Nếu như người lớn biết cách tránh để kiến ba khoang làm tổn thương mình thì trẻ nhỏ lại chưa ý thức được điều này.
Cách nhận dạng kiến ba khoang và thời điểm xuất hiện nhiều Trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp nhiều lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn. Tuy nhiên đã có trường hợp một bé gái ở Hà Nội tử vong vì kiến ba khoang đốt. Bởi một con kiến ba khoang có lượng độc tố thấp, nhưng lượng độc tố sẽ tăng cao khi bị nhiều con đốt. Nếu không điều trị sớm rất dễ dẫn đến suy thận, thậm chí tử vong. Kiến ba khoang xuất hiện quanh năm nhưng nhiều nhất vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 11, đặc biệt vào những thời điểm thời tiết mưa nhiều, ẩm ướt.
Kiến ba khoang bị thu hút bởi ánh sáng, nhất là ánh đèn huỳnh quang. Vì vậy, khi trời tối, các gia đình bật điện là chúng sẽ bay vào nhà.
Tuy nhiên, trẻ nhỏ thì lại chưa ý thức được điều này, trẻ có thể nghịch hoặc lấy tay bắt, giết kiến, điều đó sẽ khiến trẻ gặp nguy hiểm. Vì vậy, bố mẹ cần hướng dẫn cho con hoặc ghi nhớ cách xử trí khi không may bé bị kiến ba khoang tấn công. Nếu trẻ có những dấu hiệu này thì bé đã bị kiến ba khoang đốt Kiến ba khoang thường tấn công trẻ ở những vị trí như cánh tay, cổ, mặt. Ban đầu bé có thể sẽ không cảm thấy có bất cứ triệu chứng nào. Nhưng khoảng 12-24h sau, bé có thể bị bỏng và ngứa nhiều xung quanh những vùng bị kiến ba khoang đốt. Tiếp tục 2-3 ngày sau khi tiếp xúc với kiến ba khoang, khu vực này có thể đỏ tấy, sưng lên và bắt đầu xuất hiện các vết loét nhỏ. Sau đó chúng trở thành những vết rộp rồi vỡ ra như vết bỏng. Nếu không quan sát con kỹ càng, thường thì đến thời điểm vết thương đã trở nên giống vết bỏng, bố mẹ mới phát hiện ra. Sau 3 ngày thương tổn bắt đầu đỡ rát bỏng, bong vảy và sau 5-7 ngày thì vảy bong hết nhưng để lại vết thâm lâu biến mất.
Nếu tay của bé có dính chất độc của kiến ba khoang mà chạm vào mắt, có thể dẫn đến sưng mắt, đỏ mắt hoặc mù mắt tạm thời. Nếu tình trạng nhiễm độc nặng, bé sẽ kèm theo triệu chứng sốt, nổi hạch và đau vùng cổ, nách, suy thận, thậm chí tử vong. Bố mẹ cần làm gì khi con bị kiến ba khoang đốt?
- Khẩn trương bôi hồ nước vào vùng da tiếp xúc với kiến ba khoang. Tùy vào mức độ nặng, nhẹ khi bị kiến đốt để bôi thêm một số loại thuốc. Ví dụ: Nếu nốt ban đổ chuyển sang thành mụn mủ, phồng rộp thì dùng thêm kem mỡ Oxyde kẽm, kem mỡ kháng sinh để bôi lên da. - Nếu xuất hiện dấu hiệu lở loét hay nhiễm khuẩn, rỉ mủ thì bố mẹ mua dung dịch xanh metilen 1% bôi cho bé. - Trong trường hợp tình trạng của trẻ nặng hơn, các chuyên gia khuyên bố mẹ sau khi vệ sinh vết thương cho con thì nên đưa bé đến bệnh viện chuyên khoa da liễu để thăm khám. Bố mẹ không nên tự ý điều trị cho con tại nhà để tránh các biến chứng nguy hiểm. Phòng tránh kiến ba khoang đốt trẻ bằng cách nào?
- Thường xuyên quan sát con để nhận ra những dấu hiệu bất thường ở trẻ nếu có tiếp xúc với kiến ba khoang.
- Tránh cho trẻ chơi ở nơi có nhiều đèn sáng vì những khu vực này rất thu hút kiến ba khoang. Khi đi ngủ nên cho trẻ ngủ trong màn. - Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng đãng, tránh ẩm ướt. - Trước khi mặc quần áo hay dùng khăn lau mặt cho trẻ, bố mẹ nên kiểm tra trước để phát hiện kiến ba khoang nếu có. - Khi phát hiện trong nhà có nhiều kiến ba khoang, có thể gây nguy hiểm cho con, bố mẹ nên liên hệ đơn vị y tế chuyên trách để được hướng dẫn và phối hợp xử lý kịp thời.
Nguồn Phapluatvabandoc |