần chất béo để làm nguồn dẫn, hòa tan các vitamin và khoáng chất.

Đồ chiên rán

Tiêu thụ món chiên hoặc thực phẩm nướng ở nhiệt độ cao thường xuyên làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường, bệnh tim và béo phì, thậm chí là ung thư hay giảm tuổi thọ.

Thực phẩm ngoài hàng, quán, đồ ăn nhanh thường được chiên từ dầu mỡ có nhiều chất béo no không tốt cho sức khỏe, đặc biệt không tốt cho tim mạch do hàm lượng muối cao. Khi chiên rán ở nhiệt độ cao gần như các vitamin và khoáng chất đã bị phá hủy hết.

Ông bố trẻ bất lực vì vợ bắt con 2 tuổi kiêng hoàn toàn muối, đường, dầu mỡ: Sai lầm nhiều mẹ mắc phải có thể làm hại con - Ảnh 5.
Thường xuyên ăn thực phẩm chiên rán làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường, bệnh tim và béo phì, thậm chí là ung thư hay giảm tuổi thọ (Ảnh minh họa).

Đồng thời, ăn các loại thực phẩm được chiên rán từ dầu chiên đi chiên lại nhiều lần còn là thói quen ăn uống dễ gây bệnh ung thư.

Vì vậy, bố mẹ nên hạn chế cho bé ăn đồ chiên rán. Nếu có thì thỉnh thoảng mới ăn 1 bữa, nên chọn các loại dầu lành mạnh như dầu ô liu, dầu đậu nành. Sau khi chiên xong thì dùng giấy thấm sạch dầu thừa và tuyệt đối không chiên đi chiên lại nhiều lần.

Như vậy có thể thấy, trường phái nuôi con của người mẹ trong câu chuyện kể trên cũng có cái đúng, có cái sai. Không một người mẹ nào muốn làm hại con của mình, nhưng hãy là một bà mẹ thông thái để tránh biến tình yêu thương con lại vô tình trở thành gây hại cho con.


Theo Pháp luật và bạn đọc