Đọc nhật ký "Khi tôi lên 2", cha mẹ sẽ hiểu vì sao con mình cứ hở tí lại lăn ra ăn vạ kinh khủng thế "Mình là một đứa trẻ 2 tuổi. Mình không khủng khiếp... Mình chỉ thất vọng, lo lắng, căng thẳng, choáng ngợp và bối rối thôi. Mình cần một cái ôm", trích trong nhật ký "Khi tôi lên 2".
Là một bà mẹ của 4 đứa trẻ nhỏ, cộng thêm 15 năm kinh nghiệm trong việc nhận giữ và chăm sóc trẻ tại nhà, chị Dejah Roman, đến từ Norwalk, Iowa (Mỹ), tác giả của cuốn sách Diary of a 2-year-old (Tạm dịch: Nhật ký của đứa trẻ 2 tuổi) đã thấu hiểu từng cen-ti-met cảm xúc của trẻ trong độ khủng hoảng tuổi lên 2. Đối với chị, mọi lời nói, hành vi của trẻ lên 2 đều giống như một môn ngoại ngữ mà để hiểu được chúng, cha mẹ phải biết cách dịch. Giải thích rõ hơn điều này, chị Dejah đã từng chia sẻ lên facebook một đoạn nhật ký "Khi tôi lên 2" như sau: "Mình là một đứa trẻ 2 tuổi. Mình không khủng khiếp... Mình chỉ thất vọng, lo lắng, căng thẳng, choáng ngợp và bối rối thôi. Mình cần một cái ôm. Hôm nay mình thức dậy và muốn tự mặc quần áo nhưng lại được nghe thông báo "Không, chúng ta không có thời gian đâu, hãy để mẹ mặc cho nhanh". Điều này làm mình buồn. Mình muốn tự ăn bữa sáng nhưng mẹ lại bảo "Không, con ăn vương vãi lộn xộn lắm. Để mẹ đút cho nào". Điều này khiến mình cảm thấy thất vọng. Mình muốn tự đi bộ đến ô tô và tự mình vào nhà nhưng bố lại nói "Không, chúng ta cần phải đi, chúng ta không có thời gian. Ôm cổ bố bế nào". Điều này làm mình khóc. Mình muốn tự mình ra khỏi xe nhưng mẹ thét lên "Không, con không thể xuống được. Con sẽ bị ngã đấy". Nghe xong thật sự là mình chỉ muốn bỏ chạy.
Sau đó, mình chơi xếp các khối gỗ nhưng bố mẹ cứ ngồi bên lải nhải "Không, không phải thế này. Thế này mới đúng...". Vậy là mình quyết định không chơi với khối gỗ nữa. Mình đi tìm búp bê nhưng bạn khác đã lấy mất rồi. Mình vừa đến giành lấy thì mẹ đã chạy lại ngay và mắng "Con không được lấy đồ chơi của bạn. Con phải biết chia sẻ chứ". Mình không chắc là mình đã làm gì nhưng mình biết là mình buồn. Vì vậy, mình đã khóc. Mình muốn được mẹ ôm nhưng "Nín ngay. Con đi ra kia chơi đồ chơi đi". Nhưng đồ chơi mình muốn đã bị bạn lấy mất rồi, mà ra lấy lại thì mẹ sẽ lại mắng "Phải biết chia sẻ". Mình không biết phải làm thế nào nữa. Mình cần ai đó chỉ bảo. Một lúc sau, mẹ hỏi "Con đang làm gì đấy? Tại sao con cứ đứng ở đó? Hãy thu dọn đồ chơi lại ngay!". Đọc nhật ký "Khi tôi lên 2", cha mẹ sẽ hiểu vì sao con mình cứ hở tí lại lăn ra ăn vạ kinh khủng thế - Ảnh 2. Mẹ la, mình nằm vật ra sàn và khóc. Đến giờ ăn, mình muốn tự lấy thức ăn, nhưng mẹ bảo "Con chưa lấy được đâu, coi chừng bỏng đó. Để mẹ lấy cho". Điều này khiến mình cảm thấy mình thật vô dụng. Mình muốn ăn món đó, mình đã cố với lấy nó, nhưng mẹ cứ đưa vào mặt mình những thứ lạ lẫm và bảo "Đây, con ăn cái này đi, cái này tốt...".
Mình không muốn ăn nữa. Mình ném thức ăn đi và khóc. Mình muốn ra khỏi bàn ăn, nhưng vì nhỏ quá nên mình không thể. Bố mẹ thì cứ tiếp tục bắt mình "ăn một miếng nữa". Mình lại càng khóc nhiều hơn. Mình đói, thất vọng và buồn. Mình mệt mỏi và cần được ôm. Mình cảm thấy không an toàn và bị kiểm soát quá mức. Mình sợ hãi. Mình khóc nhiều hơn. Mình là đứa trẻ 2 tuổi. Không ai để mình tự mặc quần áo, không ai cho phép mình đi đến nơi mình muốn, không ai đồng ý để mình tự phục vụ nhu cầu của bản thân. Vậy mà mình phải học cách chia sẻ, lắng nghe và "chờ một chút". Mình thật sự không biết phải nói gì và làm gì để mọi người hiểu. Mình dự định sẽ ngồi yên hoặc ném một thứ gì đó đi. Mình muốn được chạy, nhảy, kéo, đẩy, cài cúc, đá bóng, leo trèo, ném đồ... Đây là những việc mình biết mình làm được, đây cũng là những việc mình quan tâm và tò mò. Nhưng đây cũng là những việc mà bố mẹ cấm mình KHÔNG được phép làm. Mình là một đứa trẻ 2 tuổi. Mình không khủng khiếp... Mình chỉ thất vọng, lo lắng, căng thẳng, choáng ngợp và bối rối thôi. Mình cần một cái ôm".
Khủng hoảng tuổi lên 2 - Con không muốn làm khó cha mẹ, chỉ là con đang trải qua một thời kỳ khó khăn Tiến sĩ Stephanie Samar, nhà tâm lý học lâm sàng công tác tại Child Mind Institute - một tổ chức phi lợi nhuận chăm sóc sức khỏe tâm thần và rối loạn học tập ở trẻ em, cho biết những gì chị Dajah nói là chính xác. "Trẻ nhỏ từ 2 đến 3 tuổi thường bực bội khi con không thể diễn tả nhu cầu của bản thân bằng ngôn ngữ do vốn từ còn hạn chế. Do đó, đây là một giai đoạn đầy khó khăn và thách thức đối với trẻ", cô nói.
Tuy nhiên, tránh những cơn giận dữ không phải lúc nào cũng là mục tiêu, "quan trọng nhất là cha mẹ cần phải nói rõ các quy tắc an toàn với con để giữ cho mọi thứ được nằm trong tầm kiểm soát trên sự đồng cảm thông qua giao tiếp", tiến sĩ Stephanie nhắn nhủ. Nguồn Phapluatvabandoc
|