Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Những bệnh nguy hiểm có thể lây từ mẹ sang con bà bầu hết sức lưu ý


 

Trước khi có ý định mang thai, mẹ cần thăm khám để đảm bảo có sức khỏe tốt nhất, sẵn sàng cho việc có bầu.


Mới đây sự việc bé sơ sinh ở Nghệ An vừa chào đời đã mắc bệnh giang mai bẩm sinh đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Theo đó, bệnh nhi này được sinh ở bệnh viện huyện, từ người mẹ mắc bệnh giang mai. Đứa trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai, viêm nhiễm tay chân với thể trạng non yếu, sau đó bé được chuyển điều trị theo phác đồ bệnh giang mai với bé sơ sinh.

Trẻ chào đời bị mắc bệnh giang mai bẩm sinh có nguy cơ tử vong chỉ vài giờ sau đó hoặc gây ra những dị tật bẩm sinh như: Thiểu năng trí tuệ, tim bẩm sinh hay khiếm khuyết cơ thể. Ngoài ra, bệnh làm suy giảm sức khỏe, sức đề kháng của bé khiến bé luôn ốm yếu, không hấp thụ được chất dinh dưỡng. Giang mai bẩm sinh còn khiến cơ thể bé bị lở loét, phồng rộp. Nếu bệnh nặng và biến chứng, bé sẽ không còn khả năng sinh sản khi trưởng thành.

 


Sức khỏe bệnh nhi hiện đã ổn định sau 20 ngày điều trị.

Được biết hiện tại sức khỏe của bệnh nhi này đã ổn định sau 20 ngày điều trị và sẽ được xuất viện trong ít ngày tới. Tuy nhiên, sự việc này đã là một lời cảnh báo cho tất cả những phụ nữ đang và chuẩn bị làm mẹ, cần có sự chuẩn bị để đảm bảo có sức khỏe tốt trước và trong quá trình mang thai.

Ngoài giang mai, còn có rất nhiều căn bệnh nguy hiểm khác có thể lây từ mẹ sang con. Các mẹ cần ghi nhớ để phòng tránh, đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho cả bản thân và em bé.


Trẻ vừa sinh ra cần được tiêm ngay vắc xin này phòng bệnh nguy hiểm, nếu để sau 7 ngày sẽ hoàn toàn vô tác dụng
Bệnh lậu

Phụ nữ mắc bệnh lậu mạn tính rất dễ gây vô sinh do lây nhiễm gây viêm cổ tử cung, tử cung, vòi trứng, buồng trứng...

Phụ nữ có thai bị bệnh lậu có nguy cơ cao về sảy thai, nhiễm trùng ối hoặc chuyển dạ sớm. Trong quá trình chuyển dạ, nếu mẹ mắc bệnh lậu thì vi khuẩn của bệnh có thể truyền sang cho bé. Bệnh lậu sẽ ảnh hưởng đến mắt của bé sơ sinh, nếu không được điều trị, bé có thể bị mù. Ngoài ra, bệnh lậu từ mẹ có thể ảnh hưởng đến các phần khác trên cơ thể bé như nhiễm trùng máu, viêm màng não... Các chuyên gia sản phụ khoa thường khuyên phụ nữ có bệnh lậu nên điều trị lành rồi mới mang thai.

Virus herpes

Thai nhi sẽ gặp rất nhiều rủi ro khi người mẹ bị nhiễm virus herpes, nhất là với những thai phụ mang thai lần đầu.

Một người mẹ có thể lây nhiễm Herpes Simplex Virus (HSV) sang cho con trong lúc sinh nở. Trong trường hợp các vết loét hoặc dấu hiệu cho thấy một ổ dịch sắp xuất hiện tại thời điểm sinh nở, bác sĩ sẽ tiến hành mổ lấy thai để đảm bảo an toàn cho thai nhi.

 


Virus HSV (Herpes Simplex Virus) lây từ mẹ sang em bé kéo theo nhiều nguy cơ nguy hiểm.

Nếu mẹ bị mụn rộp sinh dục trước khi mang thai, hoặc bị nhiễm bệnh lần đầu tiên trong thai kỳ, nguy cơ thai nhi sẽ thấp, dưới 1%. Tuy nhiên, nếu mẹ bị nhiễm bệnh vào giai đoạn cuối của thai kỳ nguy cơ lây nhiễm cho trẻ sẽ rất cao (từ 30-50%). Bởi vì lúc này hệ thống miễn dịch của người mẹ không phát triển và sản sinh ra các kháng thể giúp bảo vệ chống lại virus.

Vì vậy, phụ nữ đang mang thai và bị nhiễm bệnh cần phải đến các cơ sở y tế để khám để được tư vấn phương pháp ngăn chặn virus lây nhiễm sang thai nhi.

Bệnh sùi mào gà

Bệnh sùi mào gà do virus HPV gây ra có thể lây qua 2 con đường là quan hệ tình dục không an toàn và lây từ mẹ sang con. Phụ nữ có thai bị sùi mào gà thường chảy máu khó cầm gây nguy hiểm tính mạng, phải mổ lấy thai và lây từ mẹ sang con trong khi sinh đẻ.

Ngoài ra, người mẹ còn có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung, âm đạo, âm hộ, hậu môn. Bởi vậy mẹ nên điều trị bệnh khỏi dứt điểm trước khi có ý định mang thai vì bệnh này không chỉ lây từ mẹ sang con mà còn nguy hiểm đến tính mạng của mẹ.

Mặc dù vậy, rất hiếm trường hợp sùi mào gà lây từ mẹ sang con, nhưng nếu xảy ra, trẻ sơ sinh sẽ bị phát triển sùi mào gà trong miệng hoặc cổ họng vài tuần sau sinh.

Viêm phụ khoa do nấm Candida

Nấm Candida thường cư trú bên trong âm đạo, trong giai đoạn thai nghén, sự tăng giảm nội tiết tố đột ngột làm thay đổi độ pH âm đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho vi nấm sinh sôi, phát triển và gây bệnh. Việc điều trị viêm âm đạo khi mang thai do nấm Candida thường rất dễ dàng tuy nhiên bệnh rất dễ tái đi tái lại nhiều lần.

 


Trong trường hợp người mẹ mắc bệnh phụ khoa khi mang thai mà không được điều trị dứt điểm thì khi sinh con qua âm đạo, nấm có thể dính vào niêm mạc miệng gây đen miệng hoặc viêm da do nấm cho trẻ sơ sinh. Nguy hiểm hơn, thai nhi có thể bị suy dinh dưỡng trong tử cung hoặc tăng nguy cơ sinh non, sức đề kháng yếu, có thể bị viêm phổi do nấm. Vì vậy, mẹ bầu cần điều trị bệnh dứt điểm trước khi sinh con nhằm tránh lây cho bé trong quá trình sinh nở.

Bệnh do vi khuẩn Chlamydia


Bố mẹ nên nhớ: Đến 80% các trường hợp trẻ bị viêm tiểu phế quản là do virus và không cần dùng kháng sinh
Phụ nữ mang thai bị nhiễm vi khuẩn Chlamydia có thể bị vỡ ối non, nhiễm khuẩn ối, sinh non, nhiễm khuẩn hậu sản và lây truyền cho em bé.

Trẻ bị nhiễm vi khuẩn Chlamydia sẽ gặp các triệu chứng của viêm kết mạc do Chlamydia gồm đỏ mắt, sưng mí mắt và dử mắt dạng mủ, xuất hiện từ 5 đến 12 ngày sau khi sinh.

Khoảng một nửa số trẻ sơ sinh bị viêm kết mạc chlamydia cũng bị nhiễm trùng ở các bộ phận khác cơ thể. Nguy hiểm hơn, vi khuẩn còn có thể lây nhiễm sang phổi và vòm họng.

Thai phụ khi đã nhiễm vi khuẩn Chlamydia cần tuân thủ điều trị và có thể áp dụng điều trị dự phòng cho bạn tình của người nhiễm để hạn chế khả năng lây truyền bệnh.

Viêm gan siêu vi B

Viêm gan siêu vi B (hay gọi tắt là viêm gan B) do virus viêm gan siêu vi B gây ra. Bệnh lây qua 3 con đường là: Đường máu, quan hệ tình dục và lây từ mẹ sang con. Viêm gan B mạn tính có thể dẫn tới xơ gan, ung thư gan...

Nếu mẹ không bị nhiễm viêm gan B và dự định mang thai thì cần tiêm vắc xin ngừa bệnh viêm gan B. Trẻ khi chào đời trong vòng 24 tiếng sau sinh cũng sẽ được tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B để tránh nguy cơ bị lây bệnh từ người mẹ bị viêm gan B.

 


Trong quá trình mang thai nếu không may bị bệnh, mẹ cần được thăm khám, hỗ trợ, tư vấn từ bác sĩ để tránh nguy cơ lây nhiễm cho con.

Bệnh Rubella

Virus gây bệnh rubella có thể lây từ mẹ sang con qua nhau thai. Phụ nữ mang thai bị rubella sẽ khiến thai nhi bị dị tật, điếc bẩm sinh, chết lưu hoặc mắc phải hội chứng rubella bẩm sinh gây dị tật ở mắt, tim và não.

Tỷ lệ trẻ nhiễm rubella từ mẹ khi sinh ra bị mắc hội chứng rubella bẩm sinh là:

Dưới 11 tuần: Chiếm khoảng 90%.
11-12 tuần: Chiếm khoảng 33%.
13-14 tuần: Chiếm khoảng 11%.
15-16 tuần: Chiếm khoảng 24%.
Trên 16 tuần: Hiếm, chiếm khoảng 0%.

Bệnh HIV

HIV có thể lây truyền từ mẹ sang con qua 3 giai đoạn: Khi mang thai, lúc chuyển dạ và khi cho con bú. Tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con là 40%. Tuy nhiên, việc trẻ có bị lây nhiễm HIV từ mẹ hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào việc điều trị dự phòng ở người mẹ mang thai bị nhiễm virus HIV.

Vì vậy, người mẹ mang thai bị nhiễm HIV cần phải đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, chăm sóc thai sản, theo dõi và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

 

Nguồn Afamily