Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cô giáo vùng cao được mệnh danh “Mẹ của những đứa trẻ Mông”


“Bà con trong thôn gọi tôi là “Mẹ của những đứa trẻ Mông”, tôi nghĩ việc làm của tôi chỉ là rất nhỏ bé trong xã hội.

Trong số tham luận của các điển hình tiên tiến tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lào Cai vừa mới diễn ra, có một bài tham luận rất xúc động, là câu chuyện kể về chính mình của một cô giáo vùng cao được mệnh danh “Mẹ của những đứa trẻ Mông”. Đó là cô giáo Nguyễn Thị Thanh Minh - giáo viên Trường Mầm non số 2, thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Minh chia sẻ bên lề Đại hội thi đua yêu nước

Cô Minh sinh năm 1966, sau khi tốt nghiệp sư phạm ra trường được phân công về dạy mầm non tại Phong Hải từ đó đến nay đã hơn 30 năm. 5 năm gần đây, tuy tuổi đã cao, nhưng cô vẫn tình nguyện công tác ở các điểm trường vùng khó của Phong Hải như phân hiệu Xín Thèn, Sảng Pả.

“Năm học 2016 – 2017, tôi xung phong lên dạy ở phân hiệu thôn Sảng Pả. Trong thôn có một bản nằm tít tận trên núi cao. Trên đó chỉ có 9 gia đình, cuộc sống muôn vàn khó khăn. Có gia đình 7 người có mỗi 1 cái chõng; có gia đình mái nhà chỉ là tấm bạt để che chắn khi mưa nắng. Đường lên bản chỉ có đường mòn luồn lách qua khe đá, phải đi bộ 3 tiếng đồng hồ mới đến trung tâm thôn. Phân hiệu lại ở xa, các cháu không được đến lớp mà phải ở nhà theo bố mẹ lên nương....”, ngay từ những lời kể đầu tiên, bằng chất giọng nhẹ nhàng, ấm áp, sâu lắng, cô Minh đã khiến cả hội trường nín lặng.

Cô Minh chăm học sinh trên lớp (ảnh: Lào Cai TV)

“Tôi lên nhiều lần vận động bố mẹ cho các cháu đi học họ đều nói không có tiền. Trong hoàn cảnh đó nghe rất thương, tôi nói cứ cho con đi học, Nhà nước và cô giáo sẽ nuôi không phải đóng góp gì cả. Sau không ít lần thuyết phục, cuối cùng bố mẹ chúng cũng đồng ý cho con xuống núi. Phân hiệu Mầm non không có chỗ cho các cháu ở, tôi bàn với Ban Giám hiệu nhà trường và các phụ huynh để tôi đón các cháu về nhà mình ở. Khi đó bố mẹ các cháu phấn khởi lắm và bảo “Có cô giáo rồi thì không lo gì nữa” và thống nhất để con tối ở nhà cô, ngày theo cô lên lớp, bố mẹ thì về nhà trồng ngô, cấy lúa cuối tuần mới xuống đón con về”, cô Minh kể.

Ngày đầu tiên đi học, phải xa bố mẹ, các cháu khóc làm nước mắt cô Minh cũng rớt theo. Nhìn cháu nào cháu ấy mặt mũi nhem nhuốc, đầu tóc bù xù, quần áo bẩn thỉu trông đến tội. Cô Minh ôm các cháu vào lòng, động viên, an ủi, tạo tâm thế thoải mái cho các cháu yên tâm. Thế là công việc chăm sóc bắt đầu.

“Sáng tôi thường dậy từ rất sớm để nấu cơm cho các cháu ăn, đưa các cháu đi học, phân hiệu cách nhà tôi 6 Km. Chiều tan học, cũng là tan giờ làm, tôi đón các cháu về và tiếp tục công việc chăm sóc các cháu ở nhà như tắm giặt, gội đầu, nấu cơm cho chúng ăn. Được đi học, các cháu biết tiếng phổ thông, ngồi ăn cơm, chúng nói ‘Cô giáo ơi, ở nhà cô giáo được ăn cơm với thịt, về Sảng Pả không có thịt ăn đâu’. Ăn xong lên giường nằm xem ti vi, các cháu giơ chân, giơ tay lên nói ‘Ôi sướng quá’, tôi vừa xúc động, vừa thấy vui”, cô Minh bày tỏ.

Nhớ ngày đầu tiên được tắm gội bằng xà phòng thơm, được mặc quần áo mới, cháu nào cũng thích thú nhìn nhau cười khúc khích. Tuần đầu bố mẹ đến đón, nhìn thấy con sạch sẽ, khỏe mạnh ai cũng cười và phấn khởi.

Năm nào cô Minh cũng đón các cháu về nhà nuôi (Ảnh: Lào Cai TV)

Từ đó đến nay, năm nào cô Minh cũng đón các cháu về nhà nuôi. Năm học 2016 – 2017, nuôi 4 cháu; năm học 2017 – 2018, nuôi 5 cháu; năm học 2018 – 2019, nuôi 5 cháu; năm học 2019 – 2020, nuôi 5 cháu. Năm học này (2020 – 2021), nuôi 4 cháu, trong đó có 1 cháu 2 tuổi, 3 cháu 4 tuổi. 10 cháu từng ở với cô Minh đã lên tiểu học.

Đêm nào cũng vậy, trên chiếc giường nhỏ, bọn trẻ nằm ngủ phía trên còn cô Minh nằm ngang dưới chân chúng ở cuối giường. Không phải nhà thiếu giường, mà cô không yên tâm để các cháu ngủ một mình, vì lo sợ đêm rét còn phải đắp chăn, dỗ dành khi trẻ giật mình quấy khóc hay ốm đau không biết bảo. Ngoài ra, ban đêm còn phải đánh thức chúng dậy đi "vệ sinh”… Những lời tự sự của cô Minh được thốt ra từ chính trái tim yêu nghề, mến trẻ chưa bao giờ cạn.

Trong tham luận của mình, cô nhắc đến một kỷ niệm khiến cô nhớ mãi, gắn với đứa trẻ đầu tiên cô nhận nuôi đến nay đã 4 năm.

“Đó là vào một đêm mùa đông giá rét, cháu Cư Thị Chứ (2 tuổi) bị viêm phổi cấp. 2 giờ đêm Chứ lên cơn sốt cao, khó thở, tình trạng rất nguy hiểm, tôi vội vàng đưa cháu đến Phòng khám đa khoa thị trấn Phong Hải cách nhà 5Km. Đêm ấy trời mưa, trên đường không một bóng người, chỉ có 2 cô cháu trên chiếc xe. Sau khi sơ cứu ở phòng khám, tôi vừa ôm cháu bé sốt mê man trên tay, bụng vừa lo cho các cháu ở nhà, chỉ mong trời mau sáng để về xem chúng thế nào”, cô Minh kể.

Cô yêu thương vỗ về học sinh trên lớp (Ảnh: Lào Cai TV)

Cô Minh cho hay: “Mờ sáng tôi xin bác sỹ về nhà, thấy các cháu vẫn say ngủ tôi rất mừng. Tôi bèn quay ra nấu cơm cho các cháu ăn rồi đưa các cháu lên lớp học. Sau đó lại quay về nhà đưa cháu Chứ đến phòng khám điều trị. Tôi điện cho bố cháu từ Sảng Pả trên núi cao xuống chăm con ốm. Khi hỏi đến thẻ bảo hiểm y tế không có, bác sỹ nói nếu không có bảo hiểm thì phải mất tiền thuốc, bố mẹ cháu Chứ nghèo không có tiền chữa bệnh định mang con về, tôi nói không có tiền cô giáo sẽ cho tiền chữa bệnh cho con. Một tuần sau cháu Chứ khỏi ốm được về nhà, bố cháu xúc động nói "cảm ơn cô giáo”.

Cô Minh kể, trong 5 năm trông nuôi bọn trẻ, sáng cô phải dậy sớm hơn, tối phải thức khuya hơn, công việc hằng ngày dồn hết tới thứ 7, Chủ nhật làm, để dành thời gian chăm sóc chúng, nhưng cô không hề phàn nàn mà còn thấy vui mỗi khi có trẻ con bên cạnh.

Được biết, cũng trong suốt 5 năm qua, ngoài số tiền ăn trưa được nhà nước hỗ trợ thì bữa sáng và bữa tối, tiền quần áo, đồ chơi, bỉm, sữa, bánh kẹo... cho lũ trẻ đều phải chắt chiu từ chính đồng lương ít ỏi của cô Minh và những tấm lòng hảo tâm xung quanh. Cô không yêu cầu phụ huynh phải đóng góp bất cứ thứ gì, chỉ mong các cháu khỏe mạnh được đến trường, đi học đầy đủ. Nhiều người hiểu và chia sẻ cùng cô, nhưng cũng có người bảo cô tại sao phải thế làm gì cho khổ.

Nhưng với cô Minh, mọi người nghĩ sao cũng được, quan trọng là cô không chịu bất kì sức ép nào, mọi việc đều hoàn toàn tự nguyện.

Hiện, một mình cô ở trong căn nhà nhỏ tại thị trấn Phong Hải bên cạnh 4 đứa trẻ nhận trông nuôi (Ảnh: Lào Cai TV)

Chia sẻ với phóng viên VOV, cô Minh cho biết, chỉ còn không lâu nữa, tới tháng 1/2021 cô nghỉ hưu, trong khi năm học chưa kết thúc, nhưng trước mắt cô vẫn sẽ tiếp tục nuôi bọn trẻ đến hết năm học.

“Kể cả sau này khi về hưu rồi mà nhà trường cần, tôi vẫn cố gắng nhận nuôi tiếp được”, cô Minh nói không chút do dự.

Nghe cô Minh chia sẻ một chút về gia đình riêng của mình, mới biết cô có hoàn cảnh rất éo le. Năm 2010, chồng cô bị tai biến qua đời, cô khi đó vừa công tác ở vùng cao, vừa tần tảo nuôi 2 con ăn học chuyên nghiệp. Hiện, một mình cô ở trong căn nhà nhỏ tại thị trấn Phong Hải bên cạnh 4 đứa trẻ nhận trông nuôi.

“Mỗi chiều thứ 6 hàng tuần bọn trẻ về nhà với bố mẹ chỉ còn mình, những lúc ấy khi mở cổng vào nhà là tôi lại rớt nước mắt vì buồn vắng”, cô Minh tâm sự.

“Bà con trong thôn gọi tôi là “Mẹ của những đứa trẻ Mông”, tôi nghĩ việc làm của tôi chỉ là rất nhỏ bé trong xã hội, nhưng tôi ý thức được bản thân đang làm điều có ích và tôi thấy vui, cũng là động lực để tôi sống và làm việc tốt hơn”, cô cười, nụ cười lẫn ánh mắt trong sáng đúng như tên gọi của cô “Thanh Minh”./.

Nguồn https://vov.vn