Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cô giáo mầm non khởi xướng nhiều phương pháp giáo dục tiên tiến


Ở Trường Mẫu giáo Mầm non A (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), cô giáo Nguyễn Thị Thanh Trà được đồng nghiệp gọi là chuyên gia ứng dụng CNTT vào dạy học, là người khởi xướng nhiều phương pháp giáo dục tiên tiến.

 

Một tiết học ứng dụng STEAM của cô Trà

Cô Trà vinh dự là một trong 34 giáo viên cấp học mầm non được xét duyệt giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” năm 2020.

Là tổ trưởng chuyên môn, cô Trà có nhiều đổi mới hiệu quả trong phương pháp giảng dạy. Năm học 2019-2020, cô được Ban giám hiệu phân công chủ nhiệm lớp mẫu giáo lớn thực hiện thí điểm tiếp cận phương pháp dạy học tiên tiến với phương châm “học tập để truyền cảm hứng”.

Phương pháp này cung cấp cho trẻ những kỹ năng tư duy logic, khả năng tự học, tự tìm kiếm thông tin, khả năng phán đoán, đặt câu hỏi, giải quyết vấn đề. Với phương pháp dạy học đó, học sinh luôn thích thú và tích cực với các hoạt động của cô đưa ra.

Học sinh hứng thú với những tiết học

Qua quá trình triển khai, nhờ sự vào cuộc tích cực của BGH cùng tâm huyết của cô Trà, 100% phụ huynh học sinh đều ủng hộ chương trình học và có những chia sẻ, phản hồi tích cực.

Cùng với đó, cô Trà cùng BGH Trường Mẫu giáo Mầm non A đã nghiên cứu, tìm tòi, tham khảo một số quan điểm GD hiện đại, lựa chọn hệ thống chủ đề, triển khai các dự án xuất phát từ nhu cầu gần gũi với cuộc sống của trẻ, thiết kế các hoạt động GD và đặc biệt xây dựng môi trường GD lấy trẻ làm trung tâm.

Cô Trà giải thích: GD lấy trẻ làm trung tâm có nghĩa là đổi mới phương thức tiếp cận. Theo đó, GV chỉ là người định hướng, gợi mở để trẻ có cơ hội bộc lộ kinh nghiệm của bản thân, tự rút ra kiến thức, kỹ năng cho mình thông qua các hoạt động quan sát, thu thập thông tin, thực hành, thí nghiệm, trải nghiệm thực tế, trò chơi, bài tập với nhóm lớn và cá nhân trẻ.

Cô Trà hướng dẫn học sinh dùng vỏ hộp sữa để chế tạo robot

Dựa trên những kinh nghiệp thực tế giảng dạy, cô Trà đã nghiên cứu và xây dựng bài tập “những trò chơi bài tập rèn luyện kỹ năng tô vẽ cho trẻ mẫu giáo”. Sáng kiến đã đạt giải B cấp thành phố và được các bạn đồng nghiệp trong nhà trường và các trường bạn áp dụng.

Tiếp tục phát huy sáng kiến và không ngừng nghiên cứu học hỏi, năm học 2020 – 2021, cô Trà được nhà trường phân công nhiệm vụ thực hiện năm thứ 2 thí điểm phương pháp giáo dục tiên tiến, đi sâu nghiên cứu ứng dụng và trên thực tiễn dạy trẻ.

Nhận xét về đồng nghiệp, cô Phạm Thị Thu Hà- Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Mầm non A cho biết: Cô Trà là người không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác dạy học, nghiên cứu, sáng tạo trong việc sưu tầm và xây dựng bài tập STEAM cho trẻ mẫu giáo lớn.

Sáng kiến kinh nghiệm “Ứng dụng STEAM trong việc sưu tầm và xây dụng các bài tập tìm hiểu và khám phá khoa học cho trẻ mẫu giáo lớn” của cô Trà đã đạt giải A Sáng kiến kinh nghiệm cấp quận; giải C cấp Thành phố.

Học sinh hào hứng với những tiết học STEAM

Với nhiều kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy, cô Trà được nhà trường giới thiệu và Sở GD&ĐT Hà Nội tin tưởng giao nhiệm vụ tham gia hội đồng thẩm định tài liệu “Hướng dẫn đánh giá sự phát triển của trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non” của Bộ GD&ĐT. Cô đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu để hoàn thiện tài liệu, được các chuyên gia, lãnh đạo đánh giá cao.

Trong 5 năm học ở vị trí tổ trưởng chuyên môn, khối trưởng khối mẫu giáo lớn của trường Mẫu giáo Mầm non A, cô Trà có nhiều đóng góp vào thành tích của nhà trường trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi trong các năm học.

Cô Trà luôn trau dồi kiến thức, tích cực ứng dụng CNTT và các phương pháp dạy học tiên tiến trong việc chăm sóc giáo dục trẻ, thường xuyên tham gia trong các đợt chia sẻ, trao đổi, tập huấn cùng các đồng nghiệp ở trường để “truyền lửa” cùng thắp sáng hành trình sáng tạo.

Nguồn https://giaoducthoidai.vn