Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cần chính sách hỗ trợ giáo dục đặc biệt cho trẻ em


Ngày 17-11, tờ The Hill (Mỹ) dẫn nguồn từ Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc cho biết, khu vực Mỹ Latinh và Caribe đang hứng chịu “thảm họa kép” khi có tới 137 triệu trẻ em không được đến trường do ảnh hưởng đại dịch Covid-19.

Trẻ em tham gia lớp học ở khu phố Petare, thủ đô Caracas, Venezuela. Ảnh: UNICEF

Nguy cơ bỏ học cao

Theo báo cáo mới nhất của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) về tác động của đại dịch Covid-19 đối với giáo dục, trẻ em ở Mỹ Latinh và Caribe đã mất khoảng 174 ngày đi học so với các khu vực khác trên thế giới và hầu hết học sinh có nguy cơ bỏ lỡ cả năm học. Hơn 1/3 quốc gia ở Mỹ Latinh và Caribe vẫn chưa ấn định ngày mở cửa trường học trở lại. Thành quả giáo dục mà Mỹ Latinh và Caribe thu được trong những thập niên qua đang có nguy cơ bị đảo ngược. Tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng giáo dục này sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới.

Báo cáo cũng cho thấy, đại dịch Covid-19 đã làm tăng khoảng cách về giáo dục giữa các gia đình giàu và nghèo ở Mỹ Latinh, tỷ lệ trẻ em không nhận được bất kỳ hình thức giáo dục nào trên toàn khu vực tăng vọt từ 4% lên 18% chỉ trong vài tháng qua. Các dự báo của Liên hiệp quốc cho thấy, có thể có hơn 3 triệu trẻ em ở Mỹ Latinh (ngoài số 137 triệu ở trên) phải nghỉ học.

Kể từ khi các trường học đóng cửa, chỉ có khoảng 42 triệu học sinh trong khu vực được học từ xa và học tại nhà do UNICEF hỗ trợ thông qua đài phát thanh, internet và các nền tảng khác. Bernt Aasen, Giám đốc UNICEF khu vực Mỹ Latinh, cho biết: “Đối với trẻ em nghèo, việc học ở nhà đã trở thành một thử thách khó khăn”. UNICEF đã kêu gọi các quốc gia trong khu vực tăng ngân sách giáo dục, đặc biệt quân tâm, hỗ trợ những trẻ em có nguy cơ bỏ học. Trẻ em gái, trẻ em di cư, trẻ em từ các cộng đồng bản địa và trẻ em khuyết tật có nguy cơ bỏ học cao. Vì thế, các quốc gia cần phải có chính sách hỗ trợ giáo dục đặc biệt đối với các trường hợp này, chẳng hạn như hỗ trợ học phí, tiền ăn học, chi phí đưa đón để khuyến khích phụ huynh cho con đi học…

Lo trẻ bị bạo hành, bóc lột sức lao động

Không riêng khu vực Mỹ Latinh đang xảy ra cuộc khủng hoảng tụt hậu về giáo dục, theo Tổ chức Bảo vệ trẻ em (Save the Children), hiện ít nhất 12 quốc gia có trẻ em đối mặt với nguy cơ thất học gồm Niger, Mali, Chad, Liberia, Afghanistan, Guinea, Mauritania, Yemen, Nigeria, Pakistan, Senegal và Bờ Biển Ngà. Trước khi khủng hoảng xảy ra, ước tính 258 triệu trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn cầu đã không thể đến trường.

Giới chuyên gia giáo dục cho rằng, khoảng cách bất bình đẳng giữa học sinh có điều kiện và học sinh nghèo sẽ tiếp tục nới rộng trong thời gian tới. Trong cảnh khó khăn tứ bề, các nước đành phải đẩy mạnh hình thức học trực tuyến. Tuy nhiên, nhóm học sinh nghèo lại không có không gian học tập phù hợp, không có đủ trang thiết bị để học trực tuyến, theo đó nguy cơ trẻ em bỏ học càng tăng cao, hệ lụy xã hội sẽ phát sinh. Theo tổ chức nghiên cứu Pew, hầu hết trẻ em nghèo không thể hoàn thành bài tập vì thiếu kết nối internet hoặc không có máy tính.

Đối với nhiều trẻ em châu Phi, việc học trực tuyến là điều không tưởng. Mali, Niger và Nam Sudan là 3 quốc gia với tỷ lệ học sinh nữ nhập học và tốt nghiệp thấp nhất thế giới, trường học tạm dừng hoạt động khiến hơn 4 triệu học sinh nữ thất học. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc đóng cửa trường học làm tăng nguy cơ bé gái bị bạo hành, lạm dụng thể xác. Eric Hazard, Giám đốc chính sách châu Phi của tổ chức Save the Children, cho biết trẻ em không được đến trường cũng có nguy cơ cao bị bóc lột sức lao động, bị lạm dụng, đặc biệt trẻ em gái nhiều khả năng không bao giờ được quay lại trường.

Nguồn https://www.sggp.org.vn