Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bà mẹ dạy con tránh tư duy đặc quyền


Là bà mẹ người Mỹ gốc Pakistan, Aila Malik, tác giả cuốn "Mommy, Am I American?" cho rằng thảo luận về khái niệm đặc quyền rất quan trọng với trẻ.

Malik mong muốn các con trở thành người giàu lòng nhân ái, có trái tim đồng cảm. Điều này bắt đầu từ việc dạy trẻ hiểu rõ những điều mình đang sở hữu đều đáng quý, không phải tự nhiên mà có.

Khi trẻ nghĩ những gì tốt đẹp đang sở hữu là hiển nhiên, là đặc quyền hơn người khác, các em sẽ hình thành tính cách kiêu căng, ích kỷ. Mặc dù không nhiều cha mẹ thảo luận với con cái về khái niệm đặc quyền, đây vẫn là bài học nên được trau dồi thường xuyên.

Đặc quyền có thể định nghĩa là một lợi ích, về vật chất và tinh thần, chúng ta sở hữu mà không phải trải qua khó khăn để giành lấy. Ví dụ, nhiều đứa trẻ được hưởng đặc quyền lớn lên trong hòa bình nhưng cha ông các em đã hy sinh, đổ máu để đổi lấy điều này.

"Để chống lại tư duy đặc quyền, bạn cần nhận thức những gì con đang sở hữu và liên tục thảo luận với các em về ý nghĩa của chúng", Malik nói, nhấn mạnh nên giáo dục vấn đề này cho trẻ đang học THCS, THPT.

 

Ảnh: Bibliotecabrincar

Ảnh: Bibliotecabrincar

1. Thể hiện lòng biết ơn trong gia đình

Gia đình là khởi nguồn của xã hội nên việc giáo dục về lòng biết ơn từ những điều nhỏ nhặt trong gia đình sẽ giúp trẻ hình thành lòng biết ơn với xã hội. Malik vẫn thường xuyên nhắc nhở và cùng các con bày tỏ lòng biết ơn trước những điều được coi là hiển nhiên trong nhà.

Cô bảo con nói lời cảm ơn với những người giao hàng, cảm ơn bố mẹ vì đã lắp Internet hoặc tủ sách trong nhà. Ngoài ra, bà mẹ cũng khuyến khích con gửi thư, nói lời cảm ơn mọi người xung quanh khi đã giúp đỡ hoặc chia sẻ những điều tốt đẹp với con.

2. Chia sẻ lịch sử gia đình

Mỗi gia đình đều có câu chuyện riêng và nó luôn bắt đầu từ những thế hệ đi trước. Trẻ em nên nhận thức sự hy sinh của tổ tiên để các em có được cuộc sống như ngày hôm nay.

Điều này giống như "kim chỉ nam" giúp các em tự hào về nguồn gốc, cũng như cảm thấy biết ơn những hy sinh của người khác, giúp các em trở nên khiêm tốn, thúc đẩy lan tỏa hành động tốt đến mọi người xung quanh.

Malik thường nói với con trước đây ông bà không đủ tiền để đi nghỉ mát hay mua điện thoại iPhone như các con bây giờ. Đây là lời nhắc nhở khéo con phải trân trọng những gì mình đang có.

"Mẹ tôi thường nói rằng trẻ em không hư vì sở hữu nhiều món đồ mà hư vì không biết ơn khi có chúng", Malik nói.

3. Khơi dậy sự đồng cảm và thái độ vì cộng đồng

Malik định nghĩa sự đồng cảm là "khả năng hiểu, chia sẻ cảm xúc của người khác và thừa nhận đặc quyền của chúng ta để giúp đỡ người khác". Điều này có nghĩa trẻ nên nắm rõ đặc quyền của mình và biến chúng thành công cụ giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, để có thể giúp đỡ mọi người xung quanh, trẻ cần học cách đồng cảm.

Trong gia đình, sau khi con trải qua chuyện khó khăn, Malik thường bảo con đặt người khác vào tâm trạng này. Từ đó, các em có thể hiểu cho khúc mắc của mọi người xung quanh. Khi đọc sách, xem phim, bà mẹ cũng sẽ thảo luận với con về cách nhân vật chính thể hiện sự quan tâm hoặc ích kỷ với nhân vật khác.

Nếu đã xây dựng được lòng đồng cảm, trẻ tự nhiên sẽ bị thu hút vào các chiến dịch cộng đồng.

Cha mẹ cũng có thể khuyến khích các hành động vì cộng đồng bằng cách thảo luận về những vấn đề nổi cộm như định kiến giới. Ngoài ra, khuyến khích con tham gia câu lạc bộ vì cộng đồng tại trường học, khu dân cư hay tặng quà tự làm, bày tỏ quan tâm tới bạn bè.

Nguồn vnexpress.net