Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nhiều chính sách hỗ trợ nhóm trẻ độc lập, tư thục


Con em công nhân vui chơi và học tập tại Trường mầm non Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7)

Ðề án "hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập, tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất (kcn, kcx) giai đoạn 2015 - 2020" nhận được sự quan tâm, đồng thuận của các ban, ngành, đoàn thể và các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Ðiều này đã tạo điều kiện cho công nhân yên tâm làm việc, lao động sản xuất; đồng thời góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các nhóm trẻ, nghiệp vụ người giữ trẻ.

Yên tâm lao động, sản xuất

Sau giờ tan ca, chị Hồng, công nhân Công ty TNHH Công nghiệp Tempearl, đóng tại KCX Tân Thuận, quận 7 tạt qua Trường mầm non (MN) KCX Tân Thuận để đón con trai. Nhìn con đang vui đùa với nhóm bạn trong lúc chờ phụ huynh đón về, chị như quên đi những vất vả và mệt mỏi sau một ngày làm việc. Chị Hồng cho biết: "Con trai tôi được 18 tháng tuổi, tôi gửi con vào trường lúc cháu sáu tháng tuổi để đi làm. Có trường MN ngay cạnh KCX nhận giữ trẻ, vợ chồng tôi yên tâm làm việc, không còn lo lắng nữa". Tuy nhiên, điều vợ chồng chị Hồng mong muốn là nhà trường nên nghiên cứu thực hiện trông giữ trẻ hơn 24 tháng tuổi (hiện nhà trường chỉ nhận trông trẻ hơn ba tuổi) vào ngày thứ bảy để phụ huynh là công nhân có chỗ gửi con vì thứ bảy nhiều công nhân vẫn phải đi làm.

Mô hình thí điểm nhận trẻ từ sáu tháng tuổi tại tám quận, huyện (7,12, Bình Tân, Tân Phú, Thủ Ðức, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi), thực hiện từ năm học 2014 - 2015 chính là một trong những mô hình nằm trong Ðề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập, tư thục khu vực KCN, KCX đến năm 2020" của UBND thành phố (Ðề án 404 thành phố). Trong đó, các trường MN tổ chức giữ trẻ từ sáu tháng tuổi đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ cao của đông đảo công nhân lao động nhằm tạo điều kiện cho họ yên tâm lao động, sản xuất. Mô hình này cũng được xem là tháo gỡ nút thắt về chỗ giữ trẻ MN dưới 18 tháng tuổi tại các trường công lập mà trước đó ngành giáo dục thành phố chưa có điều kiện quan tâm giải quyết. Theo Ban Quản lý các KCN, KCX TP Hồ Chí Minh, thực hiện Ðề án 404 thành phố, đến nay đã có 18 dự án trường MN (bao gồm các dự án đã triển khai trực tiếp trong KCN, KCX và các dự án nằm trong các khu đô thị liền kề) dành cho con em công nhân KCN, KCX đi vào hoạt động, đáp ứng hơn 6.300 chỗ gửi trẻ, tăng năm trường so với trước thời điểm năm 2016. Kết quả này cho thấy, cả hệ thống chính trị đã chung sức vì lực lượng lao động, phần nào giải quyết được nhu cầu về chỗ gửi trẻ của công nhân lao động. Ban Chỉ đạo Ðề án 404 thành phố cho biết, đến nay việc thực hiện nhận trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi đã được triển khai đại trà ở 24 quận, huyện với tổng số trường nhận giữ trẻ là 211 trường (trong đó trường công lập là 138, ngoài công lập là 63), gồm 1.518 trẻ/ 333 nhóm (phân theo tháng tuổi).

Nâng cao nhận thức giáo dục, thay đổi hành vi

Ban Chỉ đạo Ðề án 404 thành phố đã chỉ đạo 10 quận, huyện tham gia đề án nằm gần các KCN, KCX tổ chức khảo sát, rà soát lại điều kiện trang thiết bị, cơ sở vật chất của các nhóm trẻ, qua đó cung cấp đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học và lắp đặt ca-mê-ra cho các nhóm trẻ độc lập, tư thục. Việc giám sát ca-mê-ra sẽ do Phòng Giáo dục và Ðào tạo quận, huyện phối hợp UBND phường, xã, thị trấn trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các nhóm trẻ. Kết quả, có 51 nhóm trẻ được hỗ trợ các hoạt động với tổng kinh phí hơn ba tỷ đồng. Bà Lê Hoàng Quyên, Chủ nhóm trẻ Hoa Mặt Trời (huyện Nhà Bè) chia sẻ: "Thành phố hỗ trợ để lắp ca-mê-ra tại nhóm trẻ đã mang lại hiệu quả rất tích cực. Ðó là, đã tạo được sự yên tâm cho phụ huynh khi có điều kiện theo dõi con mình học tập và vui chơi. Bản thân chủ nhóm trẻ và đội ngũ giáo viên cũng phải thay đổi hành vi tương tác với trẻ, tự tin giới thiệu đến phụ huynh những hoạt động của trẻ tại trường một cách bài bản, đúng quy định của chương trình giáo dục...".

Xác định mục tiêu chung của Ðề án 404 thành phố là hỗ trợ việc kiện toàn, phát triển nhóm trẻ độc lập, tư thục tại các địa bàn có đông nữ công nhân lao động làm việc trong các KCN, KCX cho nên Ban chỉ đạo đề án cùng các đơn vị, đoàn thể thành phố đã phối hợp nâng cao chất lượng hoạt động của 151 nhóm trẻ bằng nhiều hoạt động thiết thực như đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, người chăm sóc trẻ; nâng cao nhận thức thay đổi hành vi của người dân, cha mẹ, nhất là cha mẹ có con dưới 36 tháng tuổi trong việc gửi con tại các nhóm trẻ tư thục, nhóm trẻ gia đình có phép… Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Ðức đánh giá: Ðề án Hỗ trợ, phát triển Nhóm trẻ độc lập, tư thục ở khu vực KCN, KCX giai đoạn 2015 - 2020" là đề án nhân văn, huy động sự tham gia tổng lực của tất cả các ban, ngành, đoàn thể thành phố nhằm tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất và môi trường để trẻ vui chơi, học tập. Hiện nay, lực lượng lao động thành phố rất đông với 52% là nữ, trong khi chỉ có 19% các gia đình là công nhân có điều kiện gửi con ở các trường công lập. Do đó, trong giai đoạn 2019 - 2025, thành phố sẽ cùng 10 quận, huyện thực hiện đề án phối hợp với các ban, ngành tiếp tục huy động và phát huy các nguồn lực từ xã hội để xây thêm trường MN nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu gửi trẻ của con em công nhân, người lao động để lực lượng này đóng góp nhiều hơn vào việc xây dựng, phát triển thành phố.

Nguồn https://nhandan.com.vn