Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Sỏi mật ở trẻ em - Những điều cần biết


Bệnh sỏi mật phổ biến hơn ở người trưởng thành và tương đối hiếm gặp ở trẻ em. Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ mắc bệnh sỏi mật ở trẻ em đang gia tăng.

Các loại sỏi mật thường gặp ở trẻ em

Sự phân bố các loại sỏi mật ở trẻ em khác với người trưởng thành: Nếu sỏi cholesterol là loại sỏi phổ biến nhất ở người lớn thì sỏi sắc tố đen là loại phổ biến nhất ở trẻ em.

Sỏi sắc tố đen chiếm 48% sỏi mật ở trẻ em, thường được hình thành trong các rối loạn tán huyết và cũng có thể phát triển với tình trạng dinh dưỡng ngoài đường tiêu hóa (như trẻ phải áp dụng dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch).

Sỏi cholesterol chiếm khoảng 21% sỏi mật ở trẻ em.

Sỏi canxi carbonat, hiếm gặp ở người lớn lại phổ biến ở trẻ em, chiếm 24%.

Sỏi sắc tố màu nâu rất hiếm, chỉ chiếm 3% sỏi mật ở trẻ em, và thường thấy trong các ống dẫn mật hơn là trong túi mật.

Sỏi mật protein, chiếm khoảng 5% sỏi mật ở những bệnh nhi.

Nguyên nhân

Bệnh sỏi mật ở trẻ em có nhiều nguyên nhân khác nhau liên quan đến yếu tố ảnh hưởng. Bệnh tan máu bẩm sinh, bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh gan, béo phì, dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch kéo dài, bệnh Crohn...  đều có thể dẫn đến tăng tỷ lệ sỏi mật ở trẻ em. Trong đó béo phì là một yếu tố nguy cơ rất đáng lưu ý. Tỷ lệ mắc bệnh mật ở trẻ em ngày càng tăng tương đương với sự gia tăng béo phì ở trẻ em.

Bệnh sỏi mật ở trẻ em có liên quan nhiều đến nhiễm ký sinh trùng đường ruột, đặc biệt là giun đũa. Khi giun chui lên đường mật, chúng để lại trứng hoặc những mảnh vụn cơ thể. Sắc tố mật và canxi bám vào đó tạo nên sỏi mật.

Trước tuổi dậy thì, tỷ lệ giới tính của căn bệnh sỏi mật ở trẻ em dường như bằng nhau. Tuy nhiên, sau tuổi dậy thì, tỷ lệ sỏi mật ở nữ lớn hơn đáng kể so với nam giới là 4:1.

Dấu hiệu nhận biết

Có 33-40% trẻ em mắc sỏi mật nhưng không có triệu chứng. Ở những bệnh nhân có triệu chứng, đau hạ sườn phải là triệu chứng phổ biến nhất, có thể đi kèm với buồn nôn và nôn. Nếu trẻ có dấu hiệu đau bụng không rõ ràng, không liên tục, vàng da kèm có các yếu tố nguy cơ kể trên, cần làm các xét nghiệm chẩn đoán sỏi mật.

Cơn đau do sỏi mật có thể kéo dài từ 30 phút đến vài giờ nhất là sau bữa ăn, nếu đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ trẻ sẽ thấy đau tăng lên. Ở trẻ nhỏ, nếu thấy trẻ hay quấy khóc, ăn uống khó tiêu, thường xuyên kêu đau nhiều ở bụng tốt nhất nên đưa trẻ đi khám để kiểm tra chính xác.

Ngoài ra, trong trường hợp sỏi làm tắc nghẽn ống dẫn mật, trẻ có thể xuất hiện các dấu hiệu như vàng da, vàng mắt, buồn nôn, nôn, sốt hoặc phân bạc màu, nước tiểu sẫm màu...

Biến chứng

Biến chứng do sỏi mật ở trẻ em cũng tương tự người lớn. Nhưng do trẻ nhỏ không biết cách nói ra, hoặc người lớn không để ý mà các triệu chứng không được phát hiện dẫn tới biến chứng muộn, trầm trọng hơn. Các biến chứng bao gồm:

Viêm túi mật cấp: Những triệu chứng của viêm túi mật cấp bao gồm: Đau dữ dội vùng bụng trên bên phải, đau có thể kéo dài đến vài tiếng đồng hồ; sốt từ 38 độ C; tim đập nhanh; ớn lạnh... Đây là một tình trạng cấp cứu, vì vậy, người bệnh cần được nhập viện nhanh chóng để điều trị kịp thời.

Nhiễm trùng đường mật - viêm đường mật cấp: Nếu sỏi làm tắc nghẽn ống dẫn mật sẽ dễ gây nhiễm trùng và viêm đường mật cấp. Các triệu chứng của viêm đường mật cấp bao gồm: Đau vùng bụng trên bên phải, đau có thể lan ra sau vai; sốt cao, ớn lạnh; vàng da; ngứa da; mệt mỏi...

Viêm tụy cấp xảy ra khi sỏi túi mật di chuyển từ túi mật theo đường mật và lọt vào ngã ba mật tụy làm ứ tắc dịch tụy, gây viêm tụy cấp. Triệu chứng phổ biến là đau bụng dữ dội, liên tục và thường trở nên tồi tệ hơn sau khi ăn. Các triệu chứng khác bao gồm: mệt mỏi, tiêu chảy, ăn mất ngon, nôn ói, sốt cao trên 38 độ C, co cứng vùng bụng trên rốn,...

Ung thư túi mật: Sỏi mật cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư túi mật, ước tính cứ 5 người bị ung thư túi mật thì có đến 4 người đã từng mắc sỏi túi mật.

Tắc ruột do sỏi mật là biến chứng hiếm gặp nhưng nguy hiểm và cần phải điều trị ngay lập tức, nếu không có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Điều trị

Sỏi đường mật khi có triệu chứng mới phải điều trị. Với bệnh nhân không có triệu chứng chỉ cần theo dõi và siêu âm định kỳ. Với bệnh nhân có triệu chứng, điều trị sỏi túi mật có thể có một số phương pháp như: Phẫu thuật nội soi ít xâm lấn cắt bỏ túi mật; Phẫu thuật mở; Tán sỏi bằng nội soi đường mật ngược dòng.

 BS. Lê Hoàn

Nguồn https://suckhoedoisong.vn