Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nghĩ mang bầu là phải ăn cho hai người, một bà mẹ đã tăng 45kg khi mang thai, lên bàn đẻ cán mốc 100kg



Đến tháng thứ 8 của thai kỳ, bà mẹ này đã nâng số cân nặng của mình từ 55kg lên 100kg.

 

Tăng cân trong thời gian mang thai là chuyện hết sức bình thường, bởi lúc này người mẹ không phải chỉ ăn cho bản thân, mà còn phải nuôi nấng một sinh linh bé nhỏ trong bụng. Tuy nhiên, được phép tăng cân trong thai kỳ không có nghĩa là mẹ muốn tăng bao nhiêu kg cũng được. Trong quá trình khám thai, bác sĩ luôn tư vấn cho mẹ bầu các mức tăng theo từng giai đoạn để đảm bảo thai nhi nhận đủ dinh dưỡng mà người mẹ không tăng cân quá nhanh dẫn đến béo phì hoặc tiểu đường trong thai kỳ.

Song, trên thực tế, không phải bà mẹ nào cũng có thể kìm chế được cơn đói của mình. Thế nên, vẫn có nhiều mẹ tăng cân quá mức, thậm chí còn tăng tới 45kg trong suốt thai kỳ.

Ăn bù sau thời gian nghén ngẩm khủng khiếp

"Sau cơn ốm nghén khủng khiếp ở tam cá nguyệt thứ nhất, tôi như người được giải phóng nên thèm ăn kinh khủng. Tôi đã phải chịu đựng các cơn đói trong suốt 3 tháng đầu rồi nên khi bước vào giai đoạn thứ 2 và 3 của thai kỳ, tôi đã ăn bất chấp. Bạn tưởng tượng xem, trong một ngày, tôi ăn 5 - 6 bữa chính, và rất nhiều các bữa phụ xen kẽ", chị Jamie Kaur chia sẻ.

 


Đến tháng thứ 8, chị Jamie đã tăng gần gấp đôi trọng lượng ban đầu, từ 55kg tăng lên 100kg (Ảnh minh họa).

 

Đến tháng thứ 8 của thai kỳ, chị Jamie đã tăng gần gấp đôi trọng lượng ban đầu, từ 55kg chị tăng lên 100kg. Nhớ lại thời kỳ "sumo" của mình, bà mẹ hài hước kể: "Một người bạn đã lâu không gặp của tôi đã bị sốc nặng khi trông thấy tôi sau khi sinh con. Cô ấy đã phải há hốc mồm mà hỏi: "Ôi trời ơi, cậu bị làm sao thế?".


Tương tự như vậy, bà mẹ Melissa Klyne cũng đã từng "ăn như điên" sau khi vật lộn với chứng ốm nghén nghiêm trọng trong 6 tháng đầu của thai kỳ. Chị đã thật sự ăn cho hai người.

Chị Melissa kể: "Mỗi bữa, tôi ăn hai đĩa cơm, uống một lít sữa sô cô la mỗi ngày. Con số cân nặng của tôi đã tăng từ 58 lên 83kg. Điều này khiến tôi gặp khó khăn khi di chuyển và vận động. Thậm chí, chồng tôi còn phải kéo tôi ra khỏi xe ô tô vì tôi không thể tự mình làm điều đó. Mọi người ai cũng nghĩ tôi mang thai đôi".

Ăn cho hai người - một quan niệm lỗi thời

Mặc dù khi mang thai, việc tăng cân là điều cần thiết, song, Tiến sĩ Christopher Ng - bác sĩ sản phụ khoa thuộc Phòng khám Bà mẹ và Trẻ em GynaeMD (Singapore) cho biết: "Ăn cho hai người khi mang thai là một quan niệm lỗi thời. Bạn chỉ nên ăn như bình thường, điều quan trọng không phải là số lượng mà là chất lượng".

 


Bên cạnh đó, Tiến sĩ Tan Wei Ching - chuyên gia tư vấn cấp cao tại Khoa Sản phụ khoa của Bệnh viện Đa khoa Singapore (SGH), cũng chia sẻ mức tăng cân được khuyến nghị khi mang thai là từ 12kg đến 16kg, trong đó 20 tuần đầu tiên chỉ tăng được 2kg đến 3kg. Nhưng nếu bạn bị thừa cân trước khi mang thai, bạn nên giảm cân. Ngược lại, nếu bạn đang thiếu cân thì nên tăng cân thêm.

Giải thích lý do vì sao không nên tăng cân quá nhiều trong khi mang thai, tiến sĩ Tan nói: "Ăn nhiều hơn trong thai kỳ không có nghĩa là em bé sẽ khỏe mạnh hơn. Ngược lại, ăn quá nhiều đường tinh luyện, thực phẩm chế biến sẵn sẽ khiến mẹ bầu có nguy cơ mắc các bệnh như tăng huyết áp, tiền sản giật, tiểu đường trong thai kỳ. Đây đều là những căn bệnh khiến các mẹ bầu sinh non. Và vì sinh non nên em bé sẽ kém khỏe mạnh hơn".

Chưa kể, về mặt thể chất, dư cân còn làm trầm trọng hơn các cảm giác khó chịu mà bạn phải trải qua khi đang mang thai như đau lưng, đau chân, sưng khớp, giãn tĩnh mạch, ợ nóng, táo bón và trĩ.

Do đó, tiến sĩ Tan đã đưa ra lời khuyên rằng các thai phụ nên kiểm soát cân nặng của mình bằng cách ăn uống hợp lý. "Bạn không nhất thiết phải ăn kiêng khem kham khổ, cũng đừng lo lắng khi lâu lâu "thả phanh" một bữa. Nhưng hãy lựa chọn một cách khôn ngoan. Việc ăn uống điều độ với các thực phẩm lành mạnh cộng thêm chế độ luyện tập thể dục nhẹ nhàng đều đặn như đi bộ, yoga... sẽ giúp bạn tăng cân đúng mức mà em bé vẫn khỏe mạnh", tiến sĩ Tan nhắn nhủ.


Nguồn Trí Thức Trẻ