Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Điều trị hen trẻ em không chỉ là uống thuốc...


 

Tỷ lệ trẻ em mắc bệnh hen phế quản ở Việt Nam khá cao và có chiều hướng gia tăng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, hen phế quản có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ. Chuyên gia về hen ở trẻ em cho rằng, điều trị hen cần một kế hoạch được cá nhân hóa.

Hen phế quản là bệnh hô hấp mạn tính thường gặp ở trẻ em

Hen phế quản là một trong những bệnh mạn tính phổ biến trên thế giới và ở nước ta, có xu hướng ngày càng gia tăng, tỷ lệ tử vong cao. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có khoảng 300 triệu người mắc bệnh hen trên phạm vi toàn cầu và đến năm 2025, con số này sẽ tăng thêm 100 triệu người. Tại Việt Nam, ở miền Bắc, tỷ lệ mắc hen phế quản trung bình 6% (người lớn 3,55%, trẻ em 11,87%) và từ 1961 đến nay, tỷ lệ mắc bệnh ước tính tăng khoảng hơn 3 lần.

Thống kê mới đây cho thấy, tại Hà Nội có 8,1% trẻ em nội thành và 6,7% trẻ em ngoại thành bị hen phế quản. Còn nếu tính riêng ở lứa tuổi tiểu học thì tỷ lệ trẻ mắc bệnh là 9% ở nội thành và 7% ở ngoại thành. Tại TP.HCM, con số này cao hơn rất nhiều, cụ thể là có 29,1% trẻ dưới 18 tuổi bị hen phế quản, con số thuộc loại cao nhất châu Á.

Hen phế quản ở trẻ khó có thể điều trị khỏi hoàn toàn, tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và tuân thủ theo điều trị của bác sĩ thì có thể kiểm soát được bệnh. Phòng ngừa hen sẽ giúp cho trẻ giảm hoặc không còn lên cơn hen, trẻ có thể sinh hoạt, học tập, vui chơi bình thường.

Các chuyên gia hướng dẫn cách xịt thuốc hen cho trẻ nhỏ với buồng đệm

Những sai lầm đáng tiếc trong điều trị hen trẻ em

TS.BS. Lê Thị Thu Hương (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), người có 20 năm công tác trong lĩnh vực Nhi khoa, trong đó có 10 năm chuyên sâu về hen và dị ứng đã khám và điều trị cho hàng ngàn trường hợp trẻ hen phế quản cho biết, thực tế hiện nay, có rất nhiều vấn đề cần quan tâm trong điều trị hen trẻ em. Nhiều bậc cha mẹ cứ nghe nói đến “hen” là hoảng sợ và nhiều người có tâm lý không chấp nhận là con mình mắc bệnh này mà chỉ muốn nghĩ con bị viêm phế quản... Nhiều người khác lại có tâm lý chủ quan mặc dù được tư vấn rõ ràng nhưng sau đó vẫn bỏ điều trị hoặc không điều trị dự phòng hen cho con dẫn đến hậu quả đáng tiếc như bệnh tái phát nhiều lần, ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ, ảnh hưởng phổi không hồi phục... Tổng kết lại, các sai lầm này đều bắt nguồn từ nhận thức của cha mẹ còn chưa đầy đủ và chưa đúngvề căn bệnh hen phế quản - TS. Hương nhận định.

Cũng theo TS.BS. Lê Thị Thu Hương, để điều trị bệnh hen phế quản ở trẻ em, không chỉ trả lời câu hỏi: “Dùng thuốc gì?” mà còn phải lập ra một kế hoạch tổng thể cho từng em bé, từ việc nhận biết các dấu hiệu ho, thở khò khè của con, cách chăm bé khi mới có biểu hiện triệu chứng, các kỹ thuật xịt thuốc, cách sử dụng thuốc ho đúng, khi nào đưa trẻ đi khám... Do hen phế quản là một bệnh mạn tính nên cần xác định điều trị là một kế hoạch lâu dài, cần sự kiên trì và phối hợp chặt chẽ với bác sĩ điều trị. Nhấn mạnh vai trò của bố mẹ và việc tuân thủ điều trị tại nhà, BS. Hương còn cho rằng trong điều trị hen phế quản trẻ em, điều trị dự phòng tại nhà mới là chính yếu.

 

Chiều ngày 21/11/2020, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã phối hợp với Bộ môn Nhi (Trường Đại học Y Hà Nội) tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Hen nhi khoa. Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong việc điều trị hen ở trẻ em.

 Nguồn https://suckhoedoisong.vn